Điều hành tỷ giá, 'chắc tay' vượt bão Covid
Xét theo yếu tố cung - cầu thực tế đô la Mỹ thì hiện cán cân vẫn đang tạm thời nghiêng về phía cung, giúp Ngân hàng Nhà nước có cơ sở để điều hành, tránh để tiền đồng bị mất giá quá mạnh.
Bất ngờ tăng mạnh
Trong tuần trước, tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ bất ngờ có chuỗi phiên tăng khá “nóng”, thậm chí mức biến động còn mạnh hơn cả chuỗi tăng liên tiếp hồi tháng 5-2019. Cụ thể, trên thị trường liên ngân hàng, trong phiên cuối tuần trước (ngày 19-3-2020), giá đô la Mỹ giao dịch giữa các thành viên có bước nhảy vọt tới hơn 110 đồng.
Trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại, giá đô la cũng tăng đột biến, từ mức 23.350 đồng lên quanh mức 23.570 đồng trước khi có sự điều chỉnh nhẹ trở lại vào cuối tuần.
Trong khi đó, trên thị trường tự do, giá đô la cũng tăng khoảng 450 đồng so với đầu tuần, với tỷ giá mua vào - bán ra lên tới 23.600-23.700 đồng/đô la. Bước tăng tới khoảng 200 đồng/đô la chỉ sau một vài phiên là mức biến động lớn trong khoảng vài năm trở lại đây. Lần gần nhất tỷ giá có mức biến động mạnh như vậy là hồi tháng 5 đến đầu tháng 6-2019, khi xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang sau khi hai nước này không đạt được thỏa thuận.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, tỷ giá đã nhanh chóng hạ nhiệt, thậm chí kết thúc năm 2019 gần như không thay đổi nhiều so với thời điểm đầu năm.
Bối cảnh tăng mạnh của tỷ giá hiện tại chủ yếu do dịch Covid-19 đang lan mạnh ra toàn cầu, tạo ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thị trường tài chính. Bất chấp việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay cắt giảm lãi suất liên tiếp, đưa lãi suất điều hành về mức tương đương với sau khủng hoảng năm 2008 (0-0,25%), đô la Mỹ vẫn không ngừng tăng giá.
Chỉ số USD Index đã tăng mạnh từ mức 95 điểm vào ngày 9-3 lên 102,7 điểm vào ngày 19-3 (tương đương mức tăng 8%). Đây là mức cao nhất của USD Index kể từ cuối năm 2016, đồng thời mức tăng cao diễn ra trong một thời gian ngắn cũng là đáng chú ý nhất kể từ cuối năm 2002 đến nay. Các nhà đầu tư trên thế giới đang tháo chạy khỏi các tài sản như vàng, chứng khoán, bất động sản, dầu thô để nắm giữ đô la. Phương châm “Cash is King” (Tiền mặt là vua) đang tạm thời ngự trị trên thị trường tài chính toàn cầu.
Việc đô la Mỹ lên giá đã khiến nhiều đồng tiền mất giá mạnh, đặc biệt là đồng tiền tại các thị trường mới nổi. Ngoài nguyên nhân đô la lên giá thì động thái cắt giảm một loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), áp dụng từ ngày 17-3 vừa qua, cũng đóng góp một phần khiến tiền đồng có xu hướng yếu đi.
Trong bối cảnh đó, việc tỷ giá tăng là điều có thể giải thích được nhưng về cơ bản, mức tăng chỉ gần 1% trong tuần qua vẫn đang trong tầm kiểm soát, giúp tiền đồng là một trong những đồng tiền ổn định hàng đầu khu vực và thế giới từ đầu năm đến nay.
Thận trọng trong điều hành
Có thể nói, biến động “chóng mặt” của thị trường tài chính toàn cầu hiện tại đang là một trong những hiện tượng rất hiếm gặp trong lịch sử. Diễn biến này khiến cho việc điều hành vĩ mô của chính phủ các nước trở nên khó khăn và gặp rất nhiều thách thức do các biến số thay đổi liên tục.
Nếu dịch bệnh Covid-19 tiếp tục kéo dài và ngày càng nghiêm trọng tại các nước châu Âu và Mỹ, khó có thể nói sự hoảng loạn trên thị trường chứng khoán đã kết thúc (mặc dù hầu hết các chỉ số chứng khoán đều đã giảm trên 20%). Sự hoảng loạn càng lên cao, các nhà đầu tư càng có xu hướng tìm đến các tài sản an toàn như đô la Mỹ, yen Nhật hay trái phiếu chính phủ Mỹ, Đức...
Với tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ, nếu USD Index tiếp tục tăng cao trên thị trường thế giới, khả năng cao là tiền đồng sẽ còn tiếp tục giảm giá nhẹ. Nhìn ở khía cạnh tích cực thì tiền đồng giảm giá cũng sẽ phần nào tạo thuận lợi cho xuất khẩu vì giá bán hàng hóa của Việt Nam trên các thị trường nước ngoài tính theo đô la Mỹ và các ngoại tệ khác sẽ giảm đi, dẫn đến tăng tính cạnh tranh cho xuất khẩu.
Tuy nhiên, xét trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay thì sự cạnh tranh về giá có tác dụng rất hạn chế trong việc bán thêm được hàng ở các thị trường xuất khẩu chủ lực như châu Âu và Mỹ, do các nước này đang phải đóng cửa nhiều hoạt động kinh tế để kiểm soát dịch bệnh.
Trong khi đó, nếu để tiền đồng mất giá quá mạnh, Việt Nam thậm chí sẽ phải đối mặt với rủi ro bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ (hiện mới ở trạng thái “theo dõi”). Do đó, có cơ sở để kỳ vọng Việt Nam sẽ điều hành tỷ giá theo hướng thận trọng, tránh để tiền đồng bị mất giá quá mạnh.
Mong muốn là như vậy nhưng liệu NHNN có đủ nguồn lực để thực hiện không? Quỹ dự trữ ngoại hối quanh mức 80 tỉ đô la vào cuối năm 2019 là mức cao nhất trong lịch sử nhưng vẫn còn tương đối “mỏng” (mới chỉ tương đương 14 tuần nhập khẩu). Kinh nghiệm tại nhiều quốc gia cho thấy, sự hoảng loạn trong nước và sự tháo chạy của dòng vốn nước ngoài có thể “thổi bay” dự trữ ngoại hối của các quốc gia một cách nhanh chóng.
Điểm tích cực là mặc dù có bị ảnh hưởng nhưng cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn đang trong trạng thái thặng dư. Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15-3-2020, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt gần 50,3 tỉ đô la, tăng 6,85% so với cùng kỳ trong khi kim ngạch nhập khẩu tương ứng đạt gần 47,6 tỉ đô la, tăng 1,9%.
Theo đó, Việt Nam duy trì xuất siêu trên 2,7 tỉ đô la, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 (xuất siêu gần 405 triệu đô la). Cùng với đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện hai tháng đầu năm đạt 2,5 tỉ đô la.
Về phía cầu ngoại tệ, hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài cả trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu là một điểm đáng lo ngại. Ước tính khối này đã bán ròng gần 10.000 tỉ đồng (gần 450 triệu đô la) kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay.
Như vậy, xét theo yếu tố cung - cầu thực tế đô la Mỹ tại Việt Nam thì hiện cán cân vẫn đang tạm thời nghiêng về phía cung, giúp NHNN có cơ sở để điều hành, tránh để tiền đồng bị mất giá quá mạnh. Do vậy, trong những phiên đô la Mỹ tăng mạnh trên thị trường thế giới khiến tỷ giá trong nước chịu áp lực mạnh, nhà điều hành có thể xem xét bán ra ngoại tệ can thiệp khi cần thiết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận