Đề xuất cho phép UBCKNN được ngắt mạch thị trường, thu hẹp biên độ giao dịch khi cần
Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) được quyền yêu cầu Sở giao dịch chứng khoán thay đổi giờ mở cửa giao dịch, thu hẹp biên độ dao động giá, ngắt mạch thị trường đối với các giao dịch khớp lệnh liên tục... nhằm ứng phó, khắc phục sự cố, sự kiện, biến động ảnh hưởng đến an toàn, ổn định và tính toàn vẹn của thị trường chứng khoán.
Bộ Tài chính đang chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, nhằm cụ thể hóa Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 được Quốc hội phê duyệt vào ngày 26/11/2019.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo Nghị định vừa được Bộ Tài chính công bố là việc bổ sung riêng một chương về "Các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán", gồm 2 mục con: "Áp dụng biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán trong quản lý giám sát thị trường chứng khoán" và "Áp dụng biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán trong phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán".
Đề xuất cho phép UBCKNN được ngắt mạch thị trường chứng khoán, thu hẹp biên độ giao dịch khi cần
Đối với các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán trong quản lý giám sát thị trường chứng khoán, dự thảo Nghị định quy định trong hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố, sự kiện, biến động ảnh hưởng đến an toàn, ổn định và tính toàn vẹn của thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) được thực hiện các biện pháp sau.
Thứ nhất, UBCKNN được quyền yêu cầu Sở giao dịch chứng khoán tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với một hoặc một số chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán.
Thứ hai, tạm ngừng, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoặc khôi phục hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán cơ sở, thị trường chứng khoán phái sinh của Sở giao dịch chứng khoán.
Thứ ba, tạm ngừng, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoặc khôi phục hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Đặc biệt, UBCKNN được quyền yêu cầu Sở giao dịch chứng khoán thay đổi giờ mở cửa giao dịch, thu hẹp biên độ dao động giá, ngắt mạch thị trường đối với các giao dịch khớp lệnh liên tục hoặc các biện pháp kỹ thuật khác.
Cùng với đó, thực hiện các biện pháp kiểm soát, hạn chế hoặc cấm thực hiện một hoặc một số hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn theo quy định pháp luật;
Ngoài ra, được phép thực hiện các biện pháp cần thiết khác sau khi được Bộ trưởng Bộ Tài chính chấp thuận.
Dự thảo Nghị định nêu rõ các nguy cơ, rủi ro hệ thống gồm: một tổ chức kinh doanh chứng khoán quy mô lớn hoặc một số tổ chức kinh doanh chứng khoán ngừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản; có biến động đáng kể của một hoặc một số yếu tố sau ở quy mô toàn thị trường: tổng giá trị vốn hóa, tổng giá trị giao dịch/phiên, tổng giá trị vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trên thị trường chứng khoán, tổng giá trị cho vay giao dịch ký quỹ tại các công ty chứng khoán, tổng giá trị danh mục ủy thác đầu tư tại các công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán;
Hoặc, có sự kiện ảnh hưởng tiêu cực đến việc vận hành một cách ổn định, trật tự, thông suốt của thị trường chứng khoán hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân ở quy mô toàn thị trường.
Để bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán được đề xuất có quyền tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với một hoặc một số chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, Sở giao dịch chứng khoán phải báo cáo UBCKNN trong thời hạn 24 giờ kể từ khi áp dụng biện pháp này.
Trong khi đó, UBCKNN được đề xuất có quyền tạm ngừng, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoặc khôi phục hoạt động giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, sau khi được Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Phong tỏa tài khoản chứng khoán nếu có căn cứ xác định hành vi vi phạm pháp luật
Theo dự thảo Nghị định, các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán bao gồm: biện pháp cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn được áp dụng đối với các chức danh Chủ tịch HĐQT hoặc Chủ tịch HĐTV hoặc Chủ tịch công ty, Thành viên HĐQT hoặc thành viên HĐTV.
Cùng với đó là Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc), Giám đốc tài chính, Kế toán trưởng, Trưởng Ban kiểm soát và thành viên Ban kiểm soát (Kiểm soát viên), thành viên Ban kiểm toán nội bộ và các chức danh quản lý tương đương.
Thêm vào đó là các biện pháp cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn như: cấm chào bán, phát hành chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn; cấm niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn; cấm hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ về chứng khoán và thị trường chứng khoán, hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn; cấm thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn; cấm giao dịch chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn.
Đáng chú ý còn có biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán, yêu cầu người có thẩm quyền phong tỏa tài khoản tiền có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán khi cần xác minh tình tiết làm căn cứ quyết định xử lý vi phạm về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
Hoặc khi có căn cứ xác định tổ chức, cá nhân đang thực hiện vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán và biện pháp phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài khoản tiền là cần thiết nhằm ngăn chặn tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện vi phạm; hoặc khi cần ngăn chặn ngay hành vi tẩu tán tiền, chứng khoán có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
Hoặc, theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính do thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội danh về chứng khoán thì có thể bị cấm thực hiện một hoặc một số hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn tối đa đến 5 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn tối đa đến 5 năm.
Tổ chức, cá nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính do thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội danh về chứng khoán mà tái phạm hoặc vi phạm, phạm tội từ 2 lần trở lên thì có thể bị cấm tham gia một hoặc một số hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán vĩnh viễn, bị cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán vĩnh viễn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận