Điện Gia Lai: Doanh thu tăng nhờ hoạt động bán điện, dự kiến chi trả cổ tức tỷ lệ 8%
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 vừa công bố, Công ty cổ phần Điện Gia Lai (Mã GEC; HoSE) ghi nhận doanh thu thuần lũy kế 625 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ.
Cụ thể, doanh thu tăng nhờ hoạt động bán điện tăng 10% lên 317 tỷ đồng, bù đắp cho việc giảm nguồn thu từ việc cung cấp dịch vụ, xây lắp và bán hàng hóa bao gồm cung ứng các dịch vụ vận hành và bảo trì (O&M), thí nghiệm và cung cấp các tấm pin năng lượng.
Doanh thu từ hoạt động bán điện vẫn chiếm tỷ trọng ưu thế 98% so với 96% của cùng kỳ. Phần còn lại là doanh thu từ cung cấp dịch vụ, xây lắp và bán hàng hóa chiếm 2% so với 4% cùng kỳ, bao gồm cung ứng các dịch vụ O&M, thí nghiệm và cung cấp các tấm pin năng lượng.
Doanh thu thuần tăng trưởng, giá vốn tương đương cùng kỳ năm 2020, vì vậy, lợi nhuận gộp tiếp tục duy trì mức cao khi đạt 367 tỷ đồng với biên lợi nhuận gộp lên đến 59% - so với trung bình ngành chỉ khoảng 37%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần tăng 3% lên 625 tỷ đồng, với 98% đến từ doanh bán điện. Tính trên toàn hệ thống, sản lượng và doanh thu các nhà máy điện lần lượt đạt 295 triệu kWh và 616 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 9% và 5%.
Trong đó, sản lượng từ các nhà máy thủy điện chiếm 28%, còn lại 72% đến từ 5 nhà máy điện mặt trời và áp mái.
Cụ thể, các nhà máy thủy điện 85 MW trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn hoạt động hiệu quả, sản lượng và doanh thu đều tăng trưởng tốt, lần lượt ghi nhận 35% và 25% so với cùng kỳ.
Sản lượng từ 5 nhà máy điện mặt trời và hệ thống áp mái tổng với tổng công suất 300 MWp đạt 212 triệu kWh - tăng nhẹ so với cùng kỳ, tương ứng 453 tỷ đồng doanh thu - hoàn thành kế hoạch 6 tháng đầu năm nay.
Chi phí tài chính trong đó có chi phí lãi vay giảm 5% so cùng kỳ. Chi phí bán hàng giảm 9%, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ 4% do Công ty đang tập trung phát triển 3 dự án điện gió kịp vận hành thương mại trước tháng 11 2021 theo giá ưu đãi FIT1 với tổng công suất 130 MW là V.P.L 1 - Bến Tre (30 MW), Ia Bang 1 - Gia Lai (50 MW) và Tân Phú Đông 2 - Tiền Giang (50 MW) cũng như các dự án năng lượng tái tạo khác trong danh mục để thực hiện chiến lược 5 năm đến 2025 đạt 1.700+ MWp.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 của Điện Gia Lai lần lượt đạt 161 tỷ đồng và 150 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 6%. Trong đó lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 128 tỷ đồng.
Biên lợi nhuận ròng duy trì tại mức 24%, cao hơn trung bình ngành ở mức 22%. Bên cạnh đó, Biên EBIT (lợi nhuận trước lãi vay và thuế) và Biên EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) lần lượt đạt 52% và 82% cao hơn nhiều so với mức 32% và 46% của trung bình các Công ty hoạt động cùng ngành - cho thấy triển vọng tăng trưởng dài hạn của Điện Gia Lai trong bối cảnh các Nhà máy Năng lượng tái tạo tiếp tục hoạt động ổn định và các nhà máy thủy điện dần khấu hao hết.
Nhưng EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) giảm 25% xuống 445 đồng do vốn tăng từ 2.039 tỷ đồng lên 2.712 tỷ đồng vào cuối năm 2020 sau khi doanh nghiệp phát hành hơn 67 triệu cổ phiếu GEG để trả cổ tức năm 2019 và chào bán cổ phiếu tỷ lệ 4:1 cho cổ đông hiện hữu.
Tính đến ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Điện Gia Lai đạt 9.735 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu kỳ chủ yếu do hàng tồn kho và chi phí xây dựng dở dang đạt 868 tỷ đồng và 2.283 tỷ đồng; lần lượt tăng 471% và 322% chủ yếu bao gồm các thiết bị phục vụ cũng như chi phí phục vụ cho việc gấp rút xây dựng các dự án điện gió.
Hiện các nhà máy này đã hoàn tất phần móng trụ và đang tiến hành lắp ráp Turbine, dự kiến sẽ COD với giá FIT1 Gió là 8,5 UScent/kWh cho Dự án trên bờ Iabang 1 và 9,8 UScent/kWh cho Dự án ngoài khơi V.P.L 1 và Tân Phú Đông 2.
So với đầu kỳ, tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận 168 tỷ đồng, tăng 24%.Các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận chỉ còn 911 tỷ đồng, giảm mạnh 37%, chủ yếu do các khoản phải thu từ các bên liên quan và trả trước cho người bán lần lượt giảm 68% và 65%.
Bên cạnh đó, phải trả người bán ngắn hạn ghi nhận mức tăng mạnh lên 1.230 tỷ đồng, bao gồm các khoản công nợ phải thanh toán cho các nhà thầu EPC và Vestas là đơn vị cung cấp Turbine hàng đầu thế giới đang cung cấp toàn bộ Turbine cũng như môt số dịch vụ O&M cho 3 dự án điện gió đang triển khai của Công ty.
Tổng nợ vay tính đến hết quý II/2021 tăng 32% so với đầu năm 2021, ghi nhận 5.007 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn trong giai đoạn nước rút của các dự án gió cũng như mở rộng danh mục năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, hệ số nợ vay/tổng tài sản và nợ vay/vốn chủ sở hữu vẫn duy trì ở mức an toàn, lần lượt là 0,5 lần và 1,5 lần. Hệ số Khả năng thanh toán lãi vay duy trì ở mức 2 lần, cao hơn so với đầu kỳ và hoàn toàn đảm bảo khả năng thanh toán lãi vay của Công ty.
Trong năm 2021, Công ty dự kiến chi trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 8% vào cuối quý III và hoàn tất các thủ tục phát hành gói trái phiếu trị giá 700 tỷ đồng ra công chúng với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn đế tối ưu hóa các chi phí tài chính cho công ty.
Ngoài ra, Điện Gia Lai cũng cho biết 3 dự án điện gió sẽ vận hành thương mại vào cuối năm nay, kỳ vọng đóng góp thêm 396 triệu kWh sản lượng điện và gần 900 tỷ đồng doanh thu hàng năm.
Dự kiến đến năm 2025, tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của công ty lần lượt đạt 6.390 tỷ đồng và 1.010 tỷ đồng. Trong đó, điện gió sẽ đóng góp khoảng 45% sản lượng điện và 53% doanh thu thuần.
Giá cổ phiếu GEG của Điện Gia Lai đang giao dịch trong phiên sáng ngày 26/7 trên sàn Chứng khoán TP.HCM (HoSE) ở mưc 15.900 đồng/cổ phiếu, tăng gần 4% trong một tuần qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận