24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thanh Cường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Điều hành giá góp phần gia cố vững chắc kinh tế vĩ mô

Kinh tế tăng trưởng cao trên nền lạm phát được kiểm soát sẽ gia cố hơn cho sự vững chắc của kinh tế vĩ mô.

Năm 2019 là năm có mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, không chỉ góp phần giảm sự “bốc hơi” túi tiền của người dân mà còn hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Trước kết quả này, Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Tổ trưởng Tổ giúp việc của Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ.

Hai chỉ số quan trọng nhất của kinh tế là lạm phát 2,79%, thấp nhất trong vòng 3 năm qua và tăng trưởng kinh tế tiếp tục đạt trên 7%, đưa Việt Nam lọt nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Các con số này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Chỉ số lạm phát năm 2019 chỉ đạt 2,79%, tương đối thấp so với tăng trưởng kinh tế là 7,02%. Như vậy tăng trưởng cao gấp hơn 2,5 lần chỉ số lạm phát cho thấy nhiều ý nghĩa, thứ nhất là thu nhập của người dân tăng lên và sự chi tiêu cũng như hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp là tốt. Thứ hai là sẽ tạo niềm tin của người dân cũng như xã hội vào công tác kiểm soát lạm phát cũng như các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.

Thực tế thì lạm phát năm 2019 rất thấp. Nếu chúng ta điều chỉnh giá khám, chữa bệnh khi tính chi phí quản lý vào theo lộ trình (bước 3) thì sẽ có ý nghĩa hơn nhiều. Ông nghĩ sao về việc này?

Công tác quản lý và điều hành giá thì cần phải đạt được 2 mục tiêu. Thứ nhất là mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát mục tiêu. Thứ hai là cần phải kết cấu các chi phí theo giá theo lộ trình. Trong năm 2019 và các năm trước, bên cạnh việc kiểm soát lạm phat theo mục tiêu, chúng ta đã tranh thủ điều chỉnh được giá các dịch vụ công do nhà nước quản lý như giáo dục, điện và cả giá dịch vụ khám chữa bệnh.

Năm 2019, đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thì Bộ Y tế đã rất nỗ lực để điều chỉnh dịch vụ này để tiếp cận theo thị trường. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua thì Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đã giao cho Bộ Y tế rà soát, đánh giá các định mức kinh tế kỹ thuật để làm sao gom các định mức kỹ thuật từ trên 18.000 dịch vụ xuống thành 9.000 dịch vụ, thậm chí xuống còn khoảng 3.000 dịch vụ khám chữa bệnh để có định mức cụ thể, đáp ứng yêu cầu về điều chỉnh giá. Khối lượng công việc rất lớn, mặc dù Bộ Y tế rất nỗ lực nhưng cũng chưa hoàn thành được việc sắp xếp quy định mức tiêu chuẩn đó. Do vậy, việc kết cấu chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám chữa bệnh có chậm hơn so với các yêu cầu đặt ra trong quá trình điều hành giá.

Tuy nhiên,vấn đề này sẽ tiếp tục được xem xét cho những năm tới để chúng ta dần tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo thị trường để thúc đẩy chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.

Vậy năm 2020, nếu như chúng ta đưa chi phí này vào thì tác động tới lạm phát như thế nào và khả năng chi trả của người dân có bảo đảm được không?

Theo kịch bản điều hành giá và lộ trình đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thì thứ nhất là tích hợp việc tăng lương từ 1/7/2020 (lương cơ bản tăng từ 1490.000 đồng lên 1.600.000 đồng) vào giá khám chữa bệnh. Thứ hai là sẽ phải tiếp tục nghiên cứu để đưa chi phí quản lý (bước 3) sẽ tác động vào lạm phát chung của cả năm. Riêng đối với chi phí dịch vụ khám, chữa bệnh có kết cấu thêm chi phí quản lý thì theo chúng tôi đánh giá và thống kê cho thấy tác động vào CPI tăng khoảng 0,13 %. Việc tăng này là minh bạch và giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giải phóng sức sản xuất của ngành y và giảm chi ngân sách trực tiếp cho ngành y.

Chúng tôi đánh giá việc tăng chi phí này tác động một phần đối với các nhóm bệnh nhân chưa có bảo hiểm y tế. Còn các bệnh nhân có bảo hiểm y tế rồi sẽ không chịu tác động này.

Ngoài cung cầu các mặt hàng thì các yếu tố vĩ mô bên ngoài như xung đột thương mại, tỷ giá, lãi suất,… trong năm 2020 có cần phải có những lưu ý đặc biệt gì không?

Quá trình xem xét, nghiên cứu và dự báo tình hình giá cả thị trường, tham mưu cho các cơ quan chức năng, đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản điều hành giá, cần phải nhìn vào các yếu tố tác động lên mặt bằng giá.

Trong năm 2020, chúng tôi đã có đánh giá về các thách thức cho công tác này. Thứ nhất là các yếu tố từ bên ngoài sẽ tác động vào trong nước, xung đột thương mại giữa các nước lớn, dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu,thiên tai bão lũ rất là khó lường. Bên cạnh đó,trong nước cũng sẽ chịu áp lực của việc điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước tiếp tục kết cấu theo thị trường.

Thứ hai, mặt bằng giá cả sẽ chịu tác động trực tiếp từ giá nhiên liệu từ nước ngoài. Ví dụ như xăng dầu, giá gas. Và thách thức nữa là chúng ta cũng cần phải xây dựng kịch bản để quản lý giá theo lộ trình cũng như quản lý giá theo mục tiêu kiểm soát lạm phát theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ đặt ra.

Thưa ông, giá thịt lợn đã tăng mạnh trong năm 2019 và sẽ còn tác động tới điều hành lạm phát trongquý I/2020. Vậy Ban chỉ đạo điều hành giá đã có chỉ đạo ra sao đối với mặt hàng này?

Dịch tả lợn châu Phi xảy ra là điều không mong muốn. Ngay từ đầu năm 2019 dịch bệnh đã xảy ra rồivàtôi nhớ là Ban chỉ đạo điều hành giá dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã đặt ra ngay từ đầu năm 2019 là cần phải dự báo đánh giá tình hình cung ứng thịt lợn khi phải đương đầu với dịch. Và đúng như dự báo là cuối năm thịt lợn thiếu nguồn cung do tác động mạnh từ dịch. Do vậy, cần tính toán nguồn cung để đáp ứng nhu cầu của người dân trong tháng 12/2019, Tết Canh Tý và đặc biệt là trong quý I/2020, bảo đảm giá cả phù hợp với thị trường và có khuyến khích các giải pháp bình ổn giá. Bộ Tài chính cũng kiến nghị và đề nghị có giải pháp, trong đó có giải pháp nhập khẩu thịt lợn từ các nước có quan hệ thương mại với Việt Nam, bổ sung phần thiếu hụt nhất định, đề nghị các bộ tạo thuận lợi cho công tác nhập khẩu thịt lợn để diễn ra nhanh chóng, bù đắp kịp thời nhu cầu trong nước.

Điều hành giá góp phần gia cố vững chắc kinh tế vĩ mô
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo giá tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tới các cá nhân có đóng góp tiêu biểu cho công tác truyền thông về quản lý, điều hành giá năm 2018.

Theo ông, sau nhiều năm tính toán chỉ số giá đúng như dự báo từ đầu năm, vậy với năm 2020 còn nhiều thách thức thì yếu tố nào là quan trọng để chúng ta yên tâm lạm phát tiếp tục dưới 4%?

Như cách đây 1 tuần, Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã họp phiên cuối năm nhận định tình hình năm 2020 tương đối nhiều thách thức. Trong đó, Ban chỉ đạo cũng chỉ ra các áp lực tác động lên việc tăng lạm phát và các yếu tố làm giảm áp lực lên lạm phát và đã đưa ra 3 kịch bản điều hành. Trong đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu điều hành giá cả theo kịch bản 1 (3,59%) và kịch bản 2 (3,91%), đều là các mức tăng dưới 4% theo yêu cầu của Quốc hội.

Cụ thể, các bộ, ngành sẽ phải có kịch bản điều hành giá cho giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và cho cả năm để đạt mục tiêu. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh trong Quý I/2020 không điều chỉnh giá cả một số các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý mà tính toán, lựa chọn liều lượng, thời điểm tăng trong các Quý khác của năm 2020.

Việc quản lý giá những năm qua được tiến hành theo nhiều yêu cầu khác nhau trong điều hành kinh tế. Có sự mâu thuẫn nào trong những người làm chính sách này không?

Việcđiều hành giá phải đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát là ưu tiên số một. Bên cạnh đó thì điều hành giá cũng sẽ góp phần để thúc đẩy tăng trưởng như đã trao đổi về trường hợp giá dịch vụ khám chữa bệnh ở trên. Đây là hai mục tiêu quan trọng và không mâu thuẫn nhau. Chúng ta cần phải đặt ra các giải pháp cho tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng trong nước,trên cơ sở đó kiểm soát giá, bình ổn giá bằng các công cụ thị trường để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho tăng trưởng dương. Khi kinh tế tăng trưởng trên nền lạm phát được kiểm soát sẽ gia cố hơn cho sự vững chắc của kinh tế vĩ mô.

Làm tốt điều hành giá, tôi cho rằng sẽ có ý nghĩa rất lớn trong tạo niềm tin của xã hội đối với công tác quản lý giá cũng như đối với các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả