menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Minh An

Điều chỉnh giá điện góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Điện được dùng trong hầu hết các hoạt động và tiêu dùng của nền kinh tế, tăng giá điện sẽ làm tăng chi phí sản xuất, làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong nước và giảm chi tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình.

Do đó, việc tăng giá điện đang đặt các nhà quản lý vào thế "tiến thoái lưỡng nan" trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023 với tăng trưởng 6,5%, kiểm soát lạm phát 4,5% và trong bối cảnh kinh tế nước ta đang đương đầu với nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế của quý I/2023 đạt rất thấp trong thập kỷ qua.

Để hiểu rõ hơn việc điều chỉnh tăng giá điện trong thời gian tới sẽ tác động như thế nào tới tăng trưởng và lạm phát của nền kinh tế, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.

Khu vực doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, lần đầu tiên số doanh nghiệp rút lui cao hơn số gia nhập thị trường. Trong khi đó giá điện có khả năng điều chỉnh tăng trong thời gian tới. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Khu vực doanh nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, đơn hàng suy giảm, nhu cầu tiêu dùng trong nước và thế giới yếu; rào cản về môi trường pháp lý, chi phí sản xuất chưa được tháo gỡ; nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm thời gian sản xuất, cắt giảm lao động.

Trong quý I năm 2023, lần đầu tiên trong lịch sử, số doanh nghiệp tạm thời và vĩnh viễn rút lui cao hơn số doanh nghiệp mới gia nhập và quay trở lại thị trường, phản ánh bức tranh khó khăn của khu vực doanh nghiệp hiện nay và có thể tiếp diễn trong thời gian tới.

Điện là loại năng lượng đặc biệt, mặt hàng chiến lược do nhà nước quản lý giá, là chi phí đầu vào quan trọng, sử dụng trong hầu hết các ngành kinh tế và tiêu dùng của hộ gia đình. Thiếu điện sẽ dẫn tới sản xuất đình đốn, đảo lộn cuộc sống của người dân.

Hiện nay, tỷ trọng nhiệt điện than, nhiệt điện khí và nhiệt điện dầu chiếm 43,5% tổng sản lượng điện quốc gia. Nói cách khác, điện sản xuất ra từ nhiên liệu hoá thạch chiếm tỷ trọng lớn; trong khi đó giá than dùng để sản xuất điện năm 2022 tăng 264% và giá xăng dầu tăng 143% so với năm 2021.

Ngày 31/3/2023, Bộ Công Thương công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tăng 9,27% so với năm 2021, do không điều chỉnh giá điện nên năm 2022, EVN lỗ trên 26,4 nghìn tỷ đồng; riêng quý I/2023, dự tính EVN tiếp tục lỗ 18,4 nghìn tỷ.

Nếu giá bán lẻ điện bình quân không được điều chỉnh kịp thời ở mức phù hợp, khi đó dự kiến tổng số lỗ luỹ kế của hai năm 2022 và 2023 khoảng trên 68,7 nghìn tỷ, điều này ảnh hưởng đến bảo toàn vốn nhà nước tại EVN, đến khả năng cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đưa đến hiện tượng El Nino và nhu cầu sử dụng điện của nền kinh tế ngày càng cao.

Giá bán lẻ điện được điều chỉnh tăng lần gần đây nhất vào tháng 3 năm 2019, với mức tăng 8,36%, đã 4 năm điện không tăng giá, trong khi đó khủng hoảng năng lượng đang diễn ra trên toàn cầu. Nếu không điều chỉnh giá điện sẽ làm cho các đơn vị sản xuất kinh doanh và hộ gia đình không có ý thức sử dụng tiết kiệm.

Khi giá điện tăng, các cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ phải cơ cấu lại các khoản chi phí để giảm giá thành sản phẩm, sử dụng năng lượng hợp lý và tiết kiệm hơn; đồng thời, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của doanh nghiệp bằng cách đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tự cung cấp điện cho sản xuất.

Khi vốn nhà nước tại EVN không được bảo toàn và mở rộng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới khả năng đầu tư gia tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng của nền kinh tế; đồng thời, gây khó khăn và cản trở quá trình chuyển đổi năng lượng của nước ta vì sản xuất năng lượng tái tạo đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn. Vì vậy, Chính phủ cần khẩn trương chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tính toán, điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện càng sớm càng tốt.

Thưa ông, chuyển đổi năng lượng là một trong những thách thức đối với kinh tế thế giới và kinh tế nước ta trong năm 2023 và các năm tới. Xin ông lý giải rõ hơn về nội dung này?

Với trữ lượng dần cạn kiệt, gây biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường của năng lượng hóa thạch, thế giới đã và đang chuyển đổi, đặt thành chiến lược ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo nhằm xử lý các bất cập do năng lượng hóa thạch gây nên; giảm khí thải ròng bằng "0" vào năm 2050; ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết Cop 26; đồng thời xoá bỏ sự phụ thuộc vào "lá bài" năng lượng khi có bất đồng về kinh tế, thương mại và chính trị thế giới.

Chuyển đổi năng lượng là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược của kinh tế thế giới nhằm đảm bảo tăng trưởng xanh và bền vững. Chuyển đổi năng lượng đòi hỏi đầu tư rất lớn về vốn và công nghệ; dẫn tới chuyển đổi công nghệ, quy trình sản xuất và tiêu dùng.

Vì vậy, việc khẩn trương xây dựng chiến lược và lộ trình thực hiện chuyển đổi từ sản xuất và sử dụng năng lượng hóa thạch sang sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo dựng tính độc lập, tự chủ và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Nhận thức được tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay và sự gián đoạn kinh tế, nhiều quốc gia đã xây dựng kế hoạch, thực hiện ngay quá trình chuyển đổi năng lượng. Vừa qua, khối các nước Công nghiệp phát triển G7 đã nhất trí tăng tốc quá trình loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy phát triển năng lượng gió và mặt trời. Cam kết này được đưa ra trong Tuyên bố chung ngày 16/4/2023 của Hội nghị Bộ trưởng khí hậu, năng lượng và môi trường G7 tại Nhật Bản. Các nước đưa ra kế hoạch đến năm 2030 khoảng 70% năng lượng toàn cầu được sử dụng là năng lượng tái tạo.

Ngày 15/4/2023, Chính phủ Đức đã đóng cửa toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân, đẩy mạnh việc mở rộng công suất năng lượng tái tạo để bớt phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu hóa thạch từ Nga; sẵn sàng tiến hành các sửa đổi tương ứng đối với Luật năng lượng tái tạo, đồng thời đặt mục tiêu tỷ lệ điện gió và điện mặt trời sẽ đạt 80% vào năm 2030.

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Ngay sau COP26, Việt Nam đã khẩn trương cụ thể hóa, bắt tay thực hiện ngay những cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế. Giải pháp cần thực hiện để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 chủ yếu bằng cách thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi năng lượng, phát triển phát thải thấp. Đây cũng là yêu cầu mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau Hội nghị COP26.

Tiến trình chuyển đổi năng lượng đặt ra nhiều thách thức với một nước đang phát triển như Việt Nam. Để thực hiện chuyển đổi năng lượng đòi hỏi chúng ta phải xây dựng môi trường thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực, hiệu quả; phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế; tập trung phát triển hạ tầng chuyển đổi năng lượng dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền; tập trung nguồn lực, phát triển các cơ chế tài chính, thúc đẩy chuyển dịch đầu tư cho chuyển đổi năng lượng, tăng cường hợp tác công tư, phát huy nguồn lực của Nhà nước làm đòn bẩy thu hút các nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và quốc tế.

Thưa ông, điện là mặt hàng chiến lược quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, việc điều chỉnh tăng giá điện sẽ tác động như thế nào tới tăng trưởng và lạm phát của nền kinh tế?

Điện được dùng trong hầu hết các hoạt động và tiêu dùng của nền kinh tế, vì vậy tăng giá điện sẽ làm tăng chi phí sản xuất, làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong nước và giảm chi tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình.

Tăng giá điện sẽ gây áp lực khá lớn lên lạm phát và làm giảm tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán, nếu giá điện tăng 8% làm GDP giảm 0,36% và lạm phát tăng 0,5%; nếu giá điện tăng 10% sẽ làm GDP giảm 0,45% và lạm phát tăng 0,61%.

Việc tăng giá điện đang đặt các nhà quản lý vào thế "tiến thoái lưỡng nan" trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023 với tăng trưởng 6,5%, kiểm soát lạm phát 4,5% và trong bối cảnh kinh tế nước ta đang đương đầu với nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế của quý I/2023 đạt rất thấp trong thập kỷ qua.

Hai động lực tăng trưởng là tổng cầu trong nước và thế giới tăng chậm. Lạm phát năm 2023 chịu nhiều áp lực từ lạm phát cầu kéo, lạm phát chi phí đẩy, giá xăng dầu tăng trở lại, áp lực từ tăng lương. Theo tôi, trước những khó khăn của nền kinh tế, năm 2023, GDP tăng khoảng 6%, lạm phát ở mức 5% là rất thành công.

Vậy, theo ông nên điều chỉnh giá điện vào thời điểm nào và điều chỉnh tăng bao nhiêu cho phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay?

Tôi đã đề cập ở trên, chúng ta nên điều chỉnh giá điện càng sớm càng tốt. Khi đã điều chỉnh giá điện, buộc các tổ chức kinh tế và hộ gia đình ngay lập tức phải điều chỉnh, cơ cấu lại chi phí, thực hành tiết kiệm điện, cùng chia sẻ khó khăn với ngành điện và Chính phủ; đồng thời thúc đẩy quá trình đầu tư chuyển đổi năng lượng, tăng tỷ trọng điện thương phẩm từ điện mặt trời và điện gió.

Về nguyên tắc, giá bán sản phẩm phải trang trải toàn bộ chi phí và đảm bảo có lãi để phát triển và mở rộng sản xuất. Theo tính toán của EVN để đạt được mức hoà vốn, giá bán lẻ điện cần phải tăng 9%, thấp hơn mức tăng giá thành sản xuất kinh doanh điện 9,27% của năm 2022 so với năm 2021 vì EVN đã tiết kiệm 10% chi phí thường xuyên, cắt giảm chi phí sửa chữa lớn 30%, tiết giảm chi phí nhân công và chi phí khác.

Cần phải nói thêm, cắt giảm chi phí sửa chữa lớn là việc làm "cực chẳng đã" vì điều này sẽ ảnh hưởng tới năng lực sản xuất và phân phối điện trong những năm tới. Tăng giá điện sẽ tác động rất lớn, làm giảm tăng trưởng và gia tăng lạm phát, vì vậy trong năm 2023 giá bán lẻ điện nên tăng khoảng 8%, sang năm 2024 tiếp tục tăng giá điện, đảm bảo giá bán lẻ điện mang lại lợi nhuận, để EVN có đủ vốn đầu tư nâng cao năng lực sản xuất và thực hiện chuyển đổi năng lượng.

Thưa ông, khi tăng giá điện, Chính phủ cần thực hiện các giải pháp gì để kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi năng lượng?

Trong thời gian qua, nhận rõ những khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế, 2 trong 4 "con ngựa kéo của cỗ xe tứ mã" thúc đẩy tăng trưởng bị đuối sức, áp lực lạm phát gia tăng, Chính phủ đã kịp thời đưa ra chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, phù hợp với diễn biến và thực tế tình hình kinh tế trong nước, khu vực và thế giới. Ngân hàng Nhà nước đã thực thi chính sách tiền tệ khác biệt, mang tính đột phá so với các nước trên thế giới nhằm hỗ trợ thanh khoản, xử lý câu chuyện thiếu vốn của doanh nghiệp và phục hồi kinh tế.

Bộ Tài chính đã giãn, hoãn thời hạn nộp một số khoản thuế, phí cho doanh nghiệp, đang đề xuất giảm 2% thuế VAT để kích cầu tiêu dùng. Câu chuyện hiện nay ở chỗ doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, đơn hàng suy giảm, cầu tiêu dùng trong nước yếu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn gặp rào cản về môi trường pháp lý, chi phí sản xuất tăng.

Để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm và đặt thành nhiệm vụ hàng đầu đó là đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, tăng cường tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đơn hàng; xử lý khó khăn về vốn, khả năng thanh khoản và lao động cho doanh nghiệp.

Định kỳ hàng quý, Chính phủ và các địa phương nắm bắt và khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo từng ngành, từng lĩnh vực. Đặc biệt tháo gỡ ngay những vướng mắc về thể chế, về các quy định không phù hợp gây khó khăn cho doanh nghiệp như vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị tháo gỡ quy định về phòng cháy.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần minh bạch, đơn giản hóa quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; giữ vững năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt trên thị trường thế giới.

Đồng thời, chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể nâng cao năng lực dự trữ, đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn. Đặc biệt, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng chiến lược và lộ trình thực hiện chuyển đổi năng lượng. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sử dụng năng lượng tái tạo.

Cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt chuẩn bị đầy đủ các điều kiện duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Dự báo các loại nguyên, nhiên vật liệu có thể thiếu hụt để kịp thời có giải pháp khắc phục, cắt giảm chi phí sản xuất. Đa dạng và đảm bảo nguồn cung cho sản xuất của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành để không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin và dự báo chính xác động thái thị trường, nhất là xu hướng, mức độ và lộ trình tăng giá, tăng lãi suất để chủ động trong xây dựng, điều chỉnh và thực hiện kế hoạch tài chính, kinh doanh. Nắm bắt và đánh giá cách các "đối thủ cạnh tranh" phản ứng với tình huống, đồng thời giám sát tình hình sức khỏe và chất lượng hoạt động của các nhà cung cấp nguyên vật liệu sản xuất; đồng thời, đẩy mạnh liên kết kinh tế giữa các doanh nghiệp, chia sẻ nguồn cung nguyên vật liệu; đơn hàng, thị trường; đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất; hỗ trợ nguồn lực tài chính để cùng phát triển, nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để ứng phó với khủng hoảng năng lượng, tránh các tác động từ vấn đề địa chính trị toàn cầu không thể đoán trước, doanh nghiệp tập trung đầu tư chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, cải thiện hình ảnh thương hiệu, gia tăng lợi thế cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư. Chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo sẽ giúp doanh nghiệp vượt lên trước đối thủ và tạo sự khác biệt cho thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường.

Thời điểm con người phát hiện ra lửa là thời khắc lịch sử, là bước ngoặt quyết định sự tiến hoá của nhân loại. Điều này cho thấy năng lượng luôn đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội không chỉ trước đây mà trong hiện tại và cả tương lai. Chính phủ cần có chính sách và bước đi đột phá, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân cần chung tay, chia sẻ để quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra khẩn trương, suôn sẻ, thành công, đảm bảo độc lập, tự chủ và an ninh năng lượng quốc gia.

Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Yêu thích
15 Bình luận 12 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại