menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Xuân Hòa

Để nền kinh tế bật dậy với năng lượng mới

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, lúc này tốc độ của chiến lược vaccine sẽ quyết định tốc độ đứng dậy của nền kinh tế, quyết định tốc độ kết nối trở lại của nền kinh tế Việt Nam ra thế giới và tốc độ đưa thế giới vào Việt Nam.

Bên cạnh những điểm sáng, trong bức tranh kinh tế đã xuất hiện những chỉ số đáng lo ngại phản ánh sự tổn thương và sức chống chịu đang yếu dần. Nhiều giải pháp đang được nỗ lực triển khai để đưa kinh tế Việt Nam “thoát” khỏi đại dịch, sớm phục hồi tăng trưởng. Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam về vấn đề này.

Trong bức tranh kinh tế những tháng đầu năm, ông để ý những vấn đề gì?

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam tuy vẫn đạt được những kết quả đáng kể, nhưng cũng cho thấy còn nhiều vấn đề cần phải suy xét thấu đáo.

Đầu tiên, thực chất của tăng trưởng là thế nào khi mà doanh nghiệp Việt trong nhiều lĩnh vực, từ du lịch, hàng không, giao thông, vận tải... đang suy yếu. Hệ lụy của động cơ tăng trưởng dựa quá nhiều, quá lâu vào khu vực FDI, vào công nghiệp gắn với xuất khẩu ngày càng rõ nét.

Hai là, mặc dù nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn này, nhưng với mức đóng góp khoảng hơn 10% trong GDP không thể bù đắp cho sự sụt giảm của dịch vụ, công nghiệp.

Ba là, các trung tâm tăng trưởng đều đang kéo dài giãn cách vì dịch bệnh. Hàng loạt doanh nghiệp ở các tỉnh đang thực hiện giãn cách phải đóng cửa, số còn lại hoạt động cũng trong tình trạng cầm cự.

Bốn là, bên cạnh những điểm sáng, trong bức tranh kinh tế đã xuất hiện những chỉ số đáng lo ngại phản ánh sự tổn thương và sức chống chịu đang yếu dần.

Mặc dù tinh thần kinh doanh của doanh nhân của doanh nghiệp Việt rất cao. Bằng chứng là một năm rưỡi qua, sau mỗi làn sóng Covid-19, doanh nghiệp luôn hào hứng nói về sự phục hồi và trở lại thị trường. Như ngành hàng không, du lịch, khi dịch lắng xuống là ào ào mở lại thị trường nội địa được ngay. Nhưng điều lo lắng là thực lực của doanh nghiệp đã yếu đi nhiều kể từ khi chịu thêm “cú đòn” của làn sóng Covid-19 lần thứ tư này.

Đây là những vấn đề đang đặt ra cho công tác điều hành của Chính phủ.

Vậy theo ông, để nền kinh tế và doanh nghiệp đứng dậy, chúng ta cần phải làm gì?

Theo tôi, lúc này tốc độ của chiến lược vaccine sẽ quyết định tốc độ đứng dậy của nền kinh tế, quyết định tốc độ kết nối trở lại của nền kinh tế Việt Nam ra thế giới và tốc độ đưa thế giới vào Việt Nam.

Chính phủ đã và đang mở rộng kênh tìm kiếm nguồn cung vaccine, thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước, đi cùng với đó các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất và tiếp cận vaccine.

Về các chính sách hỗ trợ, tôi cho rằng, quan trọng là cách làm. Nguyên tắc tiếp cận của các giải pháp phải là vì nền kinh tế, vì lực lượng doanh nghiệp Việt đang cần hậu thuẫn để vươn lên chứ không phải là từng doanh nghiệp riêng lẻ.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ chung, cần có chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp có chuỗi sản xuất, ưu tiên doanh nghiệp đầu chuỗi vì họ biết được trong lĩnh vực, ngành hàng của mình có thể hỗ trợ vào đâu để kích hoạt được cả chuỗi.

Đặc biệt, lúc này phải dành nguồn lực cho lực lượng doanh nghiệp của tương lai - những doanh nghiệp bắt nhịp nhanh vào quỹ đạo đổi mới sáng tạo của một trật tự thế giới mới. Với nguồn lực có hạn thì cần hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để hình thành các chuỗi giá trị, các trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ đã nói việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động và tập trung xử lý công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, bảo đảm hiệu quả, thực chất. Thủ tướng cũng đã nói đến cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung…

Nền kinh tế đang cần cơ chế này phủ rộng hơn, đó là bảo vệ, khuyến khích những tư duy, chính sách khác thường để giải bài toán trong bối cảnh bất thường; khuyến khích ý tưởng, đổi mới, sáng tạo, kích thích động cơ mới của nền kinh tế...

Mục tiêu cuối cùng để nền kinh tế không chỉ đứng lên mà còn có được dòng máu mới năng động hơn, trẻ trung hơn, có được nguồn năng lượng mới để tạo bước đột phá.

Chúng ta vẫn nói về một thế giới hoàn toàn biến đổi do tác động của đại dịch Covid-19. Vậy cơ hội của Việt Nam trong dòng chảy kinh tế mới là gì, thưa ông?

Nhìn ra thế giới, những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong 6 tháng đầu năm 2021 lại chính là những nơi gánh chịu hậu quả nặng nề của dịch bệnh trong năm 2020, như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ…

Các cường quốc này “thoát” ra khỏi đại dịch Covid-19 không chỉ nhờ sớm thực hiện tiêm chủng diện rộng để đạt được miễn dịch cộng đồng, mà còn nhạy bén bắt đúng “mạch” phát triển của một cấu trúc kinh tế mới. Đó là đi đầu về công nghệ, về chuyển đổi sang nền kinh tế số.

Có thể thấy rất rõ trong sự điêu tàn của kinh tế truyền thống, kinh tế vật lý trong năm 2020 là sự trỗi dậy mạnh mẽ của các tỷ phú công nghệ trên thế giới, là trạng thái “bình thường mới” khi cả thế giới đóng cửa, nhưng cuộc sống vẫn vận hành.

Đây là lý do mà giới nghiên cứu cho rằng, năm 2020 có thể chính là điểm chuyển của thế giới sang nền kinh tế số, sang trạng thái toàn cầu mới.

Chính trong lúc này, bài toán về tăng trưởng GDP của nền kinh tế Việt Nam không thể chỉ là làm sao đạt được mục tiêu, mà là nhận diện rõ thực trạng, làm rõ động cơ tăng trưởng mới đang chiếm bao nhiêu, có cơ hội tăng lên nhanh không hay vẫn là những động cơ đã làm nên tăng trưởng của nền kinh tế suốt 30 năm qua…

Đặt vấn đề như vậy để nói rằng, bây giờ không phải là lúc bàn về thúc đẩy tăng trưởng một cách đơn thuần mà phải làm rõ nguyên tắc, cách thức hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ các trụ cột của nền kinh tế, để có các quyết sách thực tế, kịp thời.

Chỉ khi doanh nghiệp được hỗ trợ để tham gia vào các chuỗi sản xuất; các chuỗi sản xuất hiện hữu được hỗ trợ để duy trì, thúc đẩy kết nối với thế giới; chỉ khi các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ… được hỗ trợ để tìm kiếm cơ hội, giải pháp phát triển theo đúng xu thế phát triển của kinh tế số, thì khi đó, nền kinh tế mới thực sự đứng dậy bằng thực lực, cùng với thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại