Điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần để tránh ảnh hưởng tài chính của EVN
Bộ Công Thương cho biết rút ngắn chu kỳ điều hành giá điện từ 6 xuống 3 tháng để chi phí không bị dồn tích nhiều, ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của EVN.
Theo dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần, tức mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá. Giá được cập nhật hàng quý theo chi phí phát điện.
Tại báo cáo vừa gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ Công Thương giải thích thêm về đề xuất này.
Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang được thực hiện theo Quyết định 24/2017, trong đó thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Nhưng quá trình thực thi quyết định này không diễn ra định kỳ. Chẳng hạn, từ 2017 đến nay, giá điện được điều chỉnh 3 lần, vào 2017 (tăng 6,08%), 2019 là 8,36%. Giá này được giữ trong 4 năm, tới tháng 5/2023 mới tăng thêm 3%.
Bộ Công Thương cho rằng, thực tế điều chỉnh giá bán điện bình quân các năm qua thường thấp hơn so với phương án đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và kết quả rà soát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Điều này dẫn tới chi phí bị dồn tích do mức điều chỉnh không đủ để thu hồi các chi phí phát sinh chưa được tính hoặc chưa được tính đủ vào giá điện.
"Đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá tối thiểu 6 tháng xuống 3 tháng là phù hợp. Việc này đảm bảo chi phí không bị dồn tích nhiều, gây ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của EVN, và dần đưa giá điện thích ứng với biến động các thông số đầu vào theo thị trường", Bộ Công Thương nêu quan điểm, và thêm rằng các bộ, ngành không phản đối khi được lấy ý kiến.
Năm 2022, chi phí mua nhiên liệu sản xuất điện tăng vọt do ảnh hưởng của tình hình địa chính trị, giá nhiên liệu thế giới tăng cao từ giữa quý I, trong khi giá bán lẻ giữ ổn định, dẫn tới EVN lỗ hơn 26.000 tỷ đồng. Năm nay, giá nhiên liệu bớt căng thẳng nhưng vẫn ở mức cao so với trước năm 2022, ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của EVN. Giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% từ 4/5 đã giải quyết một phần khó khăn tài chính, dòng tiền của EVN.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư gần đây cho biết, nửa đầu năm nay "ông lớn" ngành điện ghi nhận lỗ khoảng 35.400 tỷ đồng, nhưng tới tháng 8, số lỗ này giảm về còn 28.700 tỷ đồng.
Trước đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện, nhiều chuyên gia năng lượng cho rằng, nhà chức trách cần đảm bảo công khai, tránh lạm quyền và giảm độc quyền của EVN. Họ cũng đề nghị lập Hội đồng Năng lượng độc lập ngoài EVN nhằm đánh giá giá nhiên liệu đầu vào để điều chỉnh giá bán đầu ra.
Bộ Công Thương cho hay, việc rà soát phương án điều chỉnh giá điện vừa qua ngày càng minh bạch khi có sự tham gia của nhiều cơ quan (Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước...), nên lập Hội đồng Năng lượng độc lập là không cần thiết.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng khi điều chỉnh giá điện cần lấy giá nhiên liệu, như giá than, làm chuẩn. Tức là, khi nào giá than tăng thì giá điện cũng tăng theo và ngược lại. Theo Bộ Công Thương, cơ chế điều chỉnh giá điện tại dự thảo quyết định gồm hai cơ chế, là điều chỉnh hằng năm theo biến động thông số đầu vào ở các khâu và điều chỉnh trong năm theo biến động chi phí khâu phát điện, các khoản chưa được tính vào giá điện.
Trong đó, chi phí khâu phát điện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN (khoảng trên 80%). Chi phí này phụ thuộc giá nhiên liệu, cơ cấu sản lượng điện, tỷ giá ngoại tệ. Vì vậy, Bộ Công Thương nêu, cần xem xét tổng thể biến động của các yếu tố này và chi phí các nhiên liệu (than, dầu và khí) để phản ánh đầy đủ tác động tới chi phí phát điện. Ngoài chi phí phát điện, việc phân bổ các khoản phí còn treo (chênh lệch tỷ giá ngoại tệ...) cũng cần được xem xét, tính toán khi điều chỉnh giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận