Đề nghị làm rõ cơ cấu vốn ba dự án cao tốc phía Nam
Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ cơ chế tài chính cho ba cao tốc liên vùng, đặc biệt là cam kết vốn từ địa phương.
Chiều 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư ba dự án cao tốc gồm: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh cả ba cao tốc đều tạo động lực phát triển kinh tế trước mắt và lâu dài, quy hoạch phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội và văn kiện Đại hội khóa XIII.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giúp đưa hàng hóa xuống cảng Cái Mép - Thị Vải, giảm tải cho tuyến quốc lộ 51 đang quá tải. Cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa sẽ giải quyết vấn đề "cả vùng Tây Nguyên hiện nay chưa có km cao tốc nào" và có vai trò kết nối toàn bộ các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, giúp đột phá về tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ là trục kết nối quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long, nối sân bay Cần Thơ, cảng Trần Đề và qua khu vực TP HCM, Cà Mau.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Phạm Thắng
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đồng tình cần đầu tư các dự án cao tốc, cho phép bố trí ngân sách địa phương tham gia dự án. Tuy nhiên, đến nay mới có nghị quyết của HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cam kết bố trí 670 tỷ đồng, chưa có các tỉnh còn lại.
"Theo quy định pháp luật, Quốc hội khi thông qua chủ trương đầu tư phải quyết định tổng mức vốn và cơ cấu vốn", ông Thanh nói và đề nghị cơ quan thẩm tra bổ sung để bảo đảm tính khả thi cho các dự án.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói Đảng đoàn Quốc hội đồng tình cao với ba dự án cao tốc, tuy nhiên cần làm rõ hình thức đầu tư, cơ cấu vốn, cách thức triển khai dự án thành phần và năng lực nhà thầu. Nội dung tờ trình vẫn chưa kỹ, một số chưa phù hợp với Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công và pháp luật khác.
Trong điều kiện còn khó khăn, ông Huệ cho rằng có thể kết hợp vốn trung ương, vốn địa phương để thực hiện dự án. Song, việc này phải có sự thống nhất giữa Chính phủ và địa phương, cần giải trình để thuyết phục được Quốc hội. "Nếu Quốc hội chấp nhận thì coi như một cách thí điểm", ông Huệ nói.
Ông Huệ nhấn mạnh, về nguyên tắc, cao tốc xây dựng thì vốn sẽ do trung ương bỏ ra. Tuy nhiên, trường hợp địa phương cần triển khai nhanh, có thể tự nguyện đảm đương một phần vốn. Địa phương phải cam kết phần vốn bỏ ra, được xác nhận bằng các nghị quyết của HĐND cấp tỉnh. Nhưng hiện hầu hết mới có ý kiến của UBND, trong khi UBND không có thẩm quyền về ngân sách.
"Đến thời điểm Quốc hội quyết định, nếu chưa có nghị quyết của HĐND cam kết tổng mức đầu tư, bố trí giải ngân theo tiến độ, tổng mức đầu tư tăng thêm phải cam kết tăng vốn đầu tư tương ứng thì không đủ điều kiện để xem xét quyết định đầu tư", ông Huệ nói.
Một vấn đề nữa Chủ tịch Quốc hội đề cập là điều kiện chuẩn bị đầu tư, phân cấp cho địa phương, nhưng chưa có báo cáo đánh giá năng lực địa phương thế nào, nhà thầu, doanh nghiệp có đủ nguồn lực đầu tư thiết bị thực hiện dự án hay không. Ông Huệ đề nghị cơ quan trình dự án làm rõ vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp chiều 13/5. Ảnh: Media Quốc hội
Theo tờ trình của Chính phủ, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1) dài 117,5 km, kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng. Hình thức dự kiến là đầu tư công và thu phí để hoàn trả phần vốn ngân sách nhà nước khi hoàn thành.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) dài 53,7 km, 6-8 làn xe, dự kiến đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) dài 188,2 km, 4 làn xe, tốc độ 80-100 km/h. Tổng mức đầu tư dự án 44.690 tỷ đồng, theo hình thức đầu tư công và thu phí để hoàn trả vốn ngân sách.
Về tiến độ, cả ba dự án chuẩn bị trong năm 2022, khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận