24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nhật Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Để nông sản xuất khẩu “vượt rào” kỹ thuật

Doanh nghiệp cần chủ động sản xuất, chủ động chế biến, chủ động an toàn thực phẩm thì sẽ đưa thêm nhiều mặt hàng nông sản sang EU cũng như tới nhiều thị trường lớn trên thế giới. Chất lượng tốt thì không có gì không làm được.

Mặc dù chịu tác động từ đại dịch bệnh, nhưng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn tăng mạnh, đạt kết quả cao vượt kế hoạch đề ra. Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đạt trên 24,23 tỷ USD, thặng dư thương mại 3,14 tỷ USD.

Theo đó, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu trong năm 2021 sẽ phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3 - 3,2%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,2 - 3,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 45 tỷ USD (cao hơn chỉ tiêu Chính phủ giao 3 tỷ USD).

Hàng nông sản, cụ thể là các loại trái cây Việt Nam được người tiêu dùng thế giới đánh giá cao. Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group cho biết, ở thị trường Mỹ, bất chấp COVID-19, đơn hàng luôn có, khi xảy ra khó khăn do chi phí logistics tăng cao, người tiêu dùng của Mỹ cũng như nhà nhập khẩu bên đó vẫn chấp nhận trả giá cao để dùng hàng nông sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, thời gian qua, việc Việt Nam ký được nhiều Hiệp định thương mại tự do cũng đã giúp quảng bá, tạo thêm sức hấp dẫn với nông sản Việt Nam. Đơn cử từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, khách hàng châu Âu để ý tới hàng nông sản Việt Nam nhiều hơn. Trước đây, họ mua hàng của Thái Lan thì giờ nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang nhập hàng nông sản của Việt Nam. Doanh nghiệp của chúng tôi nhận được nhiều thư thăm hỏi, tìm hiểu, bày tỏ mong muốn nhận hàng nhiều hơn, điều này cho thấy vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới ngày càng cao.

Tuy nhiên, vị đại diện doanh nghiệp này cũng bày tỏ lo lắng, nhất là về tiêu chuẩn chất lượng. Hiện nay, chất lượng nông sản xuất khẩu (XK) không đồng đều, được sản xuất theo rất nhiều chuẩn: Chuẩn XK sang thị trường khó tính, dễ tính, bán nội địa, đi vào chế biến. “Mỗi người nông dân trồng trọt dựa theo khách hàng để bán, điều này rất nguy hiểm cho XK. Khi XK vào thị trường thế giới, đòi hỏi an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm rất lớn. Nếu lô hàng của doanh nghiệp vào danh sách đen - vi phạm an toàn thực phẩm, người ta không nói doanh nghiệp mà nói đó là hàng Việt Nam không đạt chất lượng. Như vậy, thị trường dù dày công xây dựng, đàm phán ký kết FTA lại có nguy cơ bị mất trắng.

Hiệp định FTA chỉ là phương tiện, còn quan trọng là chúng ta phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật. Ngành nông nghiệp Việt Nam đã từng trải qua thời gian canh tác quá dễ tính, nhưng giờ là sân chơi chung, chúng ta cần phải nâng cao chất lượng, đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật. Để duy trì được vị trí trên thị trường thế giới, nông sản cần cải thiện nhiều thứ, trong đó người nông dân trồng đúng quy chuẩn có thể cung cấp tới nhiều thị trường, thậm chí bán nội địa trong nước, ông Tùng cho biết thêm.

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh cho biết, thị trường EU, Mỹ đặc biệt chú ý tới an toàn thực phẩm, đưa ra nhiều quy tắc, chỉ tiêu, yêu cầu cho tất cả nhà bán hàng không chỉ Việt Nam. Do vậy, doanh nghiệp cần nhìn nhận nguyên tắc sản xuất là phải đáp ứng các yêu cầu của họ về an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu thị trường khó tính thì mới XK được.

Từ kinh nghiệm của Phúc Sinh XK hạt tiêu sang nhiều nước EU, thông thường lô hàng tới nơi, doanh nghiệp sẽ yêu cầu bên giám định thứ 3 chủ động kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, đây là giấy thông hành, trước khi nói chuyện miễn thuế. Làm điều này sẽ minh chứng cho chất lượng tiêu của chúng tôi, hàng bán được giá cao hơn, mà người mua cũng yên tâm. Với tư duy chủ động như vậy, doanh nghiệp đã vượt qua được những hàng rào phi thuế quan của EU.

Chính vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động sản xuất, chủ động chế biến, chủ động an toàn thực phẩm thì sẽ đưa thêm nhiều mặt hàng nông sản sang EU cũng như tới nhiều thị trường lớn trên thế giới. Chất lượng tốt thì không có gì không làm được.

Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, tư duy của cơ quan quản lý, người sản xuất khi hội nhập thì phải chấp nhận cuộc chơi của thế giới, của khách hàng. Quyền quyết định, quy định về chất lượng là của đơn vị đặt hàng, người ta có quyền đặt ra tiêu chuẩn người ta. Vì vậy, chúng ta không thể coi đó là cái khó, mà đã là luật chơi thì cần cố gắng. Để chủ động thì phải minh bạch trong khâu tài chính, truy xuất nguồn gốc. Rào cản kỹ thuật chủ yếu là truy xuất mã vùng, mã thửa. Hiện nay, chúng ta quá yếu về vấn đề này. Điều này cần phải được nhanh chóng giải quyết.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ, câu chuyện của quả vải thiều Bắc Giang và Hải Dương là gợi ý định hướng tiêu thụ nông sản Việt Nam trong thời gian tới. Không phải tiêu thụ bao nhiêu tấn vải mà mô hình gì để mang lại giá trị trong tiêu thụ nông sản bền vững. Người tiêu dùng biết được rõ ràng xuất xứ nguồn gốc nông sản, nhà thương mại hiểu rõ vùng nguyên liệu trong từng thời điểm. Không phải đợi tới thu hoạch mới tính tới phân phối thế nào, mà cần được dự báo trước. Làm được điều này thì nông sản Việt Nam không lo rớt giá.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả