menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Thái Minh

Đề xuất rút ngắn thời gian mở bán nhà ở xã hội

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, với mỗi đợt mở bán nhà ở xã hội, chủ đầu tư sẽ mất tối thiểu là 60 ngày làm việc chỉ để tiếp nhận được hồ sơ mua nhà của khách hàng… ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.

Trong bản kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản gửi Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ mới đây có kiến nghị nhiều giải pháp phát triển nhà ở xã hội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, với mỗi đợt mở bán nhà ở xã hội, chủ đầu tư sẽ mất tối thiểu là 60 ngày làm việc chỉ để tiếp nhận được hồ sơ mua nhà của khách hàng, bao gồm gửi thông báo cho Sở Xây dựng trước 30 ngày làm việc và thời gian tiếp nhận hồ sơ tối thiểu là 30 ngày làm việc.

Cụ thể, theo quy định, để bán nhà ở xã hội, chủ đầu tư phải công khai thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký, danh sách khách hàng đăng ký mua, báo cáo kết quả khách hàng ký Hợp đồng mua nhà ở xã hội.

Theo điểm b, khoản 1 Điều 20 Nghị định 100/2015/NĐ-CP trước khi thực hiện việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội, chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến dự án (theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Nghị định 100) và kế hoạch tổ chức bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội tại dự án gửi Sở Xây dựng trước 30 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đơn đăng ký của khách hàng.

VNREA nhận định, thời gian mở bán nhà ở xã hội hiện nay quá dài, gây ảnh hưởng tới số đợt mở bán trong năm làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh dự án.

Từ bất cập này, VNREA kiến nghị Chính phủ sửa đổi các quy định này theo hướng rút ngắn thời gian thông báo và nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội. Đồng thời, để đảm bảo thông tin về việc bán nhà ở xã hội đến được với đông đảo người dân, đề nghị quy định rõ thời hạn Sở Xây dựng phải đăng tải thông tin trên website. Ví dụ: Chậm nhất là 3 ngày làm việc sau khi nhận được thông báo của Chủ đầu tư, Sở xây dựng có trách nhiệm đăng tải thông báo trên website của Sở.

Cũng liên quan đến hồ sơ mua bán nhà ở xã hội, VNREA cho hay, đối với người mua nhà, theo điểm b khoản 1 Điều 22 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp khi mua nhà ở xã hội phải có giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi đang làm việc về đối tượng và thực trạng nhà ở. Thực tế, người mua nhà gặp nhiều khó khăn khi xin xác nhận nội dung này vì cơ quan, tổ chức nơi người mua nhà đang làm việc không thể nắm được hoặc không muốn xác nhận về thực trạng nhà ở của nhân viên.

Để giải quyết bất cập này, VNREA đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi hoặc hướng dẫn cụ thể về điểm này theo hướng người mua nhà chỉ cần xin xác nhận của UBND xã, phường nơi cư trú về thực trạng nhà ở vì đây mới là nơi quản lý thực trạng nhà ở của người dân.

NREA kiến nghị Chính phủ, sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 22 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, trong đó đối tượng quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7 Điều 49 của Luật Nhà ở thì phải có giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi đang làm việc về đối tượng và giấy xác nhận của UBND xã, phường nơi cư trú về thực trạng nhà ở.

Ngoài ra, tại văn bản kiến nghị trên, VNREA còn nêu ra một số bất cập liên quan đến thủ tục mua bán NƠXH trên địa bàn TP. Hà Nội. Trong đó, so với quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP, quy định tại Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội đã bổ sung trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc gửi danh sách đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tới Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp.

VNREA kiến nghị UBND TP.Hà Nội bỏ quy định này. Theo đó, chủ đầu tư chỉ gửi danh sách đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội đến Sở Xây dựng theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Nếu cần kiểm tra, thẩm định, trên cơ sở danh sách Chủ đầu tư đã gửi, Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan để thực hiện.

Chia sẻ về những khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, một lãnh đạo một doanh nghiệp tại Hà Nội cũng cho hay, thực tế thủ tục khi làm nhà ở xã hội lên tới 3,4 năm là điều bình thường. Vị lãnh đạo này liệt kê, sau khi được TP thông qua chủ trương, phải làm việc với Sở Quy hoạch, sau khi Sở này thông qua phương án tổng mặt bằng xong, thì lập dự án, phê duyệt, rồi thẩm định, tiếp đến làm chấp thuận đầu tư với thành phố. Tiếp đến sau khi phải thiết kế kỹ thuật, rồi thẩm định, phê duyệt của Sở Xây dựng, tiếp đến tới Sở Tài chính làm tiền sử dụng đất.

Nhiều chuyên gia nhận định, khâu yếu nhất và đang cản trở sự phát triển nhà ở xã hội chính là việc vận hành thủ tục hành chính ở các cơ sở, địa phương. Thủ tục hành chính vẫn “đè nặng” lên doanh nghiệp, muốn thực hiện dự án NƠXH vẫn phải qua quá nhiều cửa và ẩn chứa tiêu cực.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại