"Điểm mặt" những cam kết tỷ USD đầu tư vào các tỉnh Đông Nam Bộ
Các tỉnh thành khu vực Đông Nam Bộ như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh... được trao nhiều giấy chứng nhận đầu tư tỷ USD.
Xứng danh là đầu tàu kinh tế, là động lực tăng trưởng của cả nước, có hạ tầng cơ sở phát triển, nhân lực dồi dào…, vùng Đông Nam Bộ luôn có sức hấp dẫn to lớn đối với các nhà đầu tư.
Trong khuôn khổ hội nghị phát triển vùng Đông Nam Bộ tổ chức ngày 26/11, Thủ tướng Phạm Minh Chinh đã chứng kiến lễ công bố thỏa thuận hợp tác và trao giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ với các đối tác, nhà đầu tư, với tổng số 20 dự án, tổng số vốn hơn 10 tỷ USD và hơn 5.000 tỷ đồng; thuộc các lĩnh vực lọc hóa dầu, điện tử, hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, du lịch,...
Chẳng hạn, Dự án Nhà máy Sản xuất ống thép và các loại sản phẩm cơ khí sau thép, vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng, của Công ty TNHH SMC Châu Đức; hay Dự án Khách sạn - căn hộ du lịch 5 sao Fivestar Odyssey, tổng vốn đầu tư là 2.489,6 tỷ đồng, của Công ty Cổ phần tổng hợp Thế giới xanh. Cả hai dự án này đều đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngoài hai dự án này, Dự án đầu tư Nhà máy Sản xuất Polypropylene (PP) và kho ngâm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng vốn đầu tư là 250 triệu USD, cũng đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Tương tự, là các dự án Chế tạo trang sức và nữ trang, với tổng vốn đầu tư là 163 triệu USD tại Bình Dương, của Pandora Production Holding A/S; Dự án Nhà máy Sản xuất máng POLYSTER tại Tây Ninh, vốn đầu tư 1 tỷ USD của Công ty TNHH BILLION INDUSTRIAL Việt Nam.
Hyosung Việt Nam cũng nhận chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Sản xuất nilon với tổng vốn đầu tư 125 triệu USD tại Đồng Nai.
Trong khi đó, tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bình Phước cũng đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký trên 30 triệu USD. Ngoài các dự án này, hàng loạt biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác đầu tư các dự án cũng đã được trao tại Hội nghị.
Lớn nhất có lẽ là Dự án đầu tư mở rộng giai đoạn II Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, với tổng mức đầu tư 5,5 tỷ USD, của The Siam Cement Public Co.Ltd.
Bên cạnh đó, còn có Dự án Sản xuất gỗ công nghiệp cho ngành xây dựng lắp ghép theo công nghệ CLT và đóng tàu giải trí, vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, của Công ty Earth Vision; Dự án đầu tư mở rộng Nhà máy giấy Marubeni, 380 triệu USD, của Kraft of Asia Paperboard & Packaging…
Công ty TNHH IDIS Việt Nam, thừa ủy quyền của nhà đầu tư Trung Quốc, cũng đã lên nhận MOU hợp tác đầu tư Dự án Sản xuất màn hình có độ phân giải cao, với tổng mức đầu tư 350 triệu USD.
Trong khi đó, Công ty Waizu Giken nhận MOU hợp tác đầu tư Dự án Trung tâm Kho cảng, bồn bể hóa chất và tiện ích khí gas, với tổng mức đầu tư 230 triệu USD. Tương tự, Heineken cũng đã nhận MOU hợp tác đầu tư dự án mở rộng Nhà máy bia Heineken từ năm 2023, với tổng mức đầu tư 142 triệu USD.
Ngoài các dự án quy mô lớn này, còn các dự án khác cũng nhận được MOU hợp tác đầu tư tại hội nghị lần này.
Chẳng hạn, Dự án Cơ sở lưu trú cho người lao động trong KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, với tổng mức đầu tư 1.820 tỷ đồng, tương đương 72 triệu USD; Dự án Khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ, vốn đầu tư 26.000 tỷ đồng, của Thaco Trường Hải; Dự án trang sức, mỹ phẩm của Richemont Luxury Việt Nam, vốn đầu tư 23,2 triệu USD; Dự án Tư vấn quản lý bất động sản, 23 triệu USD, của FRASERS PROPERTY INVESTMENTS…
Khi các dự án này được hiện thực hóa, một nguồn lực lớn sẽ được đổ vào vùng Đông Nam Bộ, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn Vùng, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết 24 và Chương trình hành động của Chính phủ đặt ra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận