Đề xuất đầu tư 3.500 tỷ đồng nâng cấp 7 ga đường sắt quốc tế
Để tăng sản lượng vận tải hàng hóa bằng đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất huy động 3.500 tỷ đồng ngân sách nâng cấp 7 nhà ga quốc tế đến năm 2025.
Bộ Giao thông Vận tải tuần qua đã trình Chính phủ phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2025, Bộ sẽ huy động khoảng 3.500 tỷ đồng từ ngân sách để tập trung nâng cấp các ga được quy hoạch là ga liên vận quốc tế, gồm: Đồng Đăng, Lào Cai, Kép, Vật Cách, Kim Liên, Diêu Trì, Sóng Thần.
Các hạng mục chủ yếu được đầu tư là cải tạo kho hàng hiện hữu, xây mới bãi hàng container theo tiêu chuẩn mặt đường sân bay, bổ sung đường sắt trong ga, nâng cấp khu đầu máy- toa xe.
Hiện trên các tuyến đường sắt phía Bắc có hai ga Đồng Đăng (Lạng Sơn), Vật Cách (Hải Phòng) đã cân đối được vốn, lên kế hoạch đầu tư trong năm 2022-2024 với kinh phí 470 tỷ đồng. Trên tuyến đường sắt Bắc Nam có hai ga Kim Liên (Đà Nẵng) và Sóng Thần (Bình Dương) dự kiến được đầu tư trước năm 2025 với kinh phí khoảng 2.300 tỷ đồng.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc nâng cấp các ga trên nhằm nâng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt từ 1,1 triệu tấn năm 2021 lên 4-5 triệu tấn vào năm 2030, trong đó hàng đi tuyến Bắc Nam, Hà Nội - Đồng Đăng đạt 3 triệu tấn mỗi năm; tuyến Hải Phòng - Yên Viên - Lào Cai 1,5 triệu tấn mỗi năm.
Ngoài việc đầu tư tăng năng lực kết cấu hạ tầng, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị được công bố các ga có hoạt động liên vận đường sắt quốc tế tương tự công bố cảng biển, sân bay quốc tế. Nếu không công bố ga quốc tế sẽ không đủ điều kiện mở chi nhánh hải quan tại ga, làm hạn chế hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, giảm năng lực vận tải đường sắt.
Hiện trên hệ thống đường sắt Việt Nam có 14 ga có thể vận tải hàng hóa quốc tế, trong đó 7 ga đã được công bố liên vận quốc tế, 7 ga chưa được công bố là Đông Anh, Kép, Sen Hồ, Kim Liên, Diêu Trì, Trảng Bom, Vật Cách.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá nhiên liệu tăng cao làm chi phí vận tải đường bộ tăng, dẫn đến xu hướng chuyển dịch sang đường sắt. Hiện ngành đường sắt đã khai thác tuyến vận tải quốc tế từ ga Yên Viên (Hà Nội) tới Liege (Bỉ), Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt thường vận chuyển hàng điện tử, hàng dệt may, giày da, hóa mỹ phẩm, thực phẩm đông lạnh. Tàu liên vận xuất phát tại ga Yên Viên, quá cảnh Trung Quốc và đến Almaty (Kazakhstan) sau 12-14 ngày, đến Moscow (Nga) sau 23-25 ngày, đến Duisburg (Đức) sau 25-26 ngày.
Theo quy hoạch mạng đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn 2050, đường sắt Việt Nam sẽ kết nối xuyên Á, kết nối Á - Âu thông qua đường sắt Trung Quốc tại cửa khẩu Hữu Nghị và Lào Cai; kết nối với đường sắt ASEAN qua Lào (tại Mụ Giạ, Lao Bảo), qua Campuchia (tại Lộc Ninh).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận