Đề nghị làm rõ tính khả thi Vành đai 4 vùng Thủ đô
Chỉ ra thực trạng vành đai từ 1 đến 3,5 của Hà Nội chưa hoàn thiện, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ tính khả thi của Vành đai 4 khi đặt mục tiêu hoàn thành năm 2025.
Chiều 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô. Theo tờ trình của Chính phủ, chiều dài tuyến 112,8 km, đi qua Hà Nội 58,2 km; Hưng Yên 19,3 km; Bắc Ninh 25,6 km.
Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn một dự án khoảng 85.810 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 28.200 tỷ, ngân sách địa phương 28.200 tỷ và vốn BOT 29.410 tỷ. Mục tiêu là hoàn thành dự án trong giai đoạn 2021-2025.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định Vành đai 4 là dự án quan trọng, trách nhiệm của Thường vụ Quốc hội rất lớn, làm sao phải chuẩn bị kỹ lưỡng nhất, tránh tình trạng "chuẩn bị đầu tư rất nhanh, thông số rất hoành tráng, nhưng tiến hành thì kéo dài, phân tán, dàn trải nguồn lực, thậm chí sai phạm".
Nhắc lại tình trạng Hà Nội triển khai Vành đai 4 trong bối cảnh vành đai 1; 2; 2,5; 3; 3,5 đều chưa hoàn thành, ông Huệ đề nghị cơ quan liên quan làm rõ tính khả thi của dự án khi xác định mục tiêu hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. "Chính phủ có cam kết đảm bảo được vấn đề này không, nếu không thì ai chịu trách nhiệm và trách nhiệm thế nào", ông Huệ nói, đề nghị cơ quan trình dự án chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi Quốc hội cho ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Media Quốc hội
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng cơ quan trình dự án cần đánh giá tác động của việc sử dụng vốn đầu tư công triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng; làm rõ khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, thi công, khả năng huy động vốn của doanh nghiệp dự án.
Riêng đối với dự án Vành đai 4, ông Thanh đề nghị Hà Nội làm rõ thứ tự ưu tiên đầu tư trong bối cảnh "các dự án đường vành đai khác của thành phố còn chưa bảo đảm tiến độ". Và Hà Nội cần quan tâm, phân bổ nguồn lực hợp lý không chỉ phát triển cao tốc mà còn cho hệ thống giao thông công cộng. Đây là vấn đề rất cấp bách, bức xúc nhưng chưa có nhiều chuyển biến tại đô thị Hà Nội.
Tham gia giải trình, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, việc thông tuyến, hoàn thiện các vành đai trên địa bàn Hà Nội đều là "tinh thần trong nghị quyết của nhiệm kỳ này". Vành đai 1 dài hơn 7 km, phần còn lại 2,5 km của tuyến đang được tiếp tục thực hiện, dự kiến 2024 hoàn thành. Vành đai 2 đang khép kín, thông tuyến toàn bộ và hoàn thiện nốt 2 cây cầu Vĩnh Tuy, Láng, dự kiến năm nay xong.
Vành đai 2,5 đang vướng mắc ở một số khâu, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành 85% khối lượng của dự án trong thời gian tới đây. Vành đai 3 đã hoàn thành gần như toàn bộ, từ Nội Bài - cầu Thăng Long - cầu Thanh Trì - một phần cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, riêng đoạn tuyến số 3 phía Bắc còn 14 km sẽ được thực hiện cùng với việc phát triển đô thị phía Bắc.
Còn vành đai 3,5, ông Ngọc Anh cho hay thành phố đã hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, dự kiến có 5 dự án, sẽ thông tuyến được khoảng 40 km trong giai đoạn 2021-2025.
Về tính khả thi, lãnh đạo TP Hà Nội cũng thừa nhận dự án có nhiều khó khăn, từ nguồn vốn, lại đi qua nhiều địa phương, diện tích giải phóng mặt bằng lớn. Hạng mục xây lắp cũng nhiều nội dung như cao tốc trên cao, dưới thấp, đường song hành, đường gom...
Ông Ngọc Anh cho rằng việc phân chia thành 7 dự án thành phần là hợp lý, trong đó có sử dụng vốn trung ương, địa phương và BOT, vừa đảm bảo tốc độ, hiệu quả sử dụng nguồn vốn, phát huy được tính toàn diện của dự án với sự góp sức của nhiều địa phương.
Về quy trình chỉ định thầu gói thầu tư vấn, Chủ tịch Hà Nội cho biết sẽ tuân thủ nghiêm quy định về trình độ, năng lực, kinh nghiệm thì mới đưa vào danh sách để lựa chọn đơn vị có năng lực. "Tinh thần này sẽ lựa chọn được đơn vị có năng lực, tiết kiệm được thời gian", ông Ngọc Anh nói, cho biết sẽ phấn đấu việc chuẩn bị thực hiện sẽ hoàn thành muộn nhất vào 2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận