menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bùi Anh Thơ

Điều hành chính sách tiền tệ trước áp lực lạm phát toàn cầu

NHNN sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, quan tâm thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng…

Áp lực lạm phát tăng rõ ràng hơn

Nhìn lại bối cảnh kinh tế thế giới trong hơn 1 năm qua, để ứng phó với Covid-19, ngay từ giữa năm 2020, các NHTW trên thế giới đồng loạt triển khai chính sách tiền tệ (CSTT) siêu nới lỏng, thậm chí nhiều NHTW lớn còn triển khai chương trình mua trái phiếu với quy mô khổng lồ để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra. Chỉ trong thời gian ngắn, lượng tiền cơ sở đã tăng gấp đôi, cho thấy mức độ của các chính sách nới lỏng. Kéo theo đó là sự tăng giá của các kênh tài sản với điển hình là thị trường cổ phiếu và thị trường các tài sản có mức sinh lời cố định như trái phiếu.

Sang đến năm 2021, theo thống kê từ WB, các ngành xây dựng, nhóm ngành sản xuất công nghiệp và bán lẻ hàng hóa đã hồi phục hoặc tiệm cận mức trước dịch sau một thời gian gián đoạn, trong khi ngành tiêu dùng dịch vụ vẫn chưa có sự hồi phục đáng kể do dịch bệnh vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều nước. Điều này dẫn đến hiện tượng lạm phát tăng ở nhiều quốc gia do sự tăng giá phi mã của một số mặt hàng đầu vào phục vụ cho sản xuất, tiêu biểu phải kể đến dầu thô với mức tăng 40% so với cùng kỳ.

Mặc dù lạm phát toàn cầu tăng nhanh trở lại nhưng ở thời điểm này, các NHTW chưa cho thấy tín hiệu định hướng thay đổi CSTT. Đơn cử, trong diễn biến mới nhất từ Fed, dù có thay đổi sớm hơn lộ trình nâng lãi suất, nhưng thời điểm gần nhất phải tới năm 2023. Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu CTCK Vietcombank (VCBS), CSTT nới lỏng phi truyền thống đã được áp dụng khó có thể đảo ngược khi việc thu hẹp bảng cân đối kế toán của các NHTW gặp nhiều khó khăn. Các NHTW tiếp tục duy trì CSTT nới lỏng ít nhất cho tới năm 2022 và chưa có các lo ngại về lạm phát trong trung hạn.

Do Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, nên theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, công tác điều hành CSTT của NHNN cũng sẽ chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên, việc thay đổi quan điểm chính sách của Fed có thể chỉ mang tính nhất thời. Trong khi chưa thể xác định các yếu tố gây ra lạm phát hiện tại chỉ là nhất thời hay lâu dài. Do đó, NHNN phải bám sát những thay đổi CSTT của NHTW các nước trên thế giới để đưa ra những lựa chọn chính sách phù hợp.

Điểm thuận lợi, so sánh với các NHTW khác trên thế giới, NHNN vẫn chỉ sử dụng các công cụ truyền thống chứ chưa sử dụng các công cụ phi truyền thống như nhiều NHTW lớn khác. Đây được xem là điểm cộng về độ linh hoạt trong CSTT.

Bên cạnh đó, lạm phát tại Việt Nam vẫn được kiểm soát ở mức thấp. Cụ thể chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tháng 6 chỉ tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước - mức thấp nhất kể từ năm 2016. Theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, lạm phát của Việt Nam năm nay vẫn chưa đáng lo ngại. Với tốc độ nhập khẩu và tiêm vắc-xin còn khá chậm, nhiều ngành kinh tế sẽ vẫn khó khăn như du lịch, hàng không, vận tải… phải đến nửa cuối năm sau mới có khả năng phục hồi. Theo đó, lạm phát cả năm vẫn chỉ dưới 4%.

Lạm phát thấp đã giảm bớt áp lực đến lãi suất. Mặc dù vậy, nhìn từ lạm phát của Mỹ tăng vọt 2 tháng gần đây, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, vẫn cần phải thận trọng. “Vòng quay của tiền ở Việt Nam chậm lại chỉ là tạm thời, một khi sản xuất kinh doanh phục hồi, người dân mạnh tay chi tiêu hiệu ứng lạm phát sẽ tăng mạnh hơn. Nói cách khác, lạm phát ở Việt Nam tăng hay không phụ thuộc hoàn toàn vào sự phục hồi vòng quay của tiền”, TS. Nghĩa chia sẻ quan điểm.

Ứng xử chính sách

Theo nhận định của VCBS, lãi suất huy động chưa ghi nhận áp lực tăng trên toàn hệ thống và hiện mức tăng chỉ mang tính chất cục bộ nhằm cân bằng lợi ích của người gửi tiền với các kênh đầu tư khác. Điều quan trọng nữa là định hướng xuyên suốt của NHNN trong thời gian vừa qua vẫn là duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.

Trên thực tế, mặc dù làn sóng dịch Covid-19 thứ tư đang tác động tiêu cực đến hoạt động của toàn nền kinh tế, trong đó có ngân hàng, nhưng NHNN đã nỗ lực điều hành CSTT hết sức linh hoạt và chủ động để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, tạo điều kiện giảm chi phí vay vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cũng đánh giá cao vai trò của NHNN trong việc điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, triển khai quyết liệt các giải pháp, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn do dịch bệnh, góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên TS. Võ Trí Thành cho rằng, lãi suất huy động gần như không còn cửa giảm. Trong khi lãi suất cho vay, dù vẫn còn dư địa giảm nhưng không đáng kể và sẽ có sự phân hóa. Theo đó, doanh nghiệp tốt vẫn được hưởng lãi suất cho vay thấp, còn với các doanh nghiệp có độ rủi ro cao, ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất để bù đắp rủi ro. “Mục tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn giữ ở 12% nhưng cần phải rất linh hoạt không nên cứng nhắc. Quan trọng vẫn là không đảo chiều chính sách, dựa trên tín hiệu của thị trường điều hành linh hoạt đủ để hỗ trợ nền kinh tế nhưng không tạo rủi ro tài chính quá lớn. Do vậy, một lần nữa đòi hỏi nghệ thuật điều hành CSTT của NHNN phải rất khéo léo”, TS Thành khuyến nghị.

CTCK Rồng Việt (VDSC) cũng dự đoán rằng NHNN sẽ tiếp tục duy trì CSTT hỗ trợ để tiếp sức cho nền kinh tế trong bối cảnh phức tạp của đợt bùng phát Covid-19 mới nhất. Tuy nhiên, tốc độ tăng cung tiền chậm lại cho thấy NHNN chưa sử dụng đến biện pháp bơm thanh khoản trên diện rộng và vẫn tập trung vào mục tiêu mở rộng tín dụng có chọn lọc.

Tại buổi tiếp bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, quan tâm thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng…

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại