Đề xuất 5 chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đang được Bộ Kế hoạch & Đầu tư xây dựng.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa thông báo lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Dự thảo Nghị quyết nêu rõ thành phố Buôn Ma Thuột có vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, kết nối các trung tâm phát triển vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia.
Thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị loại I mang những đặc trưng cơ bản của một đô thị trung tâm đa chức năng; có hệ thống giao thông đường bộ và đường hàng không thuận tiện kết nối các đô thị lớn của vùng Tây Nguyên (Pleiku, Kon Tum, Gia Nghĩa, Đà Lạt) với các trung tâm phát triển, cảng biển vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và khu vực tam giác Lào - Việt Nam - Campuchia.
Nhằm tạo điều kiện cho Buôn Ma Thuột phát triển, Bộ Chính trị đã có kết luận số 60/2009 với những nhóm giải pháp, chính sách phân cấp mạnh hơn cho thành phố và cho phép thành phố thực hiện thí điểm một số cơ chế.
Tuy nhiên, báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện kết luận số 60/2019 của Bộ Chính trị khóa XII chỉ ra thành phố Buôn Ma Thuột đã đạt được một số mục tiêu đề ra và có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, từng bước khẳng định vai trò đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên với mức tăng trưởng tương đối nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu ngân sách tăng khá dẫn đến sự gia tăng của quy mô nền kinh tế, nhưng thành phố vẫn chưa thực sự đóng vai trò là đô thị trung tâm mang đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên; chưa thực sự trở thành một cực tăng trưởng với những tác động lan tỏa tích cực tới các tỉnh khác.
Nhằm định hướng phát triển cho thành phố trong giai đoạn tới, Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu phát triển thành phố đến 2030, tầm nhìn đến 2045, đó là xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa lý trung tâm vùng, tam giác Lào - Việt Nam - Campuchia.
Để đạt được mục tiêu vừa nêu, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương tăng cường phân cấp quản lý cho thành phố xứng tầm với đô thị trung tâm của Vùng…, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi để thu hút đa dạng và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế (cả trong nước và ngoài nước), trên cơ sở nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế chính sách mới, đặc thù, phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của riêng thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và vùng Tây Nguyên.
Vì vậy, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk là cần thiết nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng và thế mạnh của thành phố, giúp thành phố thực hiện được các mục tiêu tại kết luận số 67/2019 của Bộ Chính trị đã đặt ra.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk gồm 8 điều, trong đó đề xuất thí điểm 5 chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với quy định hiện hành hoặc chưa có quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác.
5 chính sách đặc thù gồm mức dư nợ vay của tỉnh Đắk Lắk; định mức phân bổ chi thường xuyên; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột; quản lý quy hoạch và ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt.
Riêng về chính sách đầu tư, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết hiện Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công đã đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương như phân cấp cho HĐND, UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư các dự án lên đến quy mô nhóm A, bao gồm cả các dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của các địa phương là do HĐND địa phương quyết định phương án phân bổ cụ thể và hoạt động thu hút vốn FDI và vốn đầu tư tư nhân là do địa phương hoàn toàn chủ động và quyết định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận