Đến ngày 7/9, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 7,75%
Ngân hàng Nhà nước tin tưởng, với con số dư nợ tín dụng đến thời điểm hiện nay, mức tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mục tiêu 15% vào cuối năm và tiếp tục góp phần cho mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế từ 6,5 - 7%.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 7/9, báo chí đặt câu hỏi với đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 15%, trong bối cảnh con số này tính đến cuối tháng 8 mới chỉ là 6,63%.
Trả lời câu hỏi, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, trước hết là số liệu theo báo cáo chung là 6,63% tính đến 26/8. Nhưng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 7,75%, tính đến sáng 7/9, theo số liệu thống kê của NHNN.
Những tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng âm, có thời điểm âm tới 2% trong 3 tháng đầu năm. Tuy nhiên, từ tháng 4 trở đi, tăng trưởng tín dụng khá tích cực, nhất là trong các tháng 7, tháng 8, Phó Thống đốc cho biết.
Năm nay, tốc độ tăng trưởng cũng như xu hướng chung của nền kinh tế khởi sắc rất nhiều, chúng tôi tin rằng có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%, ông Đào Minh Tú nói.
Cũng theo đại diện NHNN, mục tiêu tăng trưởng 15% là con số định hướng trong điều hành, không phải con số áp đặt, quan trọng là làm sao tập trung tăng trưởng tín dụng, tức là mở rộng đầu tư để góp phần tăng trưởng nền kinh tế.
Tích cực giải ngân các gói vay ưu đãi
NHNN ngay từ đầu năm đã đặt ra nhiệm vụ quyết liệt thúc đẩy tăng trưởng tín dụng với hàng loạt giải pháp, biện pháp tích cực. Đơn cử như việc cơ quan này đã thực hiện việc phân bổ hết chỉ tiêu 15% cho tất cả các ngân hàng từ cuối năm 2023 để các ngân hàng thương mại chủ động trong cấp tín dụng.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã có các biện pháp để từng bước hạ lãi suất. Theo số liệu hiện nay, lãi suất đã giảm khá tích cực. Lãi suất cho vay những khoản mới hiện nay trung bình là 6,23%, giảm 0,86% so với cuối năm 2023. Trong khi đó, lãi suất huy động là 3,84%, tăng 0,23% so với cuối năm 2023.
Có thể nói lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay giảm, điều đó cũng đồng nghĩa các ngân hàng thương mại đã chia sẻ với doanh nghiệp rất nhiều, Phó Thống đốc nhận định.
Mặt khác, đại diện NHNN cho biết, tỷ giá cũng đang rất ổn định. Mức mất giá của đồng tiền đến nay mới chỉ có 1,5%, thấp hơn rất nhiều so với các nước khác. NHNN sẽ tiếp tục duy trì tỷ giá ổn định, hợp lý và thu hút được vốn đầu tư của nước ngoài.
Bên cạnh đó, thanh khoản nền kinh tế và thanh khoản của tổ chức tín dụng, tức là khả năng cho vay của ngân hàng thương mại hiện nay rất dồi dào. Đặc biệt, sau khi thực hiện Luật Tổ chức tín dụng mới, NHNN đã tinh gọn rất nhiều thủ tục, điều kiện cho các ngân hàng thương mại có căn cứ pháp lý để đẩy mạnh việc cho vay.
NHNN cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho cả người vay cũng như người cho vay; hướng dòng vốn vào những lĩnh vực trọng tâm, lĩnh vực ưu tiên, ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, NHNN sẽ tiếp tục tăng quy mô các gói vay ưu đãi, như gói tín dụng cho ngành lâm sản, thủy sản dự kiến tăng lên 50.000 - 60.000 tỷ đồng, thay vì 30.000 tỷ đồng như ban đầu.
Gói tín dụng cho nhà ở xã hội 140.000 tỷ cũng sẽ tiếp tục tăng ưu đãi, lãi suất giảm 2% sẽ giảm thêm 1% nữa thành 3%, thời hạn kéo dài từ 5 năm lên 10 năm để giúp người mua nhà có điều kiện tiếp cận.
"Với con số dư nợ tín dụng đến thời điểm hiện nay, NHNN tin tưởng mức tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mục tiêu 15% vào cuối năm và tiếp tục góp phần cho mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế từ 6,5 - 7%," Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận