24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Hà Ngọc Linh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Để khắc phục hạn chế trong công tác quy hoạch đô thị, cần tăng cường thanh tra

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị sẽ là thành viên Chính phủ mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội trong chiều 3/11. Một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm nhất lúc này là vấn đề quy hoạch và những hạn chế trong công tác quy hoạch đô thị cần sớm được người đứng đầu ngành xây dựng sớm có giải pháp.

Nhiều hạn chế cần khắc phục

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, vẫn còn một số quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn, một số nội dung thiếu khả thi, chưa tính toán đầy đủ và thiếu các nguồn lực thực hiện; chưa đồng bộ, gắn kết giữa các cấp độ quy hoạch đô thị và giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch khác như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng… chưa gắn kết giữa việc thực hiện quy hoạch, thực hiện dự án đầu tư với kế hoạch vốn đầu tư trung hạn và hàng năm.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh quy hoạch đô thị, bao gồm cả điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ, nhất là điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại một số địa phương còn có biểu hiện tùy tiện, không tuân thủ quy định pháp luật và yêu cầu của quy chuẩn về quy hoạch xây dựng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới.

Chất lượng đô thị hóa chưa cao, nhiều nơi còn tình trạng phát triển đô thị theo chiều rộng, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn, còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, ngập lụt tại các thành phố lớn. Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, nguyên nhân là do nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững chưa đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức. Pháp luật về quy hoạch đô thị còn bất cập và pháp luật về quản lý phát triển đô thị chưa hoàn thiện. Công tác quy hoạch đô thị còn chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng chưa theo kịp yêu cầu. Việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện. Thể chế, chính sách về đô thị và phát triển đô thị còn thiếu đồng bộ và ổn định.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị còn thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ; quản lý đô thị chưa chuyên nghiệp, có nơi còn lỏng lẻo. Sự phân công, phối hợp nhiệm vụ quản lý nhà nước về phát triển đô thị chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ và thống nhất. Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức quản lý đô thị còn yếu. Chưa xây dựng được mô hình chính quyền đô thị phù hợp, thống nhất trong cả nước; việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền đô thị còn hạn chế. Đầu tư còn dàn trải, thiếu đồng bộ; chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực của chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị.

Những giải pháp lâu dài

Về nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, cần hoàn thiện thể chế, pháp luật bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật về quy hoạch, phát triển đô thị với pháp luật khác: Bộ Xây dựng tập trung xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, trong đó dự kiến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng còn tồn tại, hạn chế, bất cập với 7 nhóm vấn đề chính. Nghiên cứu, rà soát, bổ sung hoàn thiện lý luận, phương pháp luận về quy hoạch và quản lý đô thị.

Bộ Xây dựng hiện đã tổ chức nghiệm thu đề tài cấp Bộ “Đổi mới công tác lý luận, phương pháp luận về phát triển đô thị, quy hoạch đô thị” và sẽ tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu này trong việc hoàn thiện các công cụ chính sách về quy hoạch và quản lý đô thị trong thời gian tới.

Về nâng cao công tác quản lý đô thị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, ngành xây dựng tập trung quyết liệt tổ chức thực hiện “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị” sau khi được ban hành. Tập trung công tác nghiên cứu, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, công cụ để quản lý công tác phát triển đô thị, tập trung xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị. Nghiên cứu các công cụ để quản lý các đô thị hiện hữu, phát triển mới, các quy định về tái thiết, cải tạo khu vực đô thị cũ, xuống cấp.

Ngành xây dựng đang tập trung triển khai công tác lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục tích cực triển khai hiệu quả các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 và Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến 2030.

Đẩy mạnh nghiên cứu các mô hình phát triển đô thị gắn với vị trí địa lý, chức năng, vai trò và đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội để tạo điều kiện phát huy tối đa các lợi thế phát triển của mỗi đô thị; trong đó có đô thị vùng núi, đô thị ven biển, đô thị đảo, đô thị cửa khẩu, đô thị công nghiệp, đô thị sinh thái, đô thị du lịch, đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh, đô thị di sản, đô thị sân bay…

Tăng cường, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về phát triển đô thị tại các địa phương. Tiếp tục thực hiện đào tạo, bồi dưỡng 8 nhóm đối tượng cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn về xây dựng và quản lý đô thị; chuẩn hóa tiêu chuẩn khung năng lực cán bộ quản lý đô thị. Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế, tham gia có trách nhiệm các diễn đàn quốc tế nhằm trao đổi kiến thức, kinh nghiệm ở các cấp và thúc đẩy đối thoại chính sách để nắm bắt, cập nhật tình hình, tranh thủ sự ủng hộ và nguồn lực quốc tế.

Đến hết tháng 9/2022, hệ thống đô thị nước ta có 883 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 22 đô thị loại I; 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 93 đô thị loại IV phân bố tương đối đồng đều trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 41% (tăng hơn 5,3% so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực đô thị được giảm mạnh từ 6,9% (2010) xuống 1,1% (2021 - theo chuẩn nghèo đa chiều).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả