Đề nghị điều tiết chênh lệch địa tô với dự án thu hồi đất
Đại biểu Quốc hội cho rằng chênh lệch địa tô do chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm dự án rất lớn, tạo bất bình đẳng cho người phải di dời.
Góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại Hội nghị đại biểu chuyên trách ngày 7/4, đại biểu Lê Thị Song An (Long An) nói chính sách, pháp luật đất đai hiện hành chưa quy định điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất trong dự án đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng. Điều này tạo ra bất bình đẳng giữa những người phải di dời với người ở lại.
"Người dân bị di dời được bồi thường đôi khi không thỏa đáng, mất việc làm, sinh kế và hoàn toàn không được hưởng lợi gì từ dự án. Trong khi đó, giá trị đất đai của các hộ dân ở lại tăng thêm rất lớn", nữ đại biểu phân tích.
Bà đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định, cách thức xác định phần điều tiết giá trị tăng thêm từ đất; hoặc giao Chính phủ nghiên cứu quy định chi tiết để tăng tính khả thi.
Chung ý kiến, ông Đinh Ngọc Minh, chuyên trách Ủy ban Kinh tế cho rằng chênh lệch lợi tức từ việc chuyển đổi các loại đất khác sang đất ở rất lớn, nhất là khu vực đô thị. Có nơi mức chênh lệch lên tới hàng chục triệu một m2.
"Phần lợi tức này chủ yếu doanh nghiệp bất động sản được hưởng. Vì vậy hầu hết các đại gia đều kinh doanh bất động sản và là nhà thầu", ông Minh nói, đề nghị lần sửa luật này quy định rõ cách thức phân phối phần lợi tức, địa tô cho toàn dân, phù hợp với Hiến pháp.
Giải trình, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà thừa nhận vấn đề điều tiết địa tô còn nhiều vướng mắc, đang được cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng.
Theo ông, nếu việc đấu thầu, đấu giá trong các dự án được thực hiện đúng thì những địa tô chênh lệch này Nhà nước sẽ thu hồi, chia cho người dân ở khu vực đất bị thu hồi và những người đã giữ, phát triển quỹ đất, giá trị đất.
Việc điều tiết sẽ được thực hiện cho cả người dân có đất bị thu hồi nhưng không phát sinh địa tô chênh lệch, như công trình công cộng, quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, ông thừa nhận Luật Đất đai sửa đổi khó có thể quy định việc điều tiết này vì chính sách liên quan nằm tại Luật Ngân sách, Luật Thuế.
"Thực tế chia bao nhiêu phần trăm cho người dân tại chỗ, bao nhiêu phần trăm cho người dân khu vực khác có đất bị thu hồi mà không phát sinh địa tô đều đã được tính toán nhưng khi đưa ra thì các bộ, ngành nói như vậy là giẫm chân vào các luật khác. Do đó, chúng tôi không đưa vào dự luật", ông Hà lý giải.
Theo kế hoạch, dự luật Đất đai sửa đổi sẽ được Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội lần 2 tại kỳ họp thứ 5 (khai mạc tháng 5) và xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm 2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận