menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thu Miên

Điều hành giá xăng dầu: Phải bám sát diễn biến giá thế giới

Xăng dầu là nguồn nhiên liệu đầu vào thiết yếu của sản xuất và giao thương - với tính toán, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế - khi giá xăng dầu tăng cao, chắc chắn sẽ tác động mạnh tới mỗi doanh nghiệp và từng người dân.

Giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục xu hướng tăng và tăng liên tục trong thời gian vừa qua, và đã đạt mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Ngay trong đầu tuần này, giá dầu Brent đã chạm ngưỡng 100 USD/thùng. Các chuyên gia phân tích thị trường dự báo có thể tăng vượt ngưỡng 100 USD/thùng trong năm nay. Giá dầu thế giới tăng cao tác động trực tiếp đến thị trường xăng dầu trong nước, bởi Việt Nam vẫn đang là nước vừa phải nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, vừa nhập khẩu dầu thô để chế biến, học hoá dầu.

Xăng dầu là nguồn nhiên liệu đầu vào thiết yếu của sản xuất và giao thương - với tính toán, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế - khi giá xăng dầu tăng cao, chắc chắn sẽ tác động mạnh tới mỗi doanh nghiệp và từng người dân. Song, để đảm bảo nguồn cung loại hàng hoá đặc biệt quan trọng này, thì không có cách nào khác, cùng với các biện pháp sử dụng tiết kiệm, cùng với cân đối để giảm các nguồn thu từ thuế, phí, việc điều hành giá xăng dầu phải bám sát diễn biến giá thị trường thế giới.

Không lo khan hiếm nguồn cung xăng dầu, ngay cả khi Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn ngừng sản xuất bởi thị trường xăng dầu Việt Nam liên thông với thị trường thế giới và Việt Nam đã từng nhập khẩu gần như toàn bộ nguồn xăng dầu thành phẩm, khi chưa có nhà máy lọc hoá dầu trong nước. Đó là khẳng định của Bộ Công Thương tại cuộc họp gần đây về giải pháp điều hành thị trường xăng dầu, đảm bảo đủ nguồn cung cho phát triển kinh tế - xã hội và tiêu dùng.

Hiện tại trong nước có 3 nhà máy lọc dầu là Nghi Sơn, Bình Sơn và Dung Quất, khi hoạt động ổn định sẽ đáp ứng khoảng 75% nguồn cung xăng dầu nội địa, phần còn lại là nhập khẩu. Vì vậy, theo các chuyên gia, việc đầu tiên trong điều hành để đảm bảo nguồn cung là luôn phải đặt ra các tình huống giả định từ sớm, nếu một trong 3 nhà máy gặp sự cố, thậm chí cả 3 đều sự cố thì phương án nguồn cung sẽ ra sao.

Từ thực tế Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm sản lượng thời gian qua, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam nêu quan điểm: "Điều quan trọng nhất là phải rất rõ ràng… việc gây ảo tưởng cho các đầu mối là sẽ không có vấn đề gì là cực kỳ nguy hiểm".

Để bảo đảm việc cung ứng xăng dầu cho thị trường được duy trì liên tục, Bộ Công Thương cho biết, đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn cung từ nguồn nhập khẩu và tính đến các phương án khác nhau trong trường hợp Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không sản xuất ổn định nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước. Đồng thời, xem xét để điều chỉnh phân giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu…

Nhưng, trên thực tế, việc tìm kiếm nguồn để nhập khẩu xăng dầu từ thị trường nước ngoài đối với các doanh nghiệp đầu mối nhỏ không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới đang ngày càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ.

Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam dẫn chứng: "Mức thuế nhập khẩu của chúng ta có sự khác biệt rất lớn. Hiện tại chủ yếu xăng dầu nhập khẩu về đây là sử dụng “Form B” hết (giấy chứng nhận xuất xứ C/O mẫu B). Form B thì chỉ hạn chế trong các nước ASEAN, trong khi nguồn rất dồi dào nhưng không thể nhập được, là bởi vì có chênh lệch về nhập khẩu.

Do đó, điều quan trọng theo Hiệp hội đánh giá là cần phải có những giải pháp tổng thể. Nếu tháng 5 mà chúng ta vẫn chưa chắc chắn được nhà máy (Nghi Sơn) có tiếp tục hay là vẫn đang còn tiến trình đàm phán… thì cần có giải pháp hết sức tổng thể…".

Cùng với việc “cởi bỏ” các hạn chế này, giới phân tích cũng chỉ ra rằng, cần giảm thiểu những hạn chế trong các quy định về giá, thuế, phí trong hoạt động nhập khẩu mặt hàng này. Cùng với đó, phải linh hoạt trong công tác điều hành giá xăng dầu trong nước. Trước các tác động giá từ bên ngoài có nguy cơ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất cũng như gia tăng áp lực lạm phát, cần tính tới phương án điều chỉnh giá xăng dầu trong nước thông qua công cụ thuế, phí thu từ xăng dầu.

Ông Lê Anh Tuấn - Phó TGĐ Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) kiến nghị, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và thị trường chính là cân nhắc giảm thuế mặt hàng này: "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thể nghiên cứu hỗ trợ người dân về chính sách thuế, chính sách thuế đối với xăng dầu, chính sách thuế và phí có thể áp dụng giai đoạn ngắn hạn để làm sao tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp…"

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương khẳng định, luôn phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý giá Bộ Tài chính để điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung - cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường, hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.

Theo ông Đông: "Điều hành thì Nhà nước vẫn phải hài hòa lợi ích của người dân, của doanh nghiệp và mục tiêu kiểm soát lợi ích của Nhà nước. Cho nên giá điều hành có thể nói rằng là cũng chưa hoàn toàn có lợi các doanh nghiệp tại thời điểm này, nhưng Bộ Công thương cũng phải làm việc với các doanh nghiệp là tại thời điểm này cũng phải chia sẻ với mục tiêu quản lý của Nhà nước, chia sẻ với lợi ích của 100 triệu dân.

Và nguyên tắc chung của Bộ là yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định về dự trữ, quy định về bán hàng và không có tâm lý găm hàng, hay là hạn chế bán ra để ảnh hưởng tới nguồn cung phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng người dân".

Trước diễn biến giá dầu thế giới tăng cao tác động trực tiếp tới đời sống của mỗi người dân và nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của công tác truyền thông: "Chúng tôi đề nghị các cơ quan truyền thông phối hợp với Bộ Công Thương để cung cấp thông tin đầy đủ, thường xuyên kịp thời khách quan để cho các tổ chức, cá nhân thường xuyên sử dụng các mặt hàng chiến lược này hiểu được tình hình, hiểu được quyết tâm của Chính phủ, trách nhiệm của Chính phủ, trách nhiệm của Bộ Công Thương, của các Bộ, ngành có liên quan trong việc điều hành mặt hàng này.

Đồng thời, để người dân nói chung và các tổ chức, cá nhân có liên quan hiểu được việc điều hành giá xăng dầu - một mặt hàng chiến lược này không thể một mình một chợ được, mà buộc phải chấp nhận bởi cơ chế của thế giới, chứ nếu như mà quan niệm như thời gian qua cứ lúc nào giảm thì mừng mà tăng thì không vui, thậm chí còn rất là gắt gay đối với các cơ quan chức năng thì không công bằng"./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả