Đi miền Trung nghĩ về du lịch miền Tây
Miền Tây Nam bộ cũng có rừng, có biển và núi như miền Trung, nhưng nếu so sánh du lịch miền Tây Nam bộ với miền Trung có thể thấy sự “vênh” nhau rất lớn về nhiều mặt. Chỉ nhìn vào lượng khách đến khu vực miền Trung, có thể thấy được sự thành công về phát triển du lịch ở khu vực này.
Cầu vàng tại khu du lịch Bà Nà Hills, Đà Nẵng, thường xuyên thu hút rất đông du khách đến tham quan. |
Miền Trung sản phẩm đa dạng - miền Tây thì na ná như nhau
Thống kê của Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cho thấy, tổng lượng khách đến khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2018 đạt 56 triệu lượt, bằng hơn 60% tổng lượng khách cả nước, trong đó, khu vực miền Trung đóng góp phần đáng kể vào con số ấy. Còn qua ý kiến của khách tham quan, du lịch miền Trung có sức hấp dẫn nhờ tạo được sự đa dạng, khác biệt trong các sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Hòa, ngụ huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, người vừa có chuyến du lịch kéo dài 3 ngày 2 đêm cùng với gia đình tại miền Trung, cho biết ông chọn đi du lịch miền Trung vì nơi đây có nhiều địa điểm vui chơi hấp dẫn. Ngày đầu đến với Đà Nẵng, ông đưa gia đình khám phá Bà Nà Hills và đêm đến ông cùng gia đình ngắm cầu Rồng, dạo phố và thưởng thức các món ăn đặc sản của Đà Nẵng.
“Ngày thứ hai, lịch trình chúng tôi đi Thừa Thiên-Huế tham quan lăng Khải Định, Đại Nội và chùa Thiên Mụ”; chiều tối cả gia đình đến với phố cổ Hội An để tham quan và thưởng thức các món ăn đặc sản, sau đó về Đà Nẵng nghỉ đêm...
Cùng quan điểm, ông Trần Văn Dũng, ngụ huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, người đã hai lần đi du lịch miền Trung, nhận xét điều thú vị khi đi du lịch ở nơi đây là du khách có được nhiều sự lựa chọn các điểm muốn tham quan. “Đặc biệt, ở mỗi điểm du lịch đều tạo được sự khác biệt riêng, không giống ở miền Tây Nam bộ là các điểm du lịch đều na ná nhau”, ông nói.
Nói về sự thành công của du lịch miền Trung, ông Nguyễn Sự, cựu Bí thư Thành ủy thành phố Hội An (Quảng Nam), nói rằng ngoài tiềm năng và tài nguyên du lịch ở địa phương thì đội ngũ người dân ở đây chính là điều đã tạo nên sự thành công cho du lịch của khu vực.
“Chính người dân tạo ra được những sản phẩm mới, họ biết giữ gìn môi trường và sự thân thiện để lúc nào du khách cũng cảm thấy thích thú khi quay trở lại”, ông nhấn mạnh và dẫn chứng như người dân Hội An đã sáng tạo ra trò chơi cưỡi trâu, tắm cho trâu; du khách cùng nông dân tham gia sản xuất rau, tưới cây...
“Tuy nhiên, để người dân sáng tạo ra được sản phẩm mới thì đòi hỏi các nhà quản trị hay lãnh đạo địa phương phải có định hướng, thuyết phục người dân thay đổi tư duy”, ông cho biết.
Tại làm nông đã bén rễ sâu vào tâm thức
Cổng vào lăng Khải Định, Thừa Thiên-Huế. |
Trong khi đó, khi nói đến du lịch miền Tây Nam bộ, ông Sự cho biết, vùng này có đặc điểm là “nơi nào cũng giống nơi nào”, tức đi chỗ này rồi không muốn đi chỗ khác nữa vì đều giống nhau. “Trong khi đó, việc tạo ra sản phẩm có sự khác biệt thì mình (miền Tây Nam bộ) chưa làm được”, ông nói đó là yếu tố rất quan trọng, nhưng do chưa làm được nên chưa thu hút được khách du lịch đến.
Theo ông Sự, khi thu hút được du khách thì các dịch vụ liên quan “tự động” phát triển. “Ví dụ, ở Hội An, ban đầu dịch vụ lưu trú chỉ có 8 phòng thôi, còn ăn uống cũng chẳng có gì nhiều, dịch vụ khác thì không có”, ông dẫn chứng, “Nhưng khi khách du lịch đến thì tự nhiên các dịch vụ liên quan sẽ phát triển lên”.
“Điều cơ bản bây giờ phải suy nghĩ cho du lịch miền Tây Nam bộ là nên phát triển các dòng sản phẩm du lịch nào, ông nêu vấn đề và gợi ý việc phát triển các dòng sản phẩm du lịch cho khu vực này nên dựa trên tài nguyên sẵn có của địa phương như sông nước, phương thức sản xuất, lúa gạo, vườn cây ăn trái..., nhưng phải tạo ra những sản phẩm mang sự khác biệt. “Để đạt được điều đó, những nhà quy hoạch chiến lược du lịch của từng địa phương phải suy nghĩ để giải quyết vấn đề”, ông nói nhưng đồng thời cũng lưu ý nếu chỗ nào cũng làm du lịch kiểu “phong trào” thì sẽ thất bại.
Ông nói tiếp: “Miền Tây Nam bộ có thuận lợi là không bao giờ bị đói, tức bước ra là có gạo ăn, dưới sông thì có cá để bắt lên, vào vườn thì có trái cây, cho nên, người dân không muốn làm thứ gì hơn nữa”. Đó là lý do khiến người dân ngại thay đổi.
Chính vì vậy, điều quan trọng cần làm bây giờ là phải thay đổi về mặt nhận thức của người dân. “Tư duy thay đổi thì mới ra vấn đề được”, ông Sự gợi ý nên bắt đầu từ từng cái nhỏ, từng sản phẩm một để tạo ra giá trị mời gọi khách tới.
Về việc thay đổi tư duy, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp, nói tại một hội nghị về du lịch nông nghiệp diễn ra ở địa phương này mới đây rằng người nông dân vốn đã quen với công việc diễn ra hàng ngày (chẳng hạn sản xuất lúa), tức trong tâm thức họ chỉ có công việc đó, thành ra, muốn thay đổi sang công việc mới thì đầu tiên phải “định hình lại suy nghĩ” của họ; thứ hai, công việc mới không phải lúc nào cũng đạt kết quả như ý ngay, thành ra phải nói cho họ biết kiên trì trong công việc mới; thứ ba là xây dựng cho người nông dân một niềm tin rằng họ có thể làm được.
Cụ thể hơn, theo ông Hoan, trước giờ người nông dân mấy đời làm lúa, làm vườn, tức nông dân nhiều khi cũng cố hữu, suy nghĩ chỉ có làm nông, làm ruộng. “Bây giờ, chuyển sang làm du lịch nông nghiệp, tức một chân trời mới mở ra nên đòi hỏi nông dân phải thay đổi”, ông nói.
Đồng quan điểm, theo ông Sự, làm du lịch là một con đường dài, có những cái chuẩn bị đến hàng chục năm mới ra sản phẩm và sản phẩm phải chuẩn bị hàng chục năm mới có khách đến, chứ không phải “làm hôm nay, ngày mai có khách”.
“Do đó, người làm du lịch cần phải kiên trì”, ông nói và gợi ý người làm du lịch cần phải có sự chăm chút trong sản phẩm; phải đi lên từ chính cái của mình và cuối cùng là làm ra sản phẩm để bán cho du khách với những gì mình có, chứ không phải cái du khách cần, mà mình không có. “Mình không có mà mang từ nơi khác về làm du lịch, thì người ta sẽ chán, phải lưu ý chuyện đó”, ông nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận