Điểm sáng của các phân khúc căn hộ chung cư 6 tháng cuối năm 2021
Bất động sản vẫn là nơi trú ẩn an toàn của dòng tiền, mà cụ thể là lĩnh vực nhà ở chung cư, nhưng sự hấp thụ của các phân khúc chung cư lại được dự báo có sự khác nhau.
Khan hiếm căn hộ giá rẻ
Sau khi đã giải quyết được các nhu cầu thiết yếu về ăn, mặc, chữa bệnh, học hành thì mối quan tâm lớn nhất của đông đảo người dân ở các thành phố lớn là có thể đứng tên sở hữu một ngôi nhà.
Câu hỏi đặt ra là liệu có thể đáp ứng hết nhu cầu nhà ở cho người dân hay không, nhất là đại đa số vẫn có thu nhập ở mức trung bình, nhất là khi sự lệch pha cung cầu ngày càng rõ rệt?
Tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, căn hộ giá thấp gần như vắng bóng trên thị trường. Trong khi đó, nhu cầu của phân khúc này chiếm tới 70 - 80% theo thống kê của Bộ Xây dựng.
Mặt khác, khảo sát của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, giá nhà ở Việt Nam đã tăng trung bình 4 - 5%/năm trong khoảng 5 năm trở lại đây. Hiện nay, giá nhà vẫn đang tiếp tục tăng trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung và tốc độ đô thị hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ.
Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay: "Hiện nay, nguồn cầu về nhà ở vẫn còn rất lớn. Tổng nhu cầu về nhà lên tới hàng trăm triệu m2 nhà ở. Tuy nhiên, số lượng này không hoàn toàn tập trung ở phân khúc cao cấp mà chiếm đa số là nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp".
Trong khi đó, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group cho hay: "Từ giữa năm 2020 đến nay, do dịch bệnh khiến nhiều người thắt chặt chi tiêu, trong đó bao gồm cả việc mua nhà ở. Theo đó, thị trường nhà ở cũng có sự hấp thụ kém".
Phân khúc căn hộ nào sẽ có hấp thụ tốt?
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, nguồn cung căn hộ trên thị trường sơ cấp đã bắt đầu dần khan hiếm từ năm 2019, đến nay, chưa được cải thiện. Mặt khác, giá bất động sản có hiện tượng tăng mạnh và nhanh, nhất là phân khúc căn hộ cao cấp.
Lợi dụng tình hình thị trường thiếu nguồn cung, giá căn hộ tại TP. HCM bị đẩy tăng gần 100% thời điểm năm 2018. Nhưng hiện tại mức giá này có rất ít giao dịch, thanh khoản trên thị trường kém.
Trước tình thế này, các nhà đầu tư ồ ạt tung hàng ra bán, chấp nhận giảm, lỗ sâu để thu hồi vốn, dẫn đến nguồn cung ở thị trường thứ cấp có lượng hàng khá dồi dào nhưng tiêu thụ chậm.
Về hiện tượng tăng giá mạnh, bên cạnh nguyên nhân bị đẩy giá thì thực tế, giá bất động sản tương lai cũng đang đối mặt với áp lực phải tăng. Bởi giá đất trên thị trường sau cơn sốt nhiều nơi vẫn còn ở mức cao nên đền bù giải phóng mặt bằng sẽ cao; Khung giá đất ở rất nhiều địa phương bị điều chỉnh tăng lên 15%; Vật liệu xây dựng và các yếu tố đầu tư xây dựng đều đã tăng khoảng 50% (nhóm chi phí này chiếm tỷ trọng trên 50% giá thành đầu vào bất động sản); Thủ tục phê duyệt dự án kéo rất dài, do vướng mắc quy định pháp luật dẫn đến tăng chi phí và chi phí cơ hội là rất cao.
Để thị trường bất động sản Việt Nam phát triển ổn định, bền vững, theo ông Đính, Nhà nước cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình sửa đổi quy định pháp luật để cải thiện nguồn cung cho thị trường bất động sản; Kiểm soát lạm phát, tăng giá mạnh các yếu tố đầu vào của bất động sản; Sớm kiểm soát được dịch bệnh và kích thích phát triển kinh tế ở các lĩnh vực kinh tế khác ngành bất động sản. Qua đó, điều chỉnh các dòng vốn F0 về đúng mục tiêu để hiệu quả hóa nguồn lực quốc gia.
Dự báo thị trường nhà ở từ giờ đến cuối năm, ông Đính cho hay: "Tổng giao dịch có thể đạt 70 - 80% so với năm 2020. Phân khúc đất nền sẽ vẫn là sản phẩm được săn tìm của các nhà đầu tư. Phân khúc căn hộ trung cấp tại Hà Nội và TP.HCM nếu có hàng ra thị trường sẽ hấp thụ mạnh, đạt tỷ lệ trên 75%. Trong khi đó, phân khúc chung cư cao cấp sẽ vẫn hấp thụ ở mức thấp...".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận