Đề xuất thu phí cao tốc đầu tư bằng ngân sách: Mức phí cao bằng đường BOT?
Sau khi đưa vào hoạt động nhiều tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư bằng tiền ngân sách, trong đó có các đoạn cao tốc Bắc - Nam, Bộ Giao thông vận tải đã tham mưu để Chính phủ đề xuất Quốc hội cho thu phí. Nhiều ý kiến trái chiều về việc này, trong đó có lo ngại “phí chồng phí”.
6 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư
Trong tờ trình dự án Luật Đường bộ vừa được Chính phủ gửi Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất thu phí sử dụng cao tốc do Nhà nước đầu tư theo số km phương tiện ô tô chạy trên các tuyến đường này.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, đến nay cả nước đang có 6 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, vận hành, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, TP HCM- Trung Lương.
Ngoài ra, theo tiến độ được cam kết, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm 3 dự án đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam được thông xe, đưa vào sử dụng, bao gồm: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, cầu Mỹ Thuận 2. Với việc có thêm 3 dự án trên được thông xe, sẽ nâng tổng số km cao tốc được đầu tư bằng ngân sách nhà nước được đưa vào sử dụng giai đoạn 2021 - 2023 lên hơn 650 km.
Mức phí cao tốc do Nhà nước đầu tư được đề xuất là 1.500 đồng/km. Ảnh: T. Đảng.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - cơ quan thường trực soạn thảo dự án Luật Đường bộ cho biết, tính đến năm 2023 cả nước có trên 1.700 km cao tốc, trong số này có hơn 50% được đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Do vậy nếu thu phí sử dụng số km cao tốc này thì ngân sách nhà nước sẽ có nguồn vốn đầu tư cho các dự án cao tốc khác, giúp đảm bảo được mục tiêu Chính phủ, Quốc hội đặt ra là đến năm 2030 cả nước sẽ có 5.000 km cao tốc, trong đó mục tiêu trước mắt đến năm 2025 là 3.000 km cao tốc. Kinh phí để đầu tư cho mục tiêu này là khoảng 800.000 tỷ đồng.
Trao đổi với PV Tiền Phong về mức thu phí cao tốc được đầu tư bằng ngân sách, đại diện Bộ GTVT cho biết, đối với các tuyến vừa đưa vào sử dụng giai đoạn 2021 - 2023 trong đó có Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, QL45- Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu… mức phí được lên phương án thu là 1.500 đồng/ km đối với ô tô tiêu chuẩn (dưới 12 chỗ ngồi); sau đó sẽ tăng dần theo lộ trình được tính toán.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, mức phí này ngang bằng, thậm chí cao hơn mức phí thu trên các tuyến cao tốc cùng hành trình (Bắc - Nam) được đầu tư bằng hình thức BOT như Pháp Vân- Cầu Giẽ (1.500 đồng/km), Cầu Giẽ - Ninh Bình (1.200 đồng/km).
Lo phí chồng phí
TS Nguyễn Văn Thành - Đại học Giao thông vận tải - cho biết, chủ trương và mục tiêu đầu tư cao tốc bằng ngân sách nhà nước là tạo thuận lợi trong lưu thông, đi lại, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Nay các bộ, ngành có thẩm quyền lại tham mưu Chính phủ đề xuất thu phí cao tốc đầu tư bằng ngân sách liệu có đi ngược chủ trương, mục tiêu này? Hơn nữa, hiện nay người dân sử dụng ô tô đang phải đóng phí đường bộ hằng tháng (qua đăng kiểm xe), để thực hiện việc này Nhà nước đã bỏ hết các trạm thu phí trên các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách, nay khôi phục lại thì có phù hợp?
Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cũng cho biết, thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ dẫn đến “phí chồng phí”, người dân sử dụng ô tô bị thu phí hai lần (phí đường bộ và phí sử dụng cao tốc do Nhà nước đầu tư).
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền lại cho rằng, việc thu phí cao tốc là chủ xe trả tiền dịch vụ để có đường đi tốt hơn, mặt khác để thúc đẩy đầu tư hạ tầng giao thông, đảm bảo công bằng và hài hòa cho các nhà đầu tư khác. Dẫn chứng cho việc này, ông Quyền nói: Làm như vậy ngoài giúp Nhà nước có nguồn thu, tái đầu tư dự án khác, thu phí cao tốc còn giúp tránh tình trạng xe bỏ đường BOT đi vào đường không thu phí, gây hư hỏng hạ tầng như đang xảy ra ở tuyến cao tốc không thu phí là TPHCM - Trung Lương, trước đó là QL5...
TS Phan Lê Bình, chuyên gia quy hoạch giao thông cũng nêu ý kiến, ngân sách nhà nước hiện còn eo hẹp, đang phải chi cho rất nhiều hoạt động và thường thiếu hụt. Việc thu phí từ các tuyến cao tốc sẽ góp phần giảm áp lực cho ngân sách, tạo đà cho các lĩnh vực khác phát triển. Ngoài ra, ông Bình cũng cho biết, sau khi được rà soát và điều chỉnh, hiện nay hầu hết các tuyến cao tốc xây dựng đều là đường mới, không phải đường độc đạo, hơn nữa các tuyến cao tốc còn xây dựng hạng mục đường gom, đường dân sinh chạy song song với cao tốc để người dân lựa chọn.
Chiều 18/7, cho ý kiến về việc xảy ra “phí chồng phí” khi thu phí sử dụng cao tốc, trong khi người dân đã đóng phí bảo trì đường bộ, đại diện Bộ GTVT cho rằng, đây là hai loại phí hoàn toàn khác nhau. Với phí bảo trì đường bộ là phí dành để duy tu, sửa chữa các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, công trình cầu, hầm được phân cấp cho Bộ GTVT hoặc các Sở GTVT địa phương quản lý, người dân sử dụng những tuyến đường này không phải trả phí. Khi sử dụng cao tốc thì người dân trả phí sử dụng tuyến đường đi lại tốt hơn, nhanh hơn.
Cùng với đó, trong phương án thu phí các tuyến cao tốc được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, chỉ có thời gian thu từ 15 đến 20 năm, sau đó sẽ sử dụng miễn phí.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận