Đề xuất chi thêm gần 1.000 tỷ đồng cho cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vừa khánh thành
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vừa khánh thành cuối tháng 12/2023 nhưng vẫn phải tiếp tục hoàn thiện các hạng mục phụ trợ khác và bổ sung ngân sách xây thêm một số hạng mục. Theo kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải, dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư tăng 998,91 tỷ đồng, lên mức 5.826,23 tỷ đồng...
Bộ Giao thông vận tải vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1.
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 839/QĐ-TTg ngày 16/6/2020. Trên cơ sở chủ trương đầu tư được duyệt, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1170/QĐ-BGTVT ngày 17/6/2020, phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư tại Quyết định số 2177/QĐ-BGTVT ngày 21/12/2021.
Tổng chiều dài tuyến thuộc dự án là khoảng 22,97 km, trong đó, dự án qua địa phận tỉnh Vĩnh Long dài 12,52 km, tỉnh Đồng Tháp dài 10,45 km.
Điểm đầu dự án tại Km107+363,08 kết nối cầu Mỹ Thuận 2 thuộc địa phận TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long; điểm cuối tại Km130+337 (nút giao Chà Và, kết nối với Quốc lộ 1 hiện hữu) thuộc địa phận thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án theo Quyết định số 839 là 4.827,32 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương. Thời gian thực hiện dự án là khởi công năm 2020, hoàn thành toàn bộ dự án (giai đoạn 1) trong năm 2023.
Theo nội dung tờ trình được Bộ Giao thông vận tải gửi Thủ tướng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1, dự án này cần bổ sung 998,91 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2020.
Trong quá trình thực hiện dự án, nhiều nguyên nhân khiến dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tăng tổng mức đầu tư.
Theo đó, việc bổ sung nút giao với đường Võ Văn Kiệt kéo dài tăng khoảng 212,69 tỷ đồng; bổ sung đường gom thuộc tỉnh Đồng Tháp tăng khoảng 44,13 tỷ đồng.
Khi chủ trương đầu tư dự án cao tốc Cần Thơ - Mỹ Thuận được Thủ tướng phê duyệt, chi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo khung chính sách tại thời điểm đó là hơn 1.315 tỷ đồng.
Tại thời điểm thu hồi đất, đơn giá bồi thường tăng nên Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt kinh phí này lên hơn 1.588 tỷ đồng (tăng gần 274 tỷ đồng) vào tháng 12/2021. Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án tăng lên hơn 1.662 tỷ đồng (tăng thêm 73,43 tỷ đồng so với kinh phí đã được Bộ phê duyệt).
Hơn nữa, tại thời điểm lựa chọn nhà thầu, do tác động của đại dịch Covid-19 nên đơn giá vật liệu ở mức thấp. Sau đại dịch, giá đất đắp, cát, đá, thép, xăng, dầu diesel… tăng đột biến. Vì vậy, chi phí dự phòng trượt giá của dự án tăng 12%, thay vì 5,1% như đã phê duyệt.
Do vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Thủ tướng xem xét điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 hơn 5.826 tỷ đồng, tăng gần 999 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư đã được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 6/2020. Chi phí tăng thêm này được đề xuất từ nguồn ngân sách trung ương.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận