Để thông suốt hoạt động logistics
Các tỉnh thành trong cả nước thực hiện giãn cách xã hội đã làm gián đoạn quá trình lưu thông và vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, những khó khăn như chi phí tăng cao, thiếu nguồn nhân lực, khó khăn khi lưu thông hàng hóa... đang là nguyên nhân khiến cho ngành logistics của Việt Nam đối mặt những thách thức không nhỏ.
Theo các chuyên gia, những tháng cao điểm cuối năm nhiều địa phương sẽ nới lỏng giãn cách, khôi phục sản xuất kinh doanh, đây cũng là thời điểm các DN logistics cần đẩy mạnh các hoạt động để không bị gián đoạn lưu thông hàng hóa, không để đứt gãy cung ứng.
Theo Bộ Giao thông - Vận tải, ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài khiến hoạt động dịch vụ vận tải biển, logistics còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc suy giảm kinh tế trên thế giới cũng như trong nước thời gian qua đã gây ra những tác động không nhỏ đến ngành giao thông-vận tải, như sản lượng vận chuyển, luân chuyển toàn ngành giảm. Gián đoạn việc triển khai một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải và logistics. Giá cước vận tải biển, giá cước vận chuyển container tăng cao. Năng lực của doanh nghiệp trong nước còn chưa đáp ứng tốt yêu cầu về các dịch vụ vận tải, dịch vụ logistics chất lượng cao…
Lưu thông hàng hóa an toàn không chỉ là câu chuyện của riêng ngành logistics mà còn là nỗi lo lắng chung của tất cả các DN sản xuất kinh doanh. Việc vận chuyển hàng hóa khó khăn đã khiến các DN đứt gãy chuỗi cung ứng, bị mất đơn hàng thậm chí khó duy trì được hoạt động. Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp Hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, khủng hoảng từ đại dịch Covid-19 khiến chuỗi vận chuyển và cung ứng bị gián đoạn và đứt gãy. Thậm chí, các quy định chống dịch được thực hiện thiếu đồng loạt tại các địa phương đang gây khó cho các doanh nghiệp ngành logistics. Để duy trì chuỗi vận tải, logistics cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp trong ngành đang gặp không ít những khó khăn về thủ tục, quy định từ các địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh làm nhiều DN không có hợp đồng vận chuyển trong khi vẫn phải duy trì các hoạt động như kho bãi, bảo dưỡng xe, tiền mặt bằng, lãi ngân hàng… khiến không ít DN có nguy cơ phá sản. Thế nên rất cần thiết phải có những giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của DN kinh doanh dịch vụ logistics trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Trên thực tế, hiện nhiều tỉnh thành đã nới lỏng giãn cách nhưng hoạt động lưu thông giữa các địa phương, nhất là giao thông đường bộ vẫn còn nhiều bất cập khi nhiều địa phương vẫn thiếu thống nhất trong việc triển khai. Ông Vũ Văn Tiền, Tổng Giám đốc Geleximco kiến nghị Bộ Giao thông-Vận tải phối hợp cùng chính quyền các địa phương có giải pháp để tạo điều kiện kết nối, "đường thông hè thoáng", chống đứt gãy chuỗi cung ứng. Đặc biệt, xem xét giảm chi phí logistics, cảng biển để tránh tình trạng tăng giá quá cao, tạo gánh nặng lên doanh nghiệp. Khi có các vấn đề vượt thẩm quyền cần nhanh chóng trình Chính phủ để giải quyết, tháo gỡ kịp thời.
Trước những phản ánh của các DN logistics, hiện Chính phủ, các bộ ngành và địa phương cũng đã nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ những vướng mắc mà DN đang gặp phải. Theo đó Chính phủ đã yêu cầu các Bộ: Giao thông-vận tải, Công thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính nâng cao trách nhiệm, chủ động, linh hoạt giải quyết theo chức năng, thẩm quyền, hoặc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề có tính liên ngành liên quan đến hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa để phục vụ đời sống nhân dân, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, bảo đảm thông suốt và an toàn. Đồng thời, cũng có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ, có các giải pháp khả thi, kịp thời để tạo thuận lợi cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa. Không để tình trạng ách tắc trong khâu giao nhận, vận tải làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, đồng thời bảo đảm yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Bên cạnh sự vào cuộc của Chính phủ, các DN cũng đang nỗ lực xây dựng kế hoạch bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa được liên tục thông suốt, an toàn trong thời gian tới, đặc biệt là những tháng cuối năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận