Dệt may khởi động chu kỳ đầu tư mới
Sau 1 năm gần như đóng băng, ngành dệt may bắt đầu khởi động chu kỳ đầu tư mới để đáp ứng các yêu cầu từ thị trường.
Đón nhu cầu thị trường
Nhu cầu tiêu dùng hầu hết các ngành hàng đều sụt giảm mạnh trong cả năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19, dệt may cũng không phải ngoại lệ. Sau một năm án binh bất động, không thêm dự án mới, năm 2021 là thời điểm được nhiều doanh nghiệp dệt may lên kế hoạch đầu tư để đón lõng nhu cầu thị trường trong những năm tới.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương trong những ngày cuối cùng của năm 2020, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐTV Vinatex, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết: “Điều doanh nghiệp cần nhất lúc này là được hỗ trợ thông qua chính sách giảm lãi suất vay dài hạn, vì năm 2021 bắt đầu vào chu kỳ đầu tư đáp ứng các yêu cầu mới khi dịch bệnh được khống chế, đặc biệt nhắm vào các dự án đầu tư sản xuất nguyên liệu phục vụ đáp ứng quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do (FTA)”.
Năm 2020 là năm đầu tiên sau 25 năm, xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng trưởng âm 10,5%, chỉ đạt 35,2 tỷ USD so với 39 tỷ USD năm 2019. Tuy nhiên, trong bối cảnh tổng cầu thế giới giảm trên 22%, từ 740 tỷ USD, xuống 600 tỷ USD, các quốc gia cạnh tranh đều có mức giảm 15-20%, thậm chí gần 30% nếu bị cách ly dài, thì mức giảm của Việt Nam còn là ít.
Trong khi đó, nhờ không bị gián đoạn sản xuất, nên thị phần của hàng dệt may Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng, lần đầu đạt 20% tại thị trường Mỹ, trong đó nhiều tháng đứng ở vị trí số 1 về thị phần. Các hiệp định thương mại, nhất là EVFTA tuy không thể bù đắp được sự sụt giảm về kim ngạch, nhưng cũng đã có những tác dụng đáng kể trong việc giảm thiểu thiếu hụt đơn hàng.
Năm 2021, thương mại dệt may chưa hoàn toàn khởi sắc, nhưng nếu không dồn lực đầu tư sẽ khó tận dụng dư địa tăng trưởng cho giai đoạn từ 2022 trở đi. Nhưng xoay xở vốn đang là nỗi niềm của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt vốn cho các dự án sản xuất nguyên liệu xơ sợi, vải, để thỏa mãn xuất xứ từ một số FTA.
Ông Trường nêu thực tế, sau một năm khó khăn, sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, các dự án đầu tư của ngành dệt may, nhất là đầu tư sản xuất sợi, vải không còn được thứ tự ưu tiên cao, tiếp cận vốn khó, lãi suất cao. Để có vốn đầu tư và cụ thể hóa được chiến lược phát triển, ngành dệt may rất cần sự linh hoạt trong đánh giá tín nhiệm tín dụng từ hệ thống ngân hàng thương mại cho giai đoạn mới, tương ứng với tốc độ phục hồi của thị trường.
Doanh nghiệp cũng mong muốn, Chính phủ có chính sách cụ thể để phát triển công nghệ hỗ trợ dệt may, kể cả không gian và các điều kiện khuyến khích. Các địa phương cũng ủng hộ ngành dệt may phát triển trên nguyên tắc bền vững, sản xuất sạch và tuân thủ theo quy ước toàn cầu của chuỗi cung ứng.
Đơn hàng thúc đầu tư
Theo dự báo, thị trường dệt may phục hồi cầu về mức năm 2019 sớm nhất là quý II/2022, chậm nhất là quý IV/2023. Chính vì vậy, năm 2021 ngành dệt may vẫn tiếp tục khó khăn, bất định, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới.
Dẫu vậy, nhờ phòng chống dịch tốt, Việt Nam vẫn nổi lên là trung tâm sản xuất hàng hóa lớn trong một số lĩnh vực. Đơn hàng xuất khẩu cho quý I/2021 đã được nhiều doanh nghiệp chốt xong, do đó, đầu tư mở rộng chắc chắn phải được song hành với duy trì sản xuất, kinh doanh trong năm 2021.
Năm 2021, Thành Công sẽ khởi công xây dựng thêm 1 nhà máy tại Khu công nghiệp Hòa Phú (Vĩnh Long), với năng lực dự kiến 12 triệu sản phẩm/năm và doanh thu từ thị trường EU dự kiến tăng 2 con số. Với việc sở hữu quy trình sản xuất khép kín từ sợi, dệt, nhuộm và may, Thành Công hoàn toàn hưởng lợi thế về thuế suất theo quy định của EVFTA và CPTPP.
Trong khi đó, với May Nhà Bè là tiếp tục duy trì và đảm bảo hiệu quả hoạt động tại Nhà máy may Hậu Giang, Đức Linh, Sóc Trăng, đồng thời tiếp tục chiến lược đầu tư phát triển và mở rộng sản xuất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đánh giá về dòng vốn đổ vào các dự án dệt may trong năm 2021, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho rằng, các dự án nguyên phụ liệu sẽ được triển khai tấp nập hơn năm 2020.
“Về kịch bản nguyên phụ liệu, năm 2021 và 2022, Việt Nam vẫn thu hút nhiều dự án đầu tư sợi, dệt, nhuộm từ các doanh nghiệp trong nước và khối FDI. Một số ít dự án đang đầu tư dở dang trong giai đoạn 2019 - 2020 sau khi bị chậm tiến độ bởi dịch bệnh sẽ hoàn thiện để đưa vào hoạt động trong năm 2021”, ông Giang nói.
Cũng theo Chủ tịch Vitas, năm 2021, ngành dệt may đặt mục tiêu cao là xuất khẩu 39 tỷ USD, nếu dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng, mục tiêu trung bình là 38 tỷ USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận