24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Kim Oanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương nói gì?

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, với tốc độ xuất khẩu gạo trong các tháng đầu năm và nhu cầu tích trữ lương thực của các nước như hiện nay, rủi ro thiếu gạo hoàn toàn có thể xảy ra. Việc đảm bảo an ninh lương thực cho người dân là quan trọng nhất, là ưu tiên cao nhất hiện nay.

Sáng 25/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã trả lời các câu hỏi của Tiền Phong xung quanh đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo.

Rủi ro thiếu gạo hoàn toàn có thể xảy ra

Sau khi Tổng cục Hải quan có văn bản yêu cầu tạm dừng xuất khẩu gạo từ ngày 24/3, ngay lập tức Bộ Công Thương có văn bản đề xuất ngược lại. Thứ trưởng lý giải như thế nào về điều này?

Những tháng đầu năm nay, dịch COVID-19 diễn biến đã và đang gây ra những ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Nhu cầu với một số mặt hàng thiết yếu nhu yếu phẩm, trong đó có gạo đang tăng rất nhanh và đã bắt đầu xuất hiện nhu cầu tăng dự trữ lương thực để bảo đảm cuộc sống cho người dân. Giá mua gạo trên thị trường thế giới cũng đã có sự biến động manh.

Trong 2 tháng đầu năm xuất khẩu gạo có tốc độ khá cao với 930.000 tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó một số thị trường có mức tăng tương đối mạnh. Giá cả trong nước cũng có biến động theo chiều hướng chung, tăng từ 20-25% tùy theo từng chủng loại thóc cũng như là lúa gạo.

Đứng trước tình hình đó nếu như việc xuất khẩu gạo vẫn diễn tiến như 2 tháng đầu năm, trong tháng 3 này vẫn diễn tiến thì Việt Nam có thể đối diện với rủi ro là thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước.

Vì vậy chúng tôi đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số đề xuất, cân nhắc một số phương án, trong đó có phương án tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo và phương án nữa là xem xét cấp giấy phép xuất khẩu gạo. Sau khi xem xét, lắng nghe ý kiến của các bộ ngành, Thủ tướng quyết định tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo đến cuối tháng 5.

Từ tình hình đó, Tổng cục Hải quan có chỉ đạo hải quan địa phương. Sau khi Tổng cục Hải quan chỉ đạo chung tôi nhận được ý kiến một số DN, địa phương phản hồi về việc đang có độ vênh nhất định về dự trữ gạo giữa số liệu Bộ Công Thương có được cũng như số liệu tỉnh và DN nắm được, nhất là sản lượng vụ đông xuân tại ĐBSCL cũng như có sự vênh cả về lượng gạo tồn trong dân và trong DN, đặc biệt là dự trữ 5% của DN phải dự trữ.

Vậy vì sao có sự vênh về số liệu gạo xuất khẩu, gạo dự trữ này?

Trước đây lượng gạo sản xuất, lượng gạo ký hợp đồng gạo tồn kho chúng ta nắm rất là chắc thông qua Hiệp hội lương thực Việt Nam, tuy nhiên sau khi có Nghị định 107/2018/NĐ-CP thì không còn số liệu này nữa, tự do hóa hoàn toàn. Dn không phải đăng ký hơp đồng, thông báo về số lượng đã ký hợp đồng, đã xuất khẩu, số liệu tồn kho… cho nên xuất hiện độ vênh số liệu.

Đến nay, sau khi Nghị định 107 ra đời, đã bãi bỏ các quy định về báo cáo số lượng gạo dự trữ của doanh nghiệp, số lượng gạo xuất khẩu, số lượng gạo đã mua, tiến độ thực hiện hợp đồng và gạo tồn kho của doanh nghiệp. Vì vây, việc xét dừng xuất khẩu gạo là cần thiết.

Bộ Công Thương sẽ làm gì, có kịch bản như thế nào trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra như dịch kéo dài hoặc thiên tai địch họa?

Chúng tôi đã báo cáo lại Thủ tướng cho phép kiểm tra lại một lần nữa số lượng tồn kho trong dân, số lượng tồn kho ở các DN, lượng hợp đồng đã ký có thể không lớn như chúng ta dự kiến. Sau khi báo cáo lại Thủ tướng chính phủ sẽ xem xét, quyết định. Thủ tướng đang xem xét đề nghị của Bộ Công Thương.

Về các kịch bản cũng đã có tính toán. Thứ nhất nếu dịch kéo dài đã có dự trữ quốc gia. Cái này Thủ tướng đã có chỉ đạo trong kết luận 121 về việc Bộ Tài chính chịu tách nhiệm tăng cường dữ trữ quốc gia mua vào them 200 – 300 nghìn tấn gạo.

Thứ hai là Nghị định 107 cũng yêu cầu các DN dự trữ lưu thông 5% lượng XK trước đó của mình. Việc này nếu các DN thực hiện nghiêm túc thì có lượng dữ trữ nữa trong DN. Bộ Công Thương đã chuẩn bị tất cả kịch bản lưu thông phân phối hàng hóa, không để thiếu cục bộ bất kỳ chỗ nào.

Theo tính toán, vụ lúa của Việt Nam gieo trồng nhanh, trong thời gian ngắn có thể phục hồi đáp ứng yêu cầu. Trong điều kiện dịch bệnh kéo dài vẫn có thể đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tuy nhiên tốc độ xuất khẩu phải kiểm soát nhất định. An ninh lương thực phải đảm bảo đưa lên hàng đầu nên Bộ Công Thương mới có đề xuất ban đầu.

Đảm bảo an ninh lương thực là quan trọng nhất

Hạn mặn kéo dài ở ĐBSCL cũng ảnh hưởng thế nào đến xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian tới thưa ông?

Theo các số liệu đánh giá mới nhất chúng tôi nhận được, hạn mặn sẽ ảnh hưởng đến hơn 40.000 ha lúa ở ĐBSCL, dao động 11-12% so với tổng diện tích bị ảnh hưởng trong kỳ hạn mặn hồi năm 2016. Nếu hạn mặn chỉ dừng ở mức độ đó thì tác động đến sản lượng của ĐBSCL không nhiều.

Với tình hình này, vai trò của các DN xuất khẩu gạo hiện nay là phải tiêu thụ hết hàng hóa, lúa gạo cho người nông dân. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nhất định, các DN xuất khẩu gạo phải chung tay với quốc gia, đảm bảo nghiêm túc quy định của Nghị định 107 về việc luôn phải có 5% gạo dự trữ xuất khẩu.

Ông có thể cho biết, đến nay việc gạo của Việt Nam đang xuất khẩu sang các thị trường nào? Hiện đã có thông tin các thương nhân Trung Quốc mua gom gạo rất mạnh ở khu vực ĐBSCL, Bộ Công Thương có thông tin gì về việc này?

Thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của chúng ta là Philippines. Đứng thứ hai là Malaysia rồi đến Iraq và một số nước châu Phi. Với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu gạo hai tháng đầu năm chỉ đạt 66 nghìn tấn, không đáng kể với 930 nghìn tấn gạo chúng ta đã xuất khẩu.

Dù có tốc độ tăng xuất khẩu gạo nhanh sang Trung Quốc nhưng cần nhìn vào con số tuyệt đối. Trung Quốc chỉ chiếm dưới 10 xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Hiện có ý kiến cho rằng, việc đột ngột yêu cầu các DN tạm dừng xuất khẩu gạo sẽ gây thiệt hại cho các hợp đồng khi bị đơn phương phá vỡ hợp đồng, Bộ Công Thương có ý kiến gì?

Theo phương án đề xuất của Bộ Công Thương là tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo đến cuối năm và như vậy hợp đồng vẫn được đảm bảo thực hiện. Miễn là chúng ta kiểm soát được tốc độ xuất khẩu gạo vừa đảm bảo thực hiện hợp đồng đã ký.

Quan điểm của chúng tôi là phải đảm bảo an ninh lương thực. Đây là quan trọng nhất, là ưu tiên cao nhất. Còn câu chuyện khó khăn với DN cũng dễ hiểu.

Chúng tôi đã có tính toán để giảm nhẹ khó khăn cho DN. Khi tạm giãn tiến độ xuất khẩu, nếu DN khó khăn vì phải vay vốn ngân hàng, chúng tôi sẽ làm việc với ngân hàng để giảm lãi suất vay thu mua lúa gạo cho các DN.

Cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả