DHG - Giá vẫn còn cao?
Ngành dược vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, thị giá của CTCP Dược Hậu Giang (HOSE: DHG) vẫn đang neo ở mức cao so với triển vọng dài hạn của doanh nghiệp này.
Ngành dược có tiềm năng phát triển lớn
Kinh tế Việt Nam năm 2019 vẫn tăng trưởng ấn tượng bất chấp những diễn biến phức tạp theo chiều hướng tiêu cực của kinh tế thế giới. Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7%.
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các tổ chức quốc tế đều đánh giá kinh tế thế giới năm 2020 tiếp tục xu hướng giảm, cộng với tác động từ dịch sẽ làm suy giảm nhanh hơn, đặc biệt tình trạng khi bệnh dịch kéo dài. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo năm 2020 chỉ ở mức 5.96% nếu dịch Covid-19 được khống chế trong quý 2.
Tốc độ tăng trưởng trung bình ngành dược Việt Nam trong năm 2019 đạt khoảng 11%. Ngành dược là một trong những ngành phòng thủ nên khi có một biến cố xảy ra trên thị trường thì vị thế của cổ phiếu những ngành này sẽ càng quan trọng hơn. Do đó, dòng tiền thường có xu hướng chuyển từ các ngành mang tính thị trường cao sang các ngành này để hạn chế rủi ro.
Việt Nam hiện được xếp vào nhóm những nước có ngành dược mới nổi (pharmerging countries) theo phân loại của tổ chức IQVIA Institute. Tiềm năng tăng trưởng của ngành dược đang được đánh giá rất cao bởi các yếu tố như:
Tỷ lệ dân số vàng của Việt Nam hiện đang nằm ở mức đỉnh và bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa dân số với tốc độ nhanh. Kể từ năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa khi số người trên 60 tuổi chiếm 9.9%. Đến năm 2018, con số này đã lên thành 11.95%.
Theo Tổng Cục dân số, dự báo Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038 với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt trên 20%. Thậm chí, đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số.
Kế đến là tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO - World Health Organization) đã có những nghiên cứu và cảnh báo quan trọng về tác hại của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe con người. Các loại bệnh về đường hô hấp, hệ tuần hoàn, ung thư… xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn. Đồng thời, sự xuất hiện của dịch Covid-19 cũng khiến hàng ngàn người tử vong và con số đang không ngừng tăng lên mỗi ngày.
Chính vì vậy, mà nhu cầu cũng như ý thức về việc chăm sóc sức khỏe của dân chúng sẽ tăng lên nhanh chóng.
Mức chi tiêu tiền thuốc bình quân của Việt Nam vào khoảng 75 USD, thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình của thế giới. Với dân số lớn và nền kinh tế tăng trưởng nhanh, thị trường dược phẩm Việt Nam được đánh giá là còn nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai.
Tiềm năng tăng trưởng của kênh OTC không còn nhiều
Theo thống kê của IMS Health, thị phần phân phối thuốc tại Việt Nam hiện nay phần lớn là dưới hình thức đấu thầu qua hệ thống các bệnh viện (ETC) chiếm tỷ lệ từ 60-70% thị trường, phần còn lại là thuốc không kê đơn được bán lẻ tại các quầy thuốc (OTC).
IMS Health cũng dự báo kênh ETC sẽ còn tiếp tục tăng trưởng do nhu cầu về các loại thuốc chất lượng có tính đặc trị cao tăng lên. Mặt khác, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế cũng là một trong những yếu tố chính thúc đẩy chi tiêu thuốc qua kênh này. Ước tính năm 2019, tỷ lệ này đã đạt 90% và mục tiêu năm 2020 sẽ đạt 90.7%.
Chính vì vậy mà những doanh nghiệp có nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc tế như CTCP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP), CTCP Pymepharco (HOSE: PME), CTCP Dược Hậu Giang (HOSE: DHG),.. sẽ có lợi thế cạnh tranh cao hơn những doanh nghiệp còn lại.
Tuy vậy, kênh OTC hiện vẫn đang chiếm tỷ trọng cao (khoảng 85%) trong cơ cấu doanh thu của DHG. Điều này sẽ khiến cho khả năng bứt phá mạnh trong thời gian tới của DHG phần nào bị hạn chế.
Doanh thu và lợi nhuận đi ngang, hiệu quả sinh lời tiếp tục lao dốc
Năm 2019, DHG đạt doanh thu thuần 3,896 tỷ đồng, tăng nhẹ 0.4%. Lợi nhuận sau thuế đạt 635 tỷ đồng, giảm 3%. Xét trong giai đoạn từ 2014-2019 thì kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này gần như đi ngang.
Việc hợp tác cùng cổ đông chiến lược Taisho Pharmaceutical đã giúp DHG tiết giảm được chi phí và rút ngắn thời gian nâng cấp nhà máy theo tiêu chuẩn PIC/s - GMP, Japan – GMP trong năm 2019. Tuy nhiên, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) của DHG năm 2019 vẫn đang đi xuống (đạt lần lượt 15.21% và 19.49%).
Như vậy, kể từ khi đạt đỉnh năm 2009, ROAA và ROEA của DHG đã liên tục lao dốc. Đây là điều khiến cho giới phân tích cảm thấy lo ngại.
Giá cổ phiếu vẫn đang ở mức cao
Việc giá cổ phiếu DHG giảm liên tục trong gần 1 năm qua khiến cho nhiều người có “cảm giác” là cổ phiếu này đang ở mức khá rẻ. Tuy nhiên, người viết cho rằng cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn.
Mức P/E của DHG thường xuyên dao động trong khoảng trên 20 lần. Đây là mức khá cao so với mức trung bình của ngành.
Với tỷ trọng tương đương giữa các phương pháp, chúng ta tính được mức định giá hợp lý của DHG là 72,052 đồng. Do đó, mức giá thị trường hiện tại là không hấp dẫn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhà đầu tư có thể canh mua từ từ nếu giá thị trường điều chỉnh về mức đáy cũ đầu năm 2019 (tương đương vùng 70,000-73,000).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận