Đề xuất quy trình lập quy hoạch tổng thể quốc gia
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.
Dự thảo bổ sung quy định về "Quy trình lập quy hoạch tổng thể quốc gia". Theo đó, việc phối hợp giữa các cơ quan tham gia lập quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định tại điểm b, c và e khoản 1 Điều 16 Luật Quy hoạch được thực hiện như sau:
Trong trường hợp được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn để lập quy hoạch, Cơ quan lập quy hoạch lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch (bao gồm lập hợp phần quy hoạch), tư vấn đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu để triển khai lập quy hoạch theo nhiệm vụ lập quy hoạch được Chính phủ phê duyệt; chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, tài liệu, dữ liệu, nghiên cứu, xây dựng quy hoạch; phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của vùng, đề xuất các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, các định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở xây dựng quy hoạch, xây dựng sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu quy hoạch và đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan đề xuất tổ chức tư vấn có đủ năng lực gửi Cơ quan lập quy hoạch xem xét, quyết định lựa chọn để xây dựng nội dung hoặc hợp phần quy hoạch đã được Chính phủ phân công; cho ý kiến thẩm định bằng văn bản đối với nội dung hoặc hợp phần quy hoạch theo nhiệm vụ được Chính phủ phân công do tổ chức tư vấn lập trước khi gửi Cơ quan lập quy hoạch.
Cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch và hoàn thiện đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch để lấy ý kiến. Việc lấy ý kiến về quy hoạch và đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch được thực hiện theo quy định tại Điều 19 của Luật Quy hoạch, Điều 26 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 và Điều 29 Nghị định này.
Quy trình lập quy hoạch tỉnh
Theo dự thảo, việc phối hợp giữa các cơ quan tham gia lập quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm b, e và i khoản 4 Điều 16 Luật Quy hoạch được thực hiện như sau:
Cơ quan lập quy hoạch lựa chọn tổ chức tư vấn quy hoạch, tư vấn đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, tài liệu, dữ liệu, nghiên cứu, xây dựng quy hoạch; phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đề xuất các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, các định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở xây dựng quy hoạch, xây dựng sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu quy hoạch và đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch.
Cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch và hoàn thiện đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch để lấy ý kiến. Việc lấy ý kiến về quy hoạch và đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch được thực hiện theo quy định tại Điều 19 của Luật Quy hoạch, Điều 26 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 và Điều 32 Nghị định này.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, thông qua quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ quy hoạch theo quy định tại Mục 2 Chương II Luật Quy hoạch.
Văn phòng Chính phủ gửi hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch tỉnh tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ tiến hành rà soát tổng thể hồ sơ quy hoạch và dự thảo quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh và có văn bản tổng hợp ý kiến rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận