Dịch Covid-19: "Kỷ lục nối tiếp kỷ lục" ở Ấn Độ, Hàn Quốc xem xét cấp phép sử dụng khẩn cấp Remdesivir
Số ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ hiện là lên 165.799 người, trong đó có 4.706 trường hợp tử vong.
Hai ngày qua, số ca nhiễm và tử vong mới do Covid-19 ở Ấn Độ liên tục tăng cao kỷ lục, đặc biệt, diễn ra ngay sát thời điểm kết thúc lệnh phong tỏa toàn quốc giai đoạn 4 vào ngày 31/5.
Phần lớn số ca Covid-19 của Ấn Độ tập trung tại các bang Maharashtra (59.546 ca), Tamil Nadu (19.372), Delhi (16.281), Gujarat (15.562) và Rajasthan (8.067).
Dự kiến sau khi lệnh phong tỏa kết thúc, nhà chức trách Ấn Độ sẽ vẫn tập trung công tác phòng chống Covid-19 tại 13 thành phố lớn (chiếm 70% số ca nhiễm cả nước) và 5 bang bị ảnh hưởng nặng nhất, trong khi sẽ theo dõi sát sao 7 bang có số lượng lớn các lao động di cư trở về quê.
Hiện một số bang ở Ấn Độ đã cho phép nối lại hoạt động đi lại cá nhân, giao thông công cộng hạn chế, mở lại các cửa hàng (trừ trung tâm thương mại và khu phức hợp mua sắm) và các khu công nghiệp. Trong thời gian qua, Chính phủ Ấn Độ cũng đã nối lại các chuyến bay nội địa. Nhiều người cho rằng, chính các biện pháp này đang khiến số ca nhiễm ở Ấn Độ không ngừng tăng cao.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ, Giám đốc Cơ quan an toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) Lee Eui-kyung cho biết, các cơ quan chức năng đang chuẩn bị đưa thuốc Remdesivir vào sử dụng trong điều trị Covid-19.
Thuốc Remdesivir vốn được hãng dược phẩm Mỹ Gilead Sciences phát triển để điều trị bệnh Ebola, song lại cho kết quả tích cực trong thí nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân Covid-19 tại Mỹ. Gilead Sciences cũng chính là đơn vị phát triển thuốc Tamifly điều trị các chủng cúm. Qua thử nghiệm cho thấy, Remdesivir có hiệu quả kìm hãm sự phát triển của virus corona trong tế bào cơ thể người.
Trước đó, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng thuốc Remdesivir có thể rút ngắn thời gian điều trị bệnh nhân Covid-19 từ 15 ngày còn 11 ngày. Tỷ lệ tử vong ở nhóm có dùng thuốc là 7% trong khi nhóm không dùng thuốc là 12%.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết, đang xem xét cấp phép sử dụng khẩn cấp và xúc tiến "nhập khẩu đặc biệt" đối với loại thuốc này. Nói cách khác, mặc dù chưa được cấp phép sử dụng tại Hàn Quốc song trong bối cảnh dịch bệnh, thuốc Remdesivir sẽ được sản xuất và phân phối, nhập khẩu không cần khai báo trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận