Diện tích tối thiểu căn hộ chung cư là 25 m2
Là một trong những quy định tại QCVN 04:2021/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư được Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Thông tư 03/2021/TT-BXD ngày 19/5/2021, thay thế cho QCVN 04:2019/BXD được ban hành kèm theo Thông tư số 21/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019. Thông tư có hiệu lực từ ngày 05/7/2021.
Diện tích sử dụng tối thiếu 25 m2
Theo đó, QCVN 04:2021/BXD (Quy chuẩn 04) trong Thông tư 03/2021/TT-BXD (Thông tư 03) quy định các yêu cầu kỹ thuật áp dụng khi xây mới, xây dựng lại nhà chung cư (NCC) có chiều cao đến 150 m hoặc có đến 3 tầng hầm, bao gồm NCC được xây dựng với mục đích để ở và NCC được xây dựng với mục đích sử dụng hỗn hợp.
Đối với yêu cầu quy hoạch - kiến trúc, Thông tư 03 yêu cầu căn hộ chung cư phải có tối thiểu một phòng ở và một khu vệ sinh; diện tích sử dụng tối thiểu của căn hộ chung cư là 25 m2. Đối với dự án nhà ở thương mại, phải đảm bảo tỷ lệ căn hộ chung cư có diện tích nhỏ hơn 45 m2 không vượt quá 25% tổng số căn hộ chung cư của dự án.
Căn hộ chung cư phải được chiếu sáng tự nhiên. Căn hộ có từ 2 phòng ở trở lên, cho phép một phòng ở không có chiếu sáng tự nhiên. Phòng ngủ phải được thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên. Diện tích sử dụng của phòng ngủ trong căn hộ chung cư không được nhỏ hơn 9 m2.
Đối với căn hộ lưu trú, diện tích sử dụng không nhỏ hơn 25 m2. Các yêu cầu khác quy định theo tiêu chuẩn được lựa chọn áp dụng về căn hộ lưu trú. Đối với văn phòng kết hợp lưu trú, diện tích sử dụng không nhỏ hơn 25 m2, trong đó diện tích của khu vực làm việc tối thiểu 9 m2. Không bố trí bếp trong văn phòng kết hợp lưu trú.
Thang máy phải đảm bảo an toàn
Ngoài ra, quy định về thang máy theo Thông tư 03 kể từ ngày 05/7/2021, thang máy tại NCC phải đáp ứng các yêu cầu đó là: NCC, NCC hỗn hợp từ 5 tầng trở lên phải có tối thiểu 1 thang máy, từ 10 tầng trở lên phải có tối thiểu 2 thang máy và đảm bảo lưu lượng người sử dụng theo tiêu chuẩn được lựa chọn áp dụng.
Cùng với đó, cần bố trí tối thiểu 1 thang máy cho 200 người cư trú trong tòa nhà không kể số người ở tầng 1 (tầng trệt) hoặc trường hợp tính toán theo số căn hộ thì cần bố trí tối thiểu 1 thang máy cho 70 căn hộ. Tải trọng nâng của một thang máy phải không nhỏ hơn 450 kg. Trong trường hợp nhà có một thang máy, tải trọng nâng tối thiểu của thang máy không nhỏ hơn 630 kg.
Đối với NCC, NCC hỗn hợp có chiều cao PCCC lớn hơn 50 m hoặc nhà có chiều sâu của sàn tầng hầm dưới cùng lớn hơn 9 m, mỗi khoang cháy của nhà phải có tối thiểu một thang máy đáp ứng yêu cầu vận chuyển lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Thang máy phải có thiết bị bảo vệ chống kẹt cửa, bộ cứu hộ tự động và hệ thống điện thoại nội bộ từ cabin ra ngoài. Thang máy chỉ được hoạt động khi tất cả các cửa thang đều đóng.
Chiều rộng sảnh thang máy chở người phải bố trí phù hợp theo tiêu chuẩn được lựa chọn áp dụng. Tải trọng nâng, tốc độ của thang máy phải đảm bảo yêu cầu theo tiêu chuẩn được lựa chọn áp dụng.
Thông tư 03 nêu rõ, thang máy phải đảm bảo an toàn và được kiểm định an toàn trước khi đưa vào sử dụng trong trường hợp: sau khi lắp đặt; sau khi tiến hành sửa chữa lớn; sau khi xảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng và đã khắc phục xong; Hết hạn kiểm định hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn lao động.
Gian đặt máy và thiết bị thang máy phải có lối lên xuống, vào ra thuận tiện, an toàn và không được bố trí trực tiếp trên căn hộ. Giếng thang phải đảm bảo yêu cầu cách âm và chống ồn.
Yêu cầu không được bố trí bể nước trực tiếp trên giếng thang máy và không cho các đường ống cấp nước, cấp nhiệt, cấp gas đi qua giếng thang máy. Đặc biệt, thang máy phải đảm bảo người cao tuổi, người khuyết tật tiếp cận sử dụng.
Đối với quy định về PCCC, chiều cao PCCC của nhà được xác định bằng khoảng cách từ mặt đường thấp nhất cho xe chữa cháy tiếp cận tới mép dưới của lỗ cửa (cửa sổ) mở trên tường ngoài của tầng trên cùng, không kể tầng kỹ thuật trên cùng. Khi không có lỗ cửa (của sổ), thì chiều cao PCCC được xác định bằng một nửa tổng khoảng cách tính từ mặt đường cho xe chở cháy tiếp cận đến mặt sàn và đến trần của tầng trên cùng.
Quy định hệ thống cấp nước chữa cháy
Thông tư 03 cũng quy định hệ thống cấp nước chữa cháy trong nhà và hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà phải tuân thủ các quy định của QCVN 06:2021/BXD và đảm bảo các yêu cầu, cụ thể: Khi chưa có hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà hoặc không đảm bảo lưu lượng, áp lực nước chữa cháy (cột áp) thì phải có nguồn nước dự trữ đảm bảo lưu lượng nước chữa cháy của hệ thống họng nước chữa cháy bên trong nhà ít nhất trong 3 giờ.
Nhà có chiều cao PCCC lớn hơn 50 m phải có họng nước chữa cháy cho lực lượng chữa cháy bố trí ở mỗi tầng, cửa căn hộ xa nhất của tầng phải nằm trong phạm vi 45 m tính từ họng nước chữa cháy (có tính toán đến đường di chuyển)…
Đường thoát nạn, lối thoát nạn và lối ra khẩn cấp trong NCC, NCC hỗn hợp phải tuân thủ quy định của QCVN 06:2021/BXD và QCVN 10:2014/BXD. Đường cho xe chữa cháy và mặt bằng - không gian của NCC, NCC hỗn hợp phải phù hợp QCVN 06:2021/BXD…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận