Đề xuất kéo dài niên hạn đầu máy, toa xe đường sắt trên 40 năm
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất cho phép các phương tiện đường sắt đã có tuổi thọ 40-45 năm được phép hoạt động đến hết 31/12/2030.
Theo Nghị định 65/2018, đầu máy và toa xe chở khách có niên hạn sử dụng tối đa 40 năm, toa hàng tối đa 45 năm và lộ trình thực hiện từ năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp vận tải đường sắt gặp khó khăn nên Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2022 điều chỉnh thời gian áp dụng niên hạn của phương tiện đường sắt từ 31/12/2023.
Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng dự thảo nghị định về niên hạn đầu máy toa xe đường sắt, đề xuất cho phép phương tiện hết niên hạn được hoạt động đến hết 31/12/2030. Bộ lý giải đề xuất này nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và các doanh nghiệp vận tải đường sắt trong điều kiện không bố trí được nguồn vốn đầu tư, thay thế phương tiện hết niên hạn.
Nếu được kéo dài niên hạn, Bộ Giao thông Vận tải sẽ sửa đổi quy định nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn kỹ thuật của đầu máy, toa xe theo hướng rút ngắn chu kỳ kiểm tra cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp vận tải đường sắt phải sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện để bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật giữa hai kỳ kiểm tra của cơ quan đăng kiểm. Đơn vị vận hành cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về công tác đảm bảo an toàn của phương tiện khi được kéo dài niên hạn sử dụng.
Về kinh nghiệm quốc tế, Bộ Giao thông Vận tải cho biết nhiều nước đã không quy định chi tiết niên hạn sử dụng phương tiện đường sắt, chỉ quy định khung về an toàn, quản lý khai thác và chính sách phát triển đường sắt. Thời gian sử dụng đầu máy, toa xe do tổ chức, doanh nghiệp quản lý phương tiện quy định.
Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết đang hoàn thiện báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Đường sắt 2017, định hướng sửa đổi quy định về niên hạn sử dụng phương tiện đường sắt. Vì vậy, đề xuất kéo dài niên hạn sử dụng đến năm 2030 sau khi Luật Đường sắt (sửa đổi) được thông qua, có hiệu lực thi hành từ năm 2027 để doanh nghiệp có thời gian thích ứng với quy định mới.
Hiện các doanh nghiệp đường sắt khai thác 258 đầu máy, 980 toa xe khách và 4.318 toa xe hàng. Theo quy định hiện hành, hết năm nay ngành sẽ phải dừng hoạt động 38 đầu máy, 391 toa xe hàng, 74 toa xe khách. Con số sẽ gia tăng nhiều trong các năm tới.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, đánh giá nếu số phương tiện trên phải dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân. Việc đầu tư mua sắm mới cũng sẽ gây áp lực về tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chi phí mất khoảng 8.000 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận