Đề xuất xây bến cảng cho tàu đến 150.000 DWT ở Bình Thuận
Dự án bến cảng tổng hợp Sơn Mỹ vừa được doanh nghiệp đề xuất Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương đầu tư.
Cục Hàng Hải Việt Nam vừa có văn bản lên tiếng về đề xuất dự án đầu tư Bến cảng tổng hợp Sơn Mỹ tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Bến cảng tổng hợp Sơn Mỹ được đề xuất xây dựng nhằm phục vụ cho khu công nghiệp Sơn Mỹ 1. |
Bến cảng tiếp nhận tàu tới 150.000 tấn
Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Kinh Doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Sơn Mỹ (Công ty Sơn Mỹ) vừa đề xuất Bộ Giao thông vận tải xem xét chấp thuận chủ trương đề xuất thực hiện đầu tư dự án bến cảng tổng hợp Sơn Mỹ, nhằm đáp ứng mục tiêu phục vụ cho khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, Trung tâm điện lực Sơn Mỹ.
Địa điểm xây dựng đề xuất tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, với diện tích quy hoạch dự kiến là 160,4 ha.
Cụ thể, doanh nghiệp này đề nghị xây bến cảng gồm 6 cầu. Trong đó, có 3 cầu cảng tổng hợp và 3 cầu cảng chuyên dùng. Các cầu cảng tổng hợp tiếp nhận tàu lớn nhất 30.000 đến 50.000 tấn. Các cầu cảng chuyên dùng tiếp nhận tàu lớn nhất 50.000 đến 150.000 tấn.
Giai đoạn 1 (2022-2024) sẽ xây dựng đê chắn sóng (chưa xây đoạn 2 đê chắn sóng phía Nam); kè bảo vệ bờ; tôn tạo nền bãi, kho bãi hàng hóa; nạo vét khu nước, luồng tàu, vũng quay và thiết lập báo hiệu hàng hải cho tàu đến 100.000 DWT. Đồng thời, hoàn thành 2 cầu cảng tổng hợp; 1 cầu cảng xăng dầu cho tàu 100.000 DWT và 1 cầu cảng LNG số 1 phục vụ Nhà máy Sơn Mỹ 1.
Giai đoạn 2 (2022-2026) xây dựng đoạn 2 - đê chắn sóng phía Nam, 1 cầu tổng hợp cho tàu 50.000 DWT; 1 cầu cảng LNG số 1 phục vụ Nhà máy Sơn Mỹ 2.
Lãnh đạo Cục Hàng hải VN cho biết trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Bình Thuận gồm các khu bến cảng: khu bến Vĩnh Tân; khu bến Sơn Mỹ; bến cảng Kê Gà; các bến ngoài khơi (các mỏ: Hồng Ngọc, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Thăng Long - Đông Đô); bến Phan Thiết, Phú Quý.
Đối với đề xuất khu bến Sơn Mỹ được quy hoạch phục vụ trực tiếp khu công nghiệp Sơn Mỹ, tổng kho LNG Sơn Mỹ và Trung tâm điện lực Sơn Mỹ; có bến hàng lỏng/khí, bến tổng hợp, bến khách phù hợp với nhu cầu và năng lực của nhà đầu tư.
Cùng đó, việc tiếp nhận cỡ tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn; tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu khách quốc tế được đánh giá là phù hợp với thực tế nhu cầu.
Cần đề xuất quy hoạch chi tiết khu bến Sơn Mỹ
Quyền Cục trưởng Nguyễn Đình Việt cho biết thêm theo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung Bộ (Nhóm 4) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, khu bến Sơn Mỹ là bến cảng chuyên dùng khí hóa lỏng LNG phục vụ cụm kho LNG, trung tâm điện Sơn Mỹ, tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000 tấn, năng lực thông qua đến năm 2030 từ 4,5- 6 triệu tấn/ năm.
Do vậy, để đảm bảo việc quy hoạch chi tiết khu bến Sơn Mỹ đồng bộ với quy mô tổng thể cảng biển Bình Thuận và khu vực lân cận, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có ý kiến để UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương phối hợp với nhà đầu tư, để có văn bản chính thức về đề xuất quy hoạch chi tiết khu bến Sơn Mỹ phục vụ các hoạt động tại khu công nghiệp Sơn Mỹ.
Điều này cũng để đảm bảo tiến trình thực hiện các bến cảng trong cảng biển Bình Thuận phù hợp thực tế nhu cầu hàng hóa thông qua.
Đồng thời, đảm bảo hiệu quả chung và không ảnh hưởng đến quỹ đất, mặt nước, khu vực biển phát triển các bến cảng khác theo yêu cầu về năng lực thông qua của khu bến.
“Trên cơ sở đó, Cục sẽ có trách nhiệm nghiên cứu, tích hợp trong quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển, cầu cảng, cầu phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và có đề xuất phù hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định”, ông Việt thông tin.
Ngoài ra, Công ty Sơn Mỹ cũng cần liên hệ với UBND tỉnh Bình Thuận để được hướng dẫn thủ tục về đầu tư xây dựng, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khai thác cảng biển, sử dụng đất và các thủ tục khác theo quy định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận