Điều chỉnh giá cước hài hòa lợi ích nhà xe và hành khách
“Đến nay mới có 5 đơn vị thông báo tăng giá cước vận tải tại Bến xe Mỹ Đình từ 10 - 20%, còn các đơn vị vận tải ở các bến khác thì chưa thấy đề nghị tăng giá cước. Không tăng giá cước không có nghĩa là doanh nghiệp vận tải không phải chịu áp lực.
Tuy nhiên với lượng khách đến bến ít như hiện nay nếu có tăng giá vé lên thì doanh nghiệp hoạt động vẫn rất khó khăn. Thời gian qua, hoạt động vận tải tại các bến xe hoạt động ổn định trở lại mức 40-50% so với trước khi có dịch. Nhưng sau khi giá xăng dầu tăng lên thì có xu hướng chững lại và giảm nhẹ so với thời điểm trước khi tăng giá xăng, ông Trần Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội chia sẻ.
Trước áp lực tăng giá xăng dầu trong khi lượng khách đến bến không được cải thiện, nhiều nhà xe đã phải điều chỉnh tần suất chạy xe. Tại 2 bến xe lớn nhất của Hà Nội là Giáp Bát và Mỹ Đình, số lượt xe xuất bến chỉ bằng 30% so với thời gian trước dịch; trong đó, số lượt xuất bến tại bến xe Mỹ Đình là 250 - 300 lượt xe/ngày (trước bình thường là hơn 800 lượt/ngày), tại bến xe Giáp Bát 400 lượt/ngày (bình thường khoảng 1100-1200 lượt xe/ngày). Nhiều nhà xe đã tính đến việc đề nghị tăng giá cước để giảm lỗ.
Đang chờ đón khách đi tuyến Mỹ Đình – Sơn La tại Bến xe Mỹ Đình, ông Vũ Duy Thắng, Công ty cổ phần xe khách Sơn La cho biết, trước đây, công ty có 15 xe giờ còn 3 xe hoạt động trong tình trạng lỗ nên lái xe phải thay phiên nhau nghỉ.
Ông Vũ Duy Thắng cho biết thêm, việc vận chuyển hàng hóa hành khách gửi cũng giảm từ đợt các bến đóng cửa do dịch từ ngày 30/4 – tháng 9. Khách hàng quen gửi tại các văn phòng của nhà xe trong phố với “đội quân” xe tải nhỏ, xe cóc, xe 4 chỗ, 5, 7 chỗ nên không vào bến gửi nữa. “Lỗ 1, 2 chuyến còn chịu được chứ cứ suốt ngày cầm tiền nhà đi cũng chết. Có người bỏ ra 3 – 3,5 tỷ đồng mua xe giờ hoạt động khó khăn quá bán 1 tỷ đồng không ai mua vì có làm ra được tiền đâu mua để làm gì”, ông Vũ Duy Thắng nói.
“Nói chung là vất vả, vé xe không tăng lên là chết, chỉ cần 1 đợt tăng giá dầu nữa là lái xe nghỉ hết, không chạy được. Mười mấy xe nay chỉ dồn còn 3 xe đi 1 đêm, mỗi xe có mười mấy khách, giá vé từ 220.000 – 250.000 đồng/người/lượt, chi phí mỗi chuyến hết 12 triệu đồng gồm xăng, dầu, lương lậu. Nếu không đủ 12 triệu đồng thì lái xe bỏ tiền túi để bù. Vất vả nhưng phải cố duy trì thôi. Nếu xe không chạy thì công ty cũng vẫn phải trả lương cho lái xe từ 30 – 50%, nếu không họ bỏ hết, đến lúc không tìm được lái xe nữa”, ông Vũ Duy Thắng bày tỏ.
Còn tại Bến xe Giáp Bát, ông Trần Văn Tuyến, chủ xe công ty Thiên Trường cho biết, xe chạy tuyến ngắn Hà Nội - Lý Nhân (Hà Nam) trước đây chỉ mất 700 – 800 ngàn tiền xăng, dầu/ chuyến thì nay là 1,3 – 1,4 triệu đồng/chuyến, nhưng chờ nửa tiếng vẫn chưa có người nào. Khách vắng, chở hàng “bì bõm” tuyến ngắn đã lỗ còn tuyến dài chi phí gấp 3, 4 lần thì còn lỗ nhiều hơn.
Là tuyến chạy đường dài từ Hà Nội đến cuối huyện Nông Cống (Thanh Hóa), phụ xe Trần Đức Diện - Doanh nghiệp vận tải Đông Lý cho biết, giá xăng dầu tăng, hiện doanh nghiệp đang phải bù lỗ cho 100% đầu xe. Nhà xe vẫn đang giữ nguyên giá vé 200.000 đồng/người/lượt đến cuối bến, bằng với giá vé đầu bến.
“Nếu giá xăng, dầu không xuống, mà giá vé không được phép điểu chỉnh tăng lên thì các nhà xe khó mà cầm cự hết thời gian này”, anh Trần Đức Diện bày tỏ.
Nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách ở Hà Nội đứng ngồi không yên khi giá xăng liên tục leo thang trong khi kinh doanh gặp nhiều khó khăn vì không có khách.
Tại Bến xe Mỹ Đình, nhà xe Hà Sơn Hải Vân chạy tuyến Hà Nội – Lào Cai đã tăng giá vé từ 245.000 lên 310.000 đồng/người/lượt. Đây cũng là nhà xe có lượng xe xuất bến cũng như lượng khách tương đối ổn định.
Một phụ xe tuyến Hà Nội – Cao Bằng cũng cho biết: “Giá vé cũng phải nhích lên rồi, chứ không tăng thì không đi nổi đâu. Lúc chưa có dịch, giá vé chỉ 200.000 đồng/người/lượt giờ lên 300.000 – 350.000 đồng/người/lượt, nhưng khách không có, chi phí riêng tiền xăng dầu mất 5,5 triệu/chuyến, chưa kể tiền phơi, tiền lãi nên chạy vẫn lỗ.
“Đến thời điểm này Bến xe Giáp Bát chưa nhận được thông báo tăng giá vé của nhà xe nào, có thể do lộ trình phức tạp: doanh nghiệp phải làm thủ tục đề xuất sau 10 ngày mới được tăng giá nhưng nếu sau đó giá xăng dầu giảm, doanh nghiệp lại phải thêm 10 ngày để điều chỉnh giảm, ngoài ra còn liên quan đến in ấn giá vé khá phức tạp”, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát phân tích.
Ông Nguyễn Tất Thành cho biết thêm, quyền tăng, giảm giá vé do các doanh nghiệp vận tải cân đối nhưng phải làm theo đúng trình tự quy định.
Bày tỏ quan điểm về việc các doanh nghiệp vận tải tăng giá cước, ông Trần Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết, công ty thống nhất ý kiến của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội điểu chỉnh nhưng phải hợp lý, hài hòa lợi ích hai bên giữa doanh nghiệp vận tải và hành khách, chứ không được tùy tiện. Đồng thời phải thực hiện đúng quy trình, quy định của Nhà nước, tức là thông báo với các cơ quan quản lý, cơ quan thuế, Sở Giao thông Vận tải và mức độ tăng giá cước phải hợp lý hài hòa giữa các bên.
Với giá cước chưa điểu chỉnh các đơn vị vận tải hoạt động đang rất khó khăn, hầu hết chạy xe trong tình trạng lỗ. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng thì chắc chắn hoạt động sẽ khó khăn hơn. Giải pháp của các đơn vị vận tải hiện nay là chuyển từ xe to sang xe nhỏ hơn; chủ động nghiên cứu thị trường tăng giảm số chuyến, lượt từng thời điểm phù hợp với khả năng khai thác hành khách, đảm bảo các chuyến xe của họ hiệu quả kinh tế hơn.
Về công ty cũng hỗ trợ động viên tinh thần và tạo điểu kiện tối đa cho đơn vị vận tải hoạt động tại bến để duy trì ổn định vận tải hành khách liên tỉnh cũng như thói quen đi lại của hành khách, đảm bảo hoạt ổn định của hệ thống trong thời gian khó khăn này.
Trước động thái tăng giá cước vận tải của các doanh nghiệp vận tải, nhiều hành khách cũng bày tỏ ý kiến chia sẻ khó khăn với nhà xe trước áp lực tăng giá xăng dầu và ảnh hưởng dịch bệnh.
Ông Trương Văn Hải, một hành khách đi tuyến Hà Nội - Cao Bằng cho biết, giá vé tuyến Hà Nội – Cao Bằng là 350.000 đồng/lượt/khách. “Giá xăng, dầu tăng, “các thứ” cũng bị đẩy lên hết, theo tôi giá cước vận tải cũng phải lên một ít. Biết thế nào được, mình là hành khách, nhà xe thu thế nào thì phải chịu thôi”, ông Hải nói.
“Bây giờ giá xăng dầu tăng lên gần 30.000 đồng /lít nên em thấy giá cước tăng khoảng 20.000 đồng/ lượt thì cũng hợp lý”, anh Nguyễn Văn Thiện (Hòa Bình) công tác tại Lào Cai bày tỏ.
Còn anh Phạm Hoàng Ninh (Hà Nội) đi tuyến Hà Nội - Hải Phòng cho rằng, khó khăn chung nên hành khách cũng nên chia sẻ bớt khó khăn cho nhà xe. Nhập xăng, dầu đầu vào cao, chi phí tăng lên nên tăng giá vé cũng là bình thường.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, rà soát biến động chi phí đầu vào đối với các dịch vụ do Bộ quản lý, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh, báo cáo Bộ báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá quyết định trên cơ sở kiểm soát lạm phát.
Về phía Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đào Việt Long cho biết, để tránh tình trạng tùy tiện tăng giá cước, Sở Giao thông Vận tải đã yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách tuyến cố định bằng đường bộ thực hiện kê khai giá, niêm yết giá và tuyệt đối không lợi dụng việc giá nhiên liệu tăng để tăng giá ở mức cao, thu cao hơn mức giá kê khai. Đồng thời yêu cầu các bến xe trên địa bàn, Thanh tra Giao thông Vận tải phối hợp phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Tài chính và UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra việc chấp hành các quy định quản lý nhà nước về giá, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng để tăng giá cước vận chuyển hành khách trên địa bàn thành phố.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận