24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
My Lăng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đề xuất 3 huyện Hà Nội lên thành phố: Nếu quy hoạch không tốt, sẽ chỉ tạo cơn sốt đất, tiêu cực cho xã hội

Về đề xuất 3 huyện lên thành phố, trao đổi với Dân Việt, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng chính quyền thủ đô cũng cần có cơ chế sử dụng đất đai hợp lý, minh bạch để trở thành nguồn lực xây dựng thành phố, tránh tình trạng nhiều bản quy hoạch đô thị "chỉ tồn tại trên giấy" trong nhiều năm.

Vừa qua, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của TP.Hà Nội. Theo tờ trình của UBND TP.Hà Nội, trong lĩnh vực quy hoạch, đô thị, UBND TP.Hà Nội sẽ xây dựng, trình phê duyệt quy hoạch TP.Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đáng chú ý, giai đoạn 5 năm tới, Hà Nội dự kiến đề xuất chủ trương và xây dựng quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố.

Xung quanh đề xuất trên, chia sẻ với PV Dân Việt, nhiều chuyên gia quy hoạch đều bày tỏ quan điểm ủng hộ, đồng thời kỳ vọng một Thủ đô hiện đại hơn khi 3 huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn trở thành thành phố. Nhưng chuyên gia cũng lưu ý Hà Nội cần xem xét kỹ các tiêu chí, không đốt cháy giai đoạn, hoặc quy hoạch thiếu khả thi.

Đề xuất 3 huyện Hà Nội lên thành phố: Nếu quy hoạch không tốt, sẽ chỉ tạo cơn sốt đất, tiêu cực cho xã hội
Chi tiết 3 huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn được đề xuất lên thành phố trực thuộc Thủ đô Hà Nội. Đồ hoạ: Việt Anh

Ba huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn lên thành phố sẽ thuận lợi cho phát triển đô thị về phía Bắc, phía Đông Hà Nội

Trao đổi với PV Dân Việt, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam nhìn nhận, việc phát triển các đô thị vệ tinh là xu hướng chung của nhiều thành phố lớn trên thế giới. Thay vì tập trung vào siêu đô thị, các thành phố đa chức năng sẽ có nhiều khu đô thị nhỏ, cơ sở công nghiệp, dịch vụ…

Các đô thị đa chức năng trên thế giới cũng được gọi là thành phố với chỉ vài chục nghìn dân. Nhưng, tại Hà Nội, thực trạng tập trung dân số bên trong trung tâm đang gây quá tải giao thông cũng như các hạ tầng xã hội, và có thể dẫn đến hệ lụy khác như bùng phát dịch bệnh...

Đề xuất 3 huyện Hà Nội lên thành phố: Nếu quy hoạch không tốt, sẽ chỉ tạo cơn sốt đất, tiêu cực cho xã hội
Nhiều năm nay, hạ tầng giao thông ở các quận nội thành Hà Nội quá tải dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên. (Ảnh chụp tại đường vành đai 3 - Khuất Duy Tiến). Ảnh: Trần Kháng

Với đề xuất nghiên cứu quy hoạch 3 huyện ngoại thành Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố, KTS Phạm Thanh Tùng hoàn toàn đồng ý. Bởi, ba huyện này đã có hạ tầng giao thông tương đối tốt, sân bay quốc tế Nội Bài nằm ở cửa ngõ, đất đai rộng lớn thuận lợi cho phát triển đô thị về phía Bắc, phía Đông của Hà Nội.

Trong tương lai, khu vực này kết nối với các đô thị dọc sông Hồng tạo thành chuỗi đô thị đa chức năng. Đồng thời, với kỳ vọng với lợi thế của khu vực này là tập trung nhiều cơ sở công nghiệp, làng nghề, du lịch sinh thái... có thể tạo công ăn việc làm, thu hút người dân đến sinh sống, giúp giảm tải nội đô.

Đề xuất 3 huyện Hà Nội lên thành phố: Nếu quy hoạch không tốt, sẽ chỉ tạo cơn sốt đất, tiêu cực cho xã hội
Hà Nội đang quy hoạch xây dựng 10 cây cầu bắc qua Sông Hồng trong thời gian tới để kết nối vùng trung tâm với các huyện phía Đông và Bắc. (Trong ảnh là cây cầu Thăng Long). Ảnh: Trần Kháng

Cũng đồng tình với đề xuất nghiên cứu quy hoạch 3 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh lên thành phố, trao đổi với Dân Việt, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy học - Kiến trúc Hà Nội, cho rằng: Việc thành lập các thành phố trong những thành phố trực thuộc Trung ương là định hướng đã được thể chế hóa tại Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2016. Hiện đang thí điểm tại TP.HCM, cụ thể là TP.Thủ Đức.

Đối với Hà Nội, trước khi mở rộng năm 2008 đã có Sơn Tây là thành phố loại 3 và Hà Đông cũng là thành phố tỉnh lỵ của Hà Tây cũ. Tuy nhiên, sau đó khi mở rộng Hà Nội thì Hà Đông trở thành quận, còn Sơn Tây trở thành thị xã như hiện tại.

"3 huyện trên có thể trở thành quận hoặc thị xã hoặc mới là thành phố trực thuộc TP.Hà Nội. Như vậy, đề xuất trên là định hướng đúng bởi nó phù hợp với tốc độ đô thị hóa và tỉ lệ đô thị hóa phải làm. Nhưng để xét thì còn nhiều vấn đề", ông Nghiêm nói.

Ba huyện lên thành phố, một tỷ lệ đáng kể đất nông nghiệp sẽ chuyển sang đất đô thị

Theo TKS Đào Ngọc Nghiêm, mặc dù đề xuất này không xa vời, vì 3 huyện này đã có trong danh sách được quy hoạch lên quận hoặc thành phố. Tuy nhiên, muốn được chọn thì cần rà soát lại các tiêu chí như đã quy định. Cụ thể như: các tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, loại đô thị và cơ cấu trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng có phân biệt cao hơn so với các đô thị cấp huyện khác.

Cũng theo TKS Đào Ngọc Nghiêm, hiện tại, tỉ lệ đô thị hóa của 3 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh mới đạt 49%, tức là còn rất thấp so với mục tiêu đặt ra và còn rất thấp so với tiêu chí thành phố đặc biệt, được phân loại từ loại 1-5. Trong định hướng đặt ra lần này, Hà Nội cần phấn đấu để đạt mức đô thị hóa là 62%. Với tỉ lệ đô thị hóa như vậy thì nhiều vùng sẽ trở thành đô thị hóa.

Đề xuất 3 huyện Hà Nội lên thành phố: Nếu quy hoạch không tốt, sẽ chỉ tạo cơn sốt đất, tiêu cực cho xã hội
Một góc trung tâm huyện Mê Linh. Ảnh: Trần Kháng

Ngoài ra, thời điểm hiện tại chọn đơn vị nào để lên thành phố, thì phải căn cứ vào bộ tiêu chí trong Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Trong đó có 5 nhóm tiêu chí và hơn 70 chỉ tiêu cụ thể. Muốn lên thành phố cần đảm bảo những tiêu chí đó.

"Để có định hướng đưa 3 huyện trên lên thành phố thì Hà Nội cần có đề án, đánh giá, xác định nguồn lực. Sau đó mới có thể đưa định hướng này trở thành thực tiễn và trở thành hiện thực được.

Còn hiện tại, để xét các tiêu chí tiêu chuẩn là một câu chuyện dài, cần tính toán kỹ lưỡng từng vùng nhỏ một. Đây là một hệ thống rất phức tạp", TKS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Cũng lưu ý về việc quy hoạch 3 huyện lên thành phố, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, quy hoạch này sẽ dẫn đến chuyển đổi một tỷ lệ đáng kể đất nông nghiệp sang đất đô thị. Hà Nội cần thận trọng quy hoạch chi tiết từng khu vực, tính toán đầu tư theo lộ trình để hiện thực hóa quy hoạch đúng định hướng.

Cùng với đó, chính quyền thủ đô cũng cần có cơ chế sử dụng đất đai hợp lý, minh bạch để đất đai trở thành nguồn lực xây dựng thành phố, tránh tình trạng nhiều bản quy hoạch đô thị "chỉ tồn tại trên giấy" trong nhiều năm.

Đề xuất 3 huyện Hà Nội lên thành phố: Nếu quy hoạch không tốt, sẽ chỉ tạo cơn sốt đất, tiêu cực cho xã hội
Đường cao tốc Võ Nguyễn Giáp nối từ cầu Nhật Tân đi Sân bay Nội Bài đi qua địa bàn 2 huyện Đông Anh và Sóc Sơn. Ảnh: Trần Kháng

Trước mắt Hà Nội và Bộ Xây dựng nên phối hợp trong việc lập quy hoạch các huyện ngoại thành, lấy kinh nghiệm từ thành phố Thủ Đức (TP.HCM) đã có một quá trình dài hướng đến đô thị thông minh. "Nếu không quy hoạch và quản lý tốt, chủ trương từ huyện lên thành phố sẽ chỉ thành cơn sốt đất, tạo tiêu cực cho xã hội", KTS Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh.

Cũng chia sẻ quan điểm về việc đề xuất quy hoạch 3 huyện Hà Nội lên thành phố, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, đây là hướng phát triển đô thị hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là bài toán quy hoạch tổng thể giữa "thành phố nhỏ" với 'thành phố lớn", làm thế nào để mối quan hệ, các hoạt động của nó hiệu quả, làm thế nào để tạo động lực thúc đẩy phát triển từng địa phương nếu đi lên thành phố.

Mục tiêu cuối cùng là nguồn thu ngân sách của thành phố không ngừng tăng lên và đời sống của người dân nhờ vậy được nâng cao. Ngược lại, nếu lập thành phố trong thành phố để rồi dồn nguồn lực đầu tư vào đó mà nguồn thu từ thành phố đó đóng góp cho thành phố lớn không tương xứng thì cần phải xem lại. Hoặc nếu lập thành phố trong thành phố để rồi hình thành quỹ đất, từ đó phát triển thì đó chỉ là một khía cạnh và nguồn lực đó cũng có giới hạn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả