Điểm nhấn đô thị thông minh các nước châu Á... Việt Nam cân nhắc
Hiện nay, một số nước ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đã xây dựng được các đô thị thông minh nổi bật.
Tại Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN chiều 22/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phát triển đô thị thông minh là một kênh tăng trưởng quan trọng của quốc gia, do đó, ông mong muốn các thành viên ASEAN nâng cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm, cùng chung tay thực hiện tốt 5 ưu tiên của năm ASEAN 2020.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam có 3 thành phố tham gia Mạng lưới thành phố thông minh của 26 quốc gia trong khu vực (ASCN) là Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng.
Dù chưa có một định nghĩa thống nhất về thành phố thông minh nhưng nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang áp dụng nhiều công nghệ hiện đại vào quản lý và cung cấp các dịch vụ công, coi đó như là xu hướng trong tương lai.
Singapore (Singapore)
Singapore, trung tâm tài chính Đông Nam Á, được cho là thành phố thông minh hàng đầu trên hành tinh. Singapore sử dụng công nghệ thông minh để giải quyết các vấn đề và thách thức. Thành phố đang cố gắng sử dụng các công nghệ số để tạo ra các cộng đồng bền vững và an toàn, cung cấp nhiều cơ hội hơn cho người dân. Do đó, công dân là cốt lõi của phương pháp tiếp cận thành phố thông minh tại Singapore, chứ không phải công nghệ.
Kể từ khi chương trình Smart Nation được Chính phủ đưa ra vào năm 2014, thành phố Singapore luôn luôn đi đầu về quy hoạch thành phố.
Một mạng lưới khổng lồ gồm camera an ninh và nhiều loại cảm biến khác nhau được triển khai khắp mọi nơi. Dữ liệu thu được từ mạng lưới này hoạt động kết hợp cùng với một bản mô phỏng đô thị kỹ thuật số được gọi là Virtual Singapore. Chúng cho phép chính phủ xem cơ sở hạ tầng hoạt động theo thời gian thực, phân tích mọi thứ từ an ninh trật tự cho đến mật độ đám đông, chất lượng không khí.... Điều này sẽ cho phép các cơ quan chức năng điều chỉnh lại xe buýt trong giờ cao điểm, tránh tắc nghẽn giao thông, theo dõi việc hút thuốc trong những khu vực bị cấm cũng như việc phạt nguội hành vi xả rác ra không đúng nơi quy định.
Songdo (Hàn Quốc) - sạch từng milimet
Songdo đã trở thành dự án tâm điểm của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương khi được đầu tư hàng chục tỉ USD bởi công ty New Songdo City Development LLC, với diện tích 6,1km2. Trong đó, phần tốn kém nhất thuộc về chi phí đầu tư các tiện ích hiện đại, công nghệ thông minh.
Có thể kể đến các tiện ích như trạm sạc pin cho xe điện, hệ thống tái sử dụng nước thông minh, nhưng ấn tượng nhất là hệ thống xử lý rác thải. “Thành phố không xe rác” này đã sử dụng hệ thống đường ống nén khí để hút rác từ máng đổ rác của các tòa nhà rồi chuyển tới cơ sở phân loại rác tập trung. Tại đây, rác được xử lý, biến thành năng lượng hoặc đưa đi tái chế.
Seoul (Hàn Quốc)
Seoul là thành phố thông minh nhất xét về mặt quản trị kỹ thuật số và dữ liệu công cộng. Hiện nay, thành phố có hơn 1.200 bộ dữ liệu mở cho công chúng và rất sáng tạo trong việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số để hỗ trợ người dân tham gia, chẳng hạn như hệ thống OASIS trực tuyến, cho phép công chúng đưa ra đề nghị lập các kế hoạch trực tuyến.
Fujisawa (Nhật Bản) - tiết kiệm điện năng
Khu đô thị thông minh phát triển bền vững Fujisawa (Fujisawa SST) được xây dựng theo mô hình giống như chiếc lá, trên diện tích 19 hecta, thuộc thành phố Fujisawa của tỉnh Kanagawa, cách thủ đô Tokyo, Nhật Bản khoảng 50 km về hướng Tây Nam.
Khu đô thị được xây dựng với nguồn vốn đầu tư 60 tỷ yên Nhật đã bắt đầu hoạt động vào năm 2014, hiện có hơn 1.000 căn hộ đã được sử dụng.
Fujisawa ra đời trong bối cảnh nhiều thành phố ở Nhật Bản đối mặt tình trạng thiếu hụt điện năng và bị cắt điện liên tục. Để giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng và tận dụng tối đa năng lượng tái tạo, mỗi ngôi nhà được lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái, ắc quy dự trữ điện năng, hệ thống quản lý năng lượng thông minh tại gia cho phép sử dụng năng lượng sạch khi cần thiết. Ngoài ra, tất cả hệ thống đèn giao thông, thắp sáng đường phố cũng được được lắp đặt tấm pin mặt trời và thiết bị lưu điện.
Không chỉ vậy, Fujisawa còn nổi tiếng với hệ thống an ninh hiện đại. Đây là đô thị đầu tiên của Nhật Bản được sử dụng hệ thống đèn an ninh LED chạy bằng năng lượng Mặt Trời. Hệ thống này có 47 camera giám sát, được gọi là “hệ thống an ninh mở”, hoạt động liên tục 24/24. Trong mỗi căn nhà, đều có một tivi Panasonic 55 inch kết nối với cổng web. Thông qua thiết bị này, người dân trong đô thị có thể ngay lập tức truy cập để quan sát trực tiếp hình ảnh từ các camera an ninh. Bên cạnh đó, thiết bị nhận diện người đi bộ được lắp đặt tại nhiều điểm ở Fujisawa, giúp xác định được cư dân của đô thị và từ đó, khóa cửa sẽ tự động được mở mỗi khi họ trở về.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận