ĐHĐCĐ CKG: Nới “room” ngoại lên 49%, bầu 4 Thành viên mới vào HĐQT
ĐHĐCĐ thường 2024 của CKG thông qua sửa đổi một số ngành nghề để có thể nới “room" ngoại từ 0% lên 49% nhằm “dọn đường” cho nhà đầu tư nước ngoài, nhất là quỹ từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Đại hội cũng bầu 4 thành viên mới vào HĐQT.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của CKG tổ chức chiều 01/06 tại Kiên Giang. Ảnh: Tử Kính
5 dự án trọng điểm cho năm 2024 và 2025
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 diễn ra hôm 01/06, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (HOSE: CKG) Phạm Thị Như Phượng cho biết, doanh nghiệp kỳ vọng việc triển khai 3 bộ luật liên quan đến thị trường bất động sản sắp tới sẽ tác động tích cực; chẳng hạn cho phép quy định Việt kiều được mua nhà trong nước hay cởi mở quy định về công tác định giá. Đối với các dự án nhà ở xã hội (NOXH), theo bà Phượng, sẽ “không nhất thiết phải định giá nữa”.
Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang cũng vừa công bố quy hoạch kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh cũng công bố xong quy hoạch chung của thành phố Phú Quốc. “Như vậy chúng ta có được điều kiện cần và điều kiện đủ để nhận định rằng thị trường có khả năng phục hồi rất nhanh vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025”, Tổng Giám đốc CKG kỳ vọng.
Năm nay, CKG dự kiến đưa vào kinh doanh các dự án đã cơ bản hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư. Ở thành phố Rạch Giá gồm dự án khu dân cư Chợ nông hải sản trung tâm thương mại Rạch Giá, dự án Tuyến dân cư đường số 2 phường Vĩnh Quang, dự án khu dân cư Bắc Vĩnh Quang phường Vĩnh Quang (giai đoạn 1 và 2).
Còn tại Phú Quốc, Công ty sẽ tiếp tục bán hàng dự án khu biệt thự cao cấp Phú Quốc Riverside Villas (tên thương mại Rivera Villas), bán hàng dự án khu biệt thự cao cấp Búng Gội thuộc xã Cửa Dương.
HĐQT và Ban Điều hành thống nhất đưa những quỹ đất sạch thành những quỹ đất có giá trị, như hoàn chỉnh toàn bộ về hồ sơ pháp lý; hoàn thành nộp các loại chi phí như tiền chuyển mục đích sử dụng đất, tiền sử dụng đất được giao,… để khi thị trường phục hồi thì đã có đủ điều kiện bán hàng và ghi nhận doanh thu.
Trong năm 2023, CKG đã nộp tiền sử dụng đất dự án đường số 2 khoảng 10ha; các dự án Chợ nông sản và dự án Bắc Vĩnh Quang 3 giai đoạn cũng đang trong quá trình định giá và dự kiến khoảng quý 3 này sẽ nộp tiền sử dụng đất.
Hai dự án Phú Quốc gồm dự án Búng Gội và Rivera Villa, Công ty cũng đã hoàn thành việc chuyển mục đích sử dụng đất và đủ điều kiện để bán. Như vậy, 3 dự án tại Rạch Giá và 2 dự án tại Phú Quốc là những dự án trọng điểm của CKG trong năm 2024, 2025 đều đã đầy đủ điều kiện.
Dù năm 2023 chưa thể thực hiện được đại hội nhưng Chủ tịch Trần Thọ Thắng nói đã dành thời gian đó tính toán phương án, tìm hiểu thị trường cũng như chuẩn bị cho thời điểm phục hồi của ngành bất động sản, để làm sao các dự án đất sạch được hoàn chỉnh về mặt pháp lý, nộp đầy đủ tiền sử dụng đất, dự định đưa vào khai thác trong 2 năm tới.
Theo Chủ tịch, khó nhất là vấn đề định giá đất. “Ở Kiên Giang hiện nay, riêng về mặt định giá có khoảng 15 dự án, trong đó của CKG có 5 dự án thì 10 dự án còn lại, các đơn vị thẩm định giá trả lại toàn bộ cho Nhà nước”, ông Thắng chia sẻ.
Điều chỉnh “room” dọn đường đón cổ đông ngoại
Thời gian vừa qua có nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đến để tìm hiểu về CKG nhưng do còn hạn chế về việc sở hữu nên theo bà Phượng “vẫn chưa đạt được sự thỏa thuận nào”.
Để giảm sự hạn chế đối với cổ đông ngoại, đại hội thông qua việc điều chỉnh, sửa đổi một số ngành nghề làm hạn chế sở hữu nước ngoài, qua đó nâng “room" ngoại từ 0% lên 49% nhằm “dọn đường” cho nhà đầu tư nước ngoài có quan tâm đến cổ phiếu CKG, nhất là quỹ từ Nhật Bản, Hàn Quốc.
Chủ tịch CKG cho biết cổ đông ngoại vào sẽ có thể làm tăng thêm giá trị, ổn định hơn trong quá trình hoạt động, còn phát hành thêm bao nhiêu thì HĐQT sẽ tính toán để trình với cổ đông chứ không nhất thiết phải ở mức 49% như đã đăng ký.
Sau 2 lần tổ chức bất thành năm ngoái, đại hội lần này của CKG được cổ đông thông qua các văn bản chưa được chấp thuận ở lần trước, bao gồm kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 và mục tiêu cho năm 2023.
Tại đại hội năm nay, CKG tiến hành miễn nhiệm 4 Thành viên HĐQT (trong đó có 2 thành viên độc lập) và 1 Thành viên BKS nhiệm kỳ 2021-2026. Thay vào đó, các thành viên mới được nhóm các cổ đông đề cử đều đã được đại hội chấp thuận.
Cụ thể, các Thành viên HĐQT gồm ông Đinh Thanh Tâm (sinh năm 1979), ông Đinh Thanh Thảo (1964) và ông Trần Văn Vinh và Thành viên BKS Võ Văn Ý (1994). Các cá nhân này được đề cử bởi nhóm cổ đông sở hữu tỷ lệ trên 5% và hiện đang không sở hữu cổ phiếu hay đảm nhiệm chức vụ nào tại CKG.
Riêng ông Nguyễn Xuân Dũng (1980) là cổ đông lớn, mua vào và sở hữu 9.6% vốn CKG từ năm ngoái, nay tự đề cử bản thân vào HĐQT.
Theo ông Thắng, nhân sự sau đại hội lần này đã được kiện toàn để có thể hướng đến các mục tiêu quan trọng sắp tới.
Huy động thêm 500 tỷ đồng từ cổ phiếu để thanh toán nợ ngân hàng, trái phiếu
Lĩnh vực bất động sản sẽ chiếm 95% doanh thu năm 2024 nhưng CKG dự báo tình hình thị trường sắp tới vẫn còn trầm lắng. Do đó, để giải phóng hàng tồn kho, thu hồi vốn cũng như giảm chi phí bảo hành bảo trì, Công ty sẽ thực hiện các chương trình khuyến mãi giảm giá nên tỷ suất lợi nhuận các căn nhà ở thương mại dự kiến giảm so với cùng kỳ.
Năm nay, CKG chỉ đưa ra mục tiêu doanh thu dựa trên BCTC công ty mẹ, tuy nhiên con số giữa hợp nhất và công ty mẹ năm ngoái không quá chênh lệch, chỉ hơn 100 tỷ đồng.
Theo đó, Doanh nghiệp tại Kiên Giang lên kế hoạch thực hiện 1.2 ngàn tỷ đồng doanh thu, đi ngang so với năm 2023 và 142 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm nhẹ 4%. Quý 1/2024, CKG ghi nhận doanh thu 281 tỷ đồng, cải thiện 12% so với cùng kỳ. Lãi ròng hơn 29 tỷ đồng, tăng 23%.
Công ty con CTCP Xây dựng CIC Kiên Giang (CKG sở hữu 51%) sẽ tiếp tục là “đầu tàu”, dự kiến mang về 359 tỷ đồng doanh thu, tăng 14% so với thực hiện năm ngoái. Những cái tên sau đó gồm công ty con CTCP Vật liệu xây dựng CIC Thắng Anh (CKG sở hữu 72.2%), công ty liên kết CTCP Phát triển Đô thị Kiên Giang (CKG nắm 35.2%) với chỉ tiêu gần như đi ngang, lần lượt 203 tỷ đồng và 124 tỷ đồng.
CKG sẽ tái cấu trúc 2 công ty thành viên gồm Công ty TNHH CIC Education và Công ty TNHH TMDV CIC Kiên Giang; đồng thời tập trung hoàn thành thủ tục giải thể đối với CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng Phú Quốc. Đối với Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng CIC Phú Quốc, CKG sẽ tập trung hoàn thành pháp lý thu hồi đất và điều chỉnh quy hoạch dự án Bãi Vòng diện tích 34ha.
Thời gian qua, CKG chưa thể phát hành hơn 13.4 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp do chưa được thông qua, khiến doanh nghiệp thiếu hụt nguồn vốn.
Thay vào đó, tại đại hội năm nay thông qua việc phát hành 19 triệu cp trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 20% số cổ phiếu hiện hữu (sở hữu 10cp được nhận 2cp mới) từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2023.
Ngoài ra, CKG sẽ huy động thêm vốn từ cổ đông từ việc phát hành thêm 50% số cổ phiếu đang lưu hành (không tính phần phát hành để trả cổ tức). Theo đó, cổ đông sở hữu 1cp sẽ được hưởng 1 quyền, cứ 2 quyền sẽ được mua thêm 1cp mới và cổ phiếu phát hành thêm sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. Với giá dự kiến 10,500 đồng/cp (bằng một nửa thị giá), CKG dự thu về khoảng 500 tỷ đồng trong đợt này.
Công ty ông Thắng định dùng khoảng 105 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ vay ngân hàng đến hạn từ quý 4/2024 đến quý 1/2025, chiếm 21% tổng số tiền; đồng thời dùng 350 tỷ đồng (chiếm 70%) thanh toán một phần trái phiếu đến hạn trước ngày 31/12/2024; và gần 45 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động khác như thanh toán các khoản công nợ phải trả thi công, tiền mua nguyên vật liệu, thanh toán lương nhân viên,… từ quý 4 năm nay đến quý 1 năm sau.
Theo Tổng Giám đốc, phần lớn số tiền huy động lần này chỉ dùng để bổ sung nguồn vốn lưu động chứ không được thực hiện các dự án trung, dài hạn. Vì vậy, nguồn lực để trả các khoản trên thay vào đó sẽ được dùng để đầu tư vào các dự án trọng điểm, tập trung marketing để có doanh thu, lợi nhuận trong năm nay và năm sau mà không làm giảm các chỉ số như ROE, ROA.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận