Đến năm 2030, khoảng 350.000 hộ nghèo sẽ được hỗ trợ nhà ở
Đó là một trong những mục tiêu phát triển nhà ở trong Chiến lược phát triển ngành Xây dựng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vừa qua.
Không để phát sinh nhà ở đơn sơ trên toàn quốc
Theo đó, Chiến lược phát triển ngành Xây dựng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 hướng đến mục tiêu triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp; Cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng, cải tạo nhà ở phù hợp với quy hoạch đô thị và quy chế quản lý kiến trúc đô thị. Quản lý, giám sát chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại trung tâm các đô thị lớn. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp theo hướng ưu tiên bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân và các thiết chế khác trong khu công nghiệp.
Tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo, cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở. Bố trí hợp lý khu dân cư và hỗ trợ phát triển nhà ở cho người dân tại các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27m2 sàn/người, trong đó diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 28m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 26m2 sàn/người.
Đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 30m2 sàn/người, trong đó diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 32m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 28m2 sàn/người.
Đến năm 2030, phấn đấu tăng tỷ lệ nhà ở kiên cố trên toàn quốc đạt 85 - 90%, trong đó tại khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 75 - 80%, không để phát sinh nhà ở đơn sơ trên toàn quốc, đặc biệt là khu vực đô thị; 90% nhà ở trên toàn quốc có hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước thải đồng bộ và được đấu nối vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực; phấn đấu hoàn thành đầu tư, xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho khoảng 350.000 hộ nghèo (tại khu vực nông thôn khó khăn về nhà ở; hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; hộ nghèo dân tộc miền núi) và khoảng 162.000 hộ người có công cần hỗ trợ nhà ở.
Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nhà ở thương mại theo dự án với giá phù hợp
Chiến lược đã đề ra giải pháp giải quyết cơ bản yêu cầu về nhà ở cho người dân, mở rộng các loại hình nhà ở, có chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung một số chính sách phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở phục vụ tái định cư, nhà ở theo chương trình mục tiêu, nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình và cá nhân; Tập trung tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, tăng cường phân cấp cho các địa phương để đẩy nhanh cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ, công trình hết niên hạn sử dụng, nhà ở ven kênh rạch, các khu dân cư nghèo trong đô thị; Nghiên cứu cơ chế khuyến khích hình thành, phát triển các quỹ nhà ở và bất động sản.
Cùng với đó, tập trung thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” và các Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.
Đồng thời, một trong những giải pháp quan trọng trong Chiến lược là tăng cường chức năng quản lý Nhà nước trong quản lý phát triển nhà ở, điều tiết đảm bảo cân đối cung - cầu nhà ở; Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nhà ở thương mại theo dự án có diện tích trung bình với giá cả phù hợp khả năng chi trả của các đối tượng theo cơ chế thị trường. Nghiên cứu, đề xuất chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn theo chuẩn nghèo giai đoạn mới; chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt và các chương trình hỗ trợ nhà ở khác. Bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xanh, tiết kiệm năng lượng và nhà ở phát thải khí nhà kính thấp, ứng dụng công nghệ số.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa các loại hình nhà ở; tăng tỷ trọng phát triển nhà ở theo dự án và nhà ở chung cư; có chính sách hỗ trợ đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ. Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp theo hướng giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước; tạo nguồn vốn cho các đối tượng thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở được vay ưu đãi, dài hạn để có chỗ ở ổn định. Đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp; nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp.
Nghiên cứu các mô hình, nhà kiểu mẫu mới, hiện đại phù hợp với sự phát triển của công nghệ, yêu cầu đối với môi trường xanh, sạch, đẹp. Hoàn thiện chính sách, tăng cường thực hiện quản lý sau đầu tư xây dựng nhà ở, ban hành các quy chế để quản lý về việc bàn giao, tiếp nhận, bảo trì các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong dự án phát triển nhà ở.
Đồng thời, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh việc rà soát, đánh giá nhà chung cư cũ và thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung; quản lý hiệu quả quỹ nhà ở công vụ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận