ĐHĐCĐ Transimex (TMS): Chưa thể công bố lý do mức tăng đột biến lợi nhuận dự kiến 2020
Năm 2020, TMS đặt kế hoạch lợi nhuận 368 tỷ đồng, tăng 44% so với thực hiện 2019, nhưng lãnh đạo Công ty cho biết, chưa thể công bố lý do về sự tăng trưởng đột biến này.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Công ty cổ phần Transimex (TMS – HOSE) diễn ra vào sáng ngày 9/6 đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu thuần hợp nhất 2.279 tỷ đồng, giảm 3% so với thực hiện năm 2019, nhưng nhưng lợi nhuận trước thuế 368 tỷ đồng, tăng mạnh 44%. Cổ tức 20%.
Tại Đại hội, ông Lê Duy Hiệp, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TMS cho biết, Công ty hiện nay có hầu hết các mặt hàng phục vụ cho xuất nhập khẩu và tiêu thụ nội địa. Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, gồm garment, footwear và FMCG (hàng hóa tiêu dùng nhanh).
TMS đang có 3 loại kho: kho hàng hóa tổng hợp, kho lạnh (âm 25 độ C), kho mát (từ 0 đến 10 độ C) và cuối cùng là kho air-con.
Trong đó, khu vực phía Nam tại cảng ICD Transimex (Thủ Đức), Công ty có dịch vụ container, kho hải quan, kho CFS, kho lạnh (đông) và kho mát. Hầu hết các kho đều có tỷ lệ lấp đầy trên 80%.
Đối với khu vực phía Bắc, từ tháng 10/2018 đến nay, TMS đã đưa Trung tâm logistics Thăng Long đưa vào hoạt động với tổng số vị trí pallet (vị trí để hàng trong kho) có gần 27.000 pallet. Với kho đông, tỷ lệ lấp đầy là 100%, kho mát là 50-60%, kho tổng hợp là 85-90% tùy từng thời điểm.
Còn kho Hòa Cầm tại Khu công nghiệp Hòa Cầm có quy mô 10.000 pallet với tỷ lệ lấp đầy gần như 100%.
Ông Hiệp thông tin thêm, ngày 2/10 tới đây, TMS sẽ làm lễ khởi công Trung tâm logistics Vĩnh Lộc, nếu cả 2 giai đoạn được hoàn thành thì đây có thể là trung tâm logistics có sức chứa lớn nhất cả nước với tổng số vị trí pallet lên tới 120.000 vị trí. Thời gian xây dựng trong vòng 6 tháng, cố gắng 30/4/2021 sẽ đưa vào hoạt động.
Trong năm 2020, Ban lãnh đạo của TMS cũng đặt trọng tâm hơn vào các dự án M&A. Ông Bùi Tuấn Ngọc, Chủ tịch HĐQT cho biết, đây là một vấn đề nhạy cảm, nên sẽ chỉ công bố kết quả khi thực hiện thành công.
Hiện nay, Công ty có 1 bước tiến lớn là đã sở hữu được 41% tại một công ty logistics ở Hải Phòng. Sắp tới Đại hội đồng cổ đông của công ty này diễn ra, TMS sẽ đề cử thêm 1 thành viên HĐQT và có xác suất cao là sẽ trở thành Chủ tịch HĐQT của công ty này.
Bên cạnh đó, đối với CTCP Giao nhận vận tải miền Trung (Vinatrans Đà Nẵng), TMS đã chiếm hơn 50%/vốn, và tới cuối tháng này, tại Đại hội cổ đông của Vinatrans Đà Nẵng, TMS sẽ cử người vào những vị trí chủ chốt. Đây là một công ty phát triển tốt, có nhiều quỹ đất trong trung tâm thành phố và một kho tại khu công nghiệp Hòa Cầm. Tại đây mới chỉ là 1 kho thường, sắp tới TMS sẽ cải tạo nơi này có đầy đủ cả 3 kho với dự kiến giá trị đầu tư là 250 tỷ đồng, ông Ngọc cho biết thêm.
Có thể trở thành công ty xây dựng, khai thác và bán lại khu công nghiệp
TMS đã thoái vốn tại CTCP Vận tại Xếp dỡ Hải An (HAH), thay vào đó, công ty sẽ đầu tư vào Cảng Mipec - một cảng có công suất gấp đôi cảng của HAH.
Trong tuần tới, TMS sẽ đón chuyến tàu nội địa đầu tiên đến cảng Mipec và hy vọng đến cuối quý III/2020 sẽ mở cửa đón tàu quốc tế đầu tiên. Tới nay, TMS đã giải ngân gần xong 2.000 tỷ đồng cho dự án này, chuẩn bị cho công đoạn khánh thành. Công suất tại cảng này là cho tàu 40.000 tấn giảm tải và 30.000 tấn quá tải.
Tại CTCP Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex), trong vòng 4 năm qua, TMS vẫn luôn là cổ đông chiến lược, nắm giữ hơn 35% cổ phần.
Ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc (thuộc Cholimex) giai đoạn 3, doanh nghiệp hiện còn 213 ha đất, đang trong giai đoạn giải tỏa đền bù. Đối với 44 ha đã giải tỏa xong, Công ty đang chờ xử lý về thủ tục pháp lý, từ giờ đến cuối năm sẽ xử lý xong các vấn đề sở hữu đất đai của Cholimex.
Sau khi hoàn thành xong, Công ty sẽ có một mặt bằng rộng 3.000 m2 ở đường Nguyễn Trãi, quận 5 và nhiều tài sản khác.
Ông Ngọc cho biết thêm, trên thị trường hiện đang có một số nhà đầu tư bất động sản công nghiệp, tức là khi họ thấy một kho đang được khai thác hiệu quả thì họ đến thu mua.
Trong năm nay hoặc năm sau, TMS sẽ có thể xuất hiện 1 dòng kinh doanh mới, đó là xây dựng, khai thác và bán kho. Ông Ngọc hy vọng với mảng kinh doanh mới này, Công ty có thể nâng tỷ suất sinh lợi của vốn chủ sở hữu.
Trong phần trả lời chất vấn của cổ đông về về tác động từ động thái quy hoạch khu vực Thủ Đức đến hoạt động của Cảng ICD Transimex, ông Ngọc cho biết, UBND Thành phố đã chấp nhận cho Công ty khai thác tiếp 3 năm tới.
Khi được hỏi về mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động kinh doanh, ông Ngọc cho biết, trong các báo cáo đến tuần đầu tiên của tháng 6, có nhiều đơn vị thành viên đã hoàn thành và vượt kế hoạch của 6 tháng đầu năm.
Có cổ đông thắc mắc về sự gia tăng đột biến của lợi nhuận trước thuế dự kiến năm 2020 (368 tỷ đồng, tăng 44% so với thực hiện 2019), ông Ngọc cho biết, thời điểm này chưa thể công bố lý do. Hiện công ty chỉ mới tạm ký 1 hợp đồng bất động sản công nghiệp. Nếu dịch bệnh không xảy ra thì dự án đã thành công vào tháng 2 và tháng 3 năm vừa rồi. Nếu trong thời gian tới thuận lợi, tháng 8 và tháng 9 sẽ có lợi nhuận đột biến này.
Trong trường hợp không thành công, HĐQT sẽ công bố cho các cổ đông chậm nhất là vào tháng 9.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận