24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trọng Đạt
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đề xuất 7 giải pháp thúc đẩy công nghiệp và thương mại những tháng cuối năm

Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương nhận định: "Những yếu tố bất định về địa chính trị và kinh tế trên thế giới được dự báo sẽ có những tác động đa chiều đến tăng trưởng công nghiệp và thương mại của Việt Nam trong những tháng cuối năm"...

Trong báo cáo về "Tình hình kinh tế - xã hội thế giới và trong nước tác động đến phát triển công nghiệp và thương mại Việt Nam" mới đây, Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương (Bộ Công Thương), cho rằng những yếu tố bất định về địa chính trị và kinh tế trên thế giới được dự báo sẽ có những tác động đa chiều đến tăng trưởng công nghiệp và thương mại của Việt Nam trong những tháng cuối năm.

NHIỀU THÁCH THỨC TỪ BỐI CẢNH THẾ GIỚI

Báo cáo nhận định, việc chính phủ Trung Quốc đã đưa ra gói kích thích kinh tế lớn và quan trọng nhất kể từ sau đại dịch Covid-19, xung đột tại Trung Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp, bất ngờ là những yếu tố được dự báo sẽ tác động trực tiếp đến thị trường dầu mỏ cũng như tạo ra khủng hoảng nghiêm trọng đối với vận tải ở quy mô toàn cầu.

Điều này sẽ khiến chi phí logistics gia tăng, nguy cơ bị hoãn/hủy các hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng rất lớn. Hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại toàn cầu đều sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Dự báo Fed sẽ cắt giảm thêm nhiều đợt lãi suất kéo dài đến năm 2026 sẽ đẩy giá vàng tiếp tục tăng. Việt Nam là nền kinh tế mở, sự suy yếu nhu cầu nhập khẩu do kinh tế của các nước phát triển có dấu hiệu hạ nhiệt sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Việc đồng USD tăng mạnh trên thị trường quốc tế, với chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng USD đã tăng một mạch từ mức chỉ hơn 100 điểm hồi cuối tháng 9 lên mức trên 104 điểm hiện nay. Điều này sẽ gây bất lợi cho những ngành sản xuất công nghiệp trong nước sử dụng nguyên vật liệu, thiết bị nhập khẩu.

Đồng thời, sự bất ổn trong việc tiếp tục tái cấu trúc chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đã tác động tới triển vọng thương mại. Xuất nhập khẩu có thể tăng hơn 10% trong năm nay và cao hơn một chút vào năm tới, với sự phục hồi dần của nhu cầu bên ngoài.

Tuy nhiên, các chuyến thăm và làm việc của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước thời gian qua đã mở ra nhiều cơ hội cho việc hợp tác, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp trong nước với đối tác nước ngoài, góp phần thúc đẩy sản xuất và nâng cao chất lượng hàng hóa Việt Nam.

Đề xuất 7 giải pháp thúc đẩy công nghiệp và thương mại những tháng cuối năm
Xuất nhập khẩu và thương mại cũng sẽ chịu tác động lớn.

Theo cam kết trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (Hiệp định CEPA), UAE sẽ cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định CEPA có hiệu lực đối với nhiều ngành hàng chủ lực và có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam, tạo cơ sở thuận lợi cho việc xúc tiến xuất khẩu sang thị trường UAE và từ đó sang các nước Trung Đông.

Như vậy, với cam kết này, UAE sẽ mở cửa cho gần như toàn bộ các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu.

RÀ SOÁT THÁO GỠ TRIỆT ĐỂ VƯỚNG MẮC

Có thể thấy, với những diễn biến nêu trên, hoạt động sản xuất thương mại của Việt Nam những tháng cuối năm sẽ chịu những tác động tích cực và tiêu cực xen kẽ.

Vì vậy, để tận dụng lợi thế, khắc phục những khó khăn thúc đẩy phát triển công nghiệp và thương mại, Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương đã đề xuất 7 giải pháp.

Thứ nhất, bám sát những diễn biến, tình hình thế giới và trong nước để có thể đề xuất những giải pháp ứng phó phù hợp và kịp thời. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn cung hàng hóa bị tác động lớn bởi cơn bão Yagi và bão Trà Mi, cần rà soát, nắm bắt kịp thời và có giải pháp để đảm bảo chủ động nguồn cung hàng hóa cho hoạt động xuất khẩu và tiêu dùng trong những tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Thứ hai, tiếp tục nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của quý 4 và cả năm 2024.
Thứ ba, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước; giải quyết tốt những vấn đề còn tồn đọng để thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng công nghệ.
Thứ tư, tích cực trong công tác ngoại giao và hợp tác quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tìm kiếm và mở rộng thị trường, tranh thủ các ưu đãi từ những FTA mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó có Hiệp định CEPA mới được ký kết giữa Việt Nam và UAE.
Thứ năm, tiếp tục thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực về vốn, nhân lực và công nghệ. Tập trung rà soát, tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý của tất cả dự án để giải phóng tối đa các nguồn lực còn đang tồn đọng cho tăng trưởng và phát triển.
Thứ sáu, ưu tiên thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực có tính động lực như: kinh tế số, kinh tế xanh,...; đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy hiệu quả hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng. Trong đó, cần tập trung tăng cường hợp tác, tổ chức đối thoại kinh tế với các đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo,…
Thứ bảy, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp hạng 70/190 về chỉ số dễ dàng kinh doanh năm 2024, tăng 2 bậc so với năm 2023, nhưng vẫn còn nhiều lĩnh vực cần cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển.

Cùng với 7 giải pháp nêu trên, Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương cũng đề xuất 4 kiến nghị với Chính phủ:

Thứ nhất, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, kiềm chế lạm phát, áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt, hỗ trợ tối đa cho hoạt động xuất khẩu.
Thứ ba, khuyến khích doanh nghiệp cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua kết nối, đẩy mạnh hợp tác và chuyển giao công nghệ với các đối tác trong và ngoài nước.
Thứ tư, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương bảo đảm cung cấp đầy đủ hàng hóa, dịch vụ thiết yếu (nhất là lương thực - thực phẩm, điện, xăng dầu,...), đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và làm tốt công tác truyền thông trong quá trình phân phối.

Đối với các bộ, ngành và địa phương, Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương cũng kiến nghị tiếp tục nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là quá trình thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án đầu tư, bảo đảm vừa thông thoáng, vừa hiệu quả và đúng tiến độ. Rà soát, xem xét điều chuyển kinh phí trong các dự án đầu tư công.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nghiên cứu, ban hành chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong các thủ tục hải quan theo hướng ứng dụng công nghệ, giảm bớt thủ tục hành chính.

Linh hoạt sử dụng nhiều công cụ khác nhau trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối, thị trường vàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát trong mục tiêu.

Đẩy mạnh hiệu quả các hoạt động ngoại giao, trong đó có ngoại giao về kinh tế, góp phần kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước; phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan tiếp tục chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết và vận động để Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
2,667.02 -48.83 (-1.80%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả