24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Thị Lâm Oanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Điện gió 'kêu cứu', xin đường lùi

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là sẽ hết hạn giá ưu đãi cho điện gió. Các dự án vận hành từ ngày 1-11-2021 sẽ hết cơ hội hưởng mức giá cố định. Hàng loạt doanh nghiệp bức xúc, lo lắng vì việc chậm tiến độ không phải do họ mà vì bị giãn cách xã hội.

Nhiều ý kiến cho rằng cần hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư và Nhà nước khi họ bỏ vốn lớn làm giúp đảm bảo an ninh năng lượng, nhất là khủng hoảng năng lượng ở châu Âu cho thấy vai trò điện tái tạo rất quan trọng.

Chậm tiến độ hàng loạt vì... COVID-19

Chia sẻ với Tuổi Trẻ ngày 20-10, ông Nguyễn Tâm Tiến - tổng giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam - cho hay doanh nghiệp của mình đang xây dựng 3 dự án điện gió ở Ninh Thuận, Trà Vinh và Đắk Lắk với tổng công suất lên tới 550 MW. Đang phải tập trung toàn bộ nhân lực, kể cả hơn 200 chuyên gia nước ngoài để kịp vận hành thương mại (COD) trước ngày 1-11 nhưng theo ông Tiến, với cả trăm dự án điện gió ở VN hiện nay, nếu không kịp COD vào ngày 31-10 rất khó khăn cho các dự án.

Cho hay các nhà cung cấp thiết bị thời gian qua đã kích hoạt điều kiện bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh trong hợp đồng để giao hàng chậm, theo ông Tiến, họ bị "ngăn sông cấm chợ" nên không có công nhân đi làm, chuyên gia không sang VN... Hàng về đến cảng cũng không vào nhận, vận chuyển được.

Theo EVN, tính đến ngày 15-10 mới chỉ có 443MW điện gió đủ điều kiện được công nhận COD - thủ tục để đảm bảo được hưởng giá cố định (FIT). Trong khi đó, có tới 106 nhà máy điện gió với tổng công suất trên 5.655 MW đăng ký thử nghiệm COD. Các dự án vận hành sau ngày 31-10-2021 sẽ hết cơ hội hưởng mức giá hơn 1.900 đồng/kWh theo quyết định 39 và bước vào tương lai bất định.

Một số dự án điện gió kêu cứu, đề nghị tháo gỡ vì khả năng vỡ phương án tài chính. Ông Bùi Văn Thịnh - chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận - dự đoán nếu cuối tháng 10 này không gia hạn giá FIT, khoảng 50% các dự án điện không đáp ứng được điều kiện để hòa lưới, kéo theo rất nhiều hệ lụy từ vỡ phương án tài chính, công ty phá sản, nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi VN.

Có cần hỗ trợ doanh nghiệp?

Liên tục trong nhiều tháng qua, các nhà đầu tư điện gió và UBND các tỉnh thành đã gửi các báo cáo, kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Công thương xin lùi thời hạn COD. Tháng 9-2021, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã có văn bản yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu đề xuất này song cho đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức.

Về cơ chế giá FIT, ông Hoàng Tiến Dũng - cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) - khẳng định sẽ không báo cáo Chính phủ việc gia hạn cơ chế giá FIT cho điện gió. Tuy nhiên, ông Dũng công nhận đã nhận được rất nhiều ý kiến đề xuất của UBND các tỉnh, của các chủ đầu tư, rằng phần lớn do ảnh hưởng của dịch nên các dự án điện gió không kịp tiến độ đưa vào trước 31-10.

Sau ngày giá FIT điện gió hết hạn, theo ông Dũng, Bộ Công thương sẽ có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ. Với dự án đang xây dựng có xem xét đến các tác động khiến dự án dở dang, không kịp đưa vào vận hành sẽ dự thảo báo cáo Thủ tướng có cơ chế giải quyết trên cơ sở chi phí, vốn đầu tư, vận hành bảo dưỡng nhà máy, các yếu tố kinh tế kỹ thuật, chủ đầu tư thương thảo với bên mua điện để có giá mua điện.

Ông Nguyễn Tâm Tiến nhấn mạnh nhìn ra thế giới, ở Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc... vẫn gia hạn để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. "Các nhà đầu tư bây giờ như đang ngồi trên lửa, tôi nghĩ rằng Chính phủ nên ủng hộ các nhà đầu tư gia hạn thời gian quyết định 39 về giá FIT để họ có cơ hội COD, tránh đổ vỡ. Các doanh nghiệp điện gió phát triển dự án đúng vào cao điểm của dịch bệnh, song phải tuân thủ luật pháp và quy định của các địa phương về phòng dịch, do đó ảnh hưởng đến tiến độ" - ông Tiến đề nghị.

Theo một chuyên gia về năng lượng tái tạo từng làm quản lý nhà nước, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, vai trò của năng lượng tái tạo và khuyến khích đầu tư vào ngành này cần được nhấn mạnh. Giá khí đốt, nhiên liệu có thể biến động mạnh nhưng giá năng lượng tái tạo chỉ theo xu hướng giảm theo đà giảm của thiết bị.

Để đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa nhà đầu tư và Nhà nước, cần khảo sát nếu doanh nghiệp chậm vận hành vì dịch bệnh chứ không phải lỗi của họ thì có cơ chế đảm bảo quyền lợi, lùi thời hạn được hưởng giá ưu đãi cho họ. Nên lùi đúng bằng khoảng thời gian các quy định giãn cách xã hội tác động đến doanh nghiệp, gây đứt gãy cung ứng lao động, thiết bị...

Bởi bản thân thời hạn 1-11-2021 đã là một áp lực đối với chính các nhà đầu tư ngay trong điều kiện bình thường.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả