24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoa Thanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Để nhà băng bớt “nặng gánh” chi phí’

Theo các chuyên gia ngân hàng, để ngân hàng có thể hỗ trợ được DN và người dân nhiều hơn, không chỉ ở trong giai đoạn dịch, mà còn là thời kỳ “hậu dịch”, ngân hàng cũng cần có sự giúp sức, chia sẻ của các bên liên quan để giảm bớt gánh nặng tài chính.

Tiết giảm chi phí để hỗ trợ DN, người dân

Theo tinh thần của Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, giới chuyên gia đều nhìn nhận những giải pháp mà ngành Ngân hàng đang triển khai đã có những tác động rất đáng kể. Tới thời điểm này toàn hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 170.746 khách hàng với dư nợ 128.210 tỷ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 14.372 khách hàng với dư nợ 28.141 tỷ đồng; hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho 318.528 khách hàng với dư nợ 980.163 tỷ đồng. Lãi suất phổ biến từ 0,5 - 2%, thậm chí một số TCTD hạ lãi suất lên tới 2,5 - 4%/năm; cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi dịch Covid-19 xảy ra khoảng từ 1 - 2% cho 147.630 khách hàng, doanh số cho vay mới luỹ kế từ 23/1/2020 đạt khoảng 533.000 tỷ đồng.

Cơ quan điều hành cũng đồng thời điều chỉnh giảm phí thanh toán điện tử liên ngân hàng để tạo thêm cơ hội cho các TCTD có thể giảm phí với người dân. Napas dưới sự chỉ đạo của NHNN cũng đã 2 lần giảm phí, ước tính giảm trong năm 2020 lên tới trên 1.000 tỷ đồng. Cho tới thời điểm này, nhiều loại phí đã được các ngân hàng giảm từ 75-100% mức phí cũ.

Rõ ràng để hỗ trợ cho DN và người dân, ngân hàng cũng phải chấp nhận câu chuyện hy sinh một phần lợi nhuận của mình. Trong khi ngân hàng cũng là DN cũng chịu nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra như tín dụng giảm, nợ xấu có xu hướng tăng cao… Tất cả đều ảnh hưởng tới doanh thu, lợi nhuận của ngân hàng.

Ông Trần Văn Tần - Uỷ viên HĐQT VietinBank cho biết, ngân hàng với DN là mối quan hệ cộng sinh, nên việc các ngân hàng chia sẻ lợi nhuận, tiết giảm chi phí hỗ trợ DN và người dân vượt qua khó khăn dịch cũng là để giúp chính mình. Tuy nhiên bản thân ngân hàng cũng là DN và cũng chịu tình cảnh khó khăn chung. Theo đó, mặc dù nhiều nhà băng chưa cảm nhận rõ những tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh quý I, nhưng từ quý II trở đi, khó khăn sẽ càng bộc lộ rõ hơn. Bởi khi DN và người dân bị ảnh hưởng, không đảm bảo nguồn thu sẽ gây vướng trong trả nợ, tác động chất lượng tài sản của TCTD, phát sinh nợ xấu khiến các TCTD buộc phải tăng trích lập dự phòng rủi ro…

Cần sự chia sẻ của các bên liên quan

Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đã có kiến nghị tới Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các DN viễn thông xem xét giảm mức giá cước tin nhắn xuống tương đương với mức giá cước tin nhắn thông thường (áp dụng cho dịch vụ nhắn tin giữa các cá nhân đơn lẻ) hoặc ít nhất giảm 50% mức giá cước tin nhắn hiện đang áp dụng với các ngân hàng.

Lý do bởi hiện ngân hàng chịu phí SMS từ nhà mạng hoặc đối tác nhà mạng với mức SMS Branding từ 690-720 đồng/tin nhắn, cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường. Trong điều kiện bình thường, đó đã là một thiệt thòi lớn cho các ngân hàng. Thậm chí nó còn cản trở các ngân hàng trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. Bởi hầu hết các giao dịch ngân hàng đều sử dụng dịch vụ viễn thông với các loại tin nhắn như xác thực khách hàng (OTP), thông báo biến động số dư tài khoản khách hàng, cảnh báo giao dịch lừa đảo, gian lận, thay đổi dịch vụ, thông tin tài khoản...

Nay trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các ngân hàng phải tiết giảm tối đa chi phí, giảm lương cán bộ để hỗ trợ người dân, DN, trong đó các ngân hàng đã thực hiện miễn, giảm phí thanh toán cho khách hàng, nhiều loại phí đã được giảm từ 75 - 100% mức phí cũ. Thế nhưng, hiện cước phí tin nhắn viễn thông đối với các giao dịch ngân hàng vẫn ở mức rất cao. Vì thế các ngân hàng đều phải bù lỗ khi chi trả phí dịch vụ tin nhắn viễn thông.

Ngay sau đó, phía liên quan tới kiến nghị từ phía VNBA, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có trao đổi với đại diện phía Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) thì được biết phía Cục Viễn thông đã có văn bản khẩn gửi tới các DN viễn thông đề nghị nghiên cứu, xem xét giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính - ngân hàng để đồng hành, chia sẻ, giảm bớt gánh nặng chi phí cho ngân hàng khi thực hiện chính sách miễn, giảm phí sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời Cục cũng yêu cầu các DN báo cáo giải quyết đề xuất giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính - ngân hàng của VNBA gửi về Cục Viễn thông trước ngày 27/4/2020. Tuy nhiên cho tới nay, phía Cục Viễn thông cho hay chưa nhận được báo cáo từ các DN viễn thông do các đơn vị này vẫn đang trong quá trình đàm phán.

Theo các chuyên gia ngân hàng, để ngân hàng có thể hỗ trợ được DN và người dân nhiều hơn, không chỉ ở trong giai đoạn dịch, mà còn là thời kỳ “hậu dịch”, ngân hàng cũng cần có sự giúp sức, chia sẻ của các bên liên quan để giảm bớt gánh nặng tài chính.

VNBA cũng vừa có công văn đề xuất gửi tới Tổ chức quốc tế Visa và MasterCard có chính sách giảm tối thiểu 50% phí xử lý giao dịch đối với cả ngân hàng thanh toán và ngân hàng phát hành. Theo VNBA, dưới tác động của dịch Covid-19, doanh số thanh toán đang sụt giảm mạnh, tính đến tháng 3/2020, doanh số sử dụng thẻ trong nước giảm 21%, doanh số sử dụng thẻ tại nước ngoài giảm 28% so với cùng kỳ 2019. Doanh số thanh toán thẻ giảm mạnh qua các tháng (nhất là tuần đầu tháng 4), mức giảm bình quân là 78% so với cùng kỳ và giảm 93% so với tháng 3/2020… Điều này dẫn tới việc ngân hàng thanh toán thu không đủ bù chi, không có doanh thu từ phí thanh toán trong khi vẫn phải tiếp tục chịu chi phíđầu tư, bảo dưỡng và vận hành hệ thống thanh toán thẻ và trả phí trao đổi (interchange fee) rất cao cho ngân hàng phát hành cùng các phí khác cho tổ chức thẻ quốc tế.

Vì thế VNBA đề nghị trước mắt trong 12 tháng tới, các tổ chức thẻ quốc tế xem xét giảm tối thiểu 50% phí xử lý giao dịch; áp dụng cơ chế thu một loại phí đối với 1 giao dịch; chỉ thu phí đối với giao dịch thành công, không thu phí đối với giao dịch lỗi. Miễn hoặc giảm 50% phí interchange cho các nhóm ngành nghề căn cứ theo mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh.

Về lâu dài, VNBA đề nghị Visa và MasterCard giảm 50% phí trả cổng thanh toán đối với giao dịch thanh toán trực tuyến nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt xuống mức 0,015 USD/giao dịch.Đồng thời, đơn giản hóa cơ chế thu phí để hạn chế tình trạng phí chồng phí để hỗ trợ các ngân hàng Việt trong việc thu phí, có chính sách ưu đãi đối với giao dịch trong nước nhằm giảm gánh nặng và thúc đẩy giao dịch thẻ nước ngoài…

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả