24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quang Toàn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Để hội nhập thành công phải tạo dựng đội quân liên kết

Theo TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, ngành nông nghiệp muốn hội nhập thành công cần tạo dựng một đội quân liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp. Để làm được điều đó, phải phát huy vai trò của nhà nước kiến tạo.

Thưa ông, Việt Nam và Liên minh châu Âu đã ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA). Ông có thể đánh gia tác động của Hiệp định với nền nông nghiệp Việt Nam?

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến một loạt FTA đi vào hoạt động, đặc biệt là hai hiệp định CPTPP và EVFTA, có thể nói đã mở ra bước đột phá vô cùng lớn. Đối với nông nghiệp, bước đột phá đầu tiên chắc chắn sẽ là thị trường, tiếp theo, còn là đột phá ở mặt thể chế. Các hiệp định sẽ đụng chạm đến vấn đề tổ chức lại lao động, bảo vệ môi trường, chi tiêu công, doanh nghiệp nhà nước…

Châu Âu là thị trường lớn cho nông sản. Thị trường này có số lượng người sống trên mức thu nhập trung bình rất cao, tốc độ tăng trưởng vào loại “khủng”. Do vậy, để nông sản Việt Nam vào được sẽ phải đáp ứng về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm tuyệt đối.

Từ trước đến nay, nông sản Việt Nam chủ yếu xuất vào các thị trường dễ tính, buôn bán nhỏ lẻ, tiểu ngạch, thủ tục đơn giản. Do vậy, đứng trước yêu cầu của thị trường châu Âu, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sẽ thấy căng thẳng, nhưng theo tôi, đây là thách thức cần thiết đối với nông nghiệp.

Theo ông, chúng ta nên làm gì để đón cơ hội và vượt qua thách thức trên?

Vấn đề quan trọng của hội nhập nói chung là giải quyết các vướng mắc nội tại. Cụ thể, nói đến thương mại trước hết phải nói đến doanh nghiệp, doanh nhân. Song, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân của Việt Nam quá nhỏ, chỉ khoảng 1%, đã thế lại phân tán, yếu và thiếu liên kết. Chưa kể, đội ngũ nông dân cũng sản xuất theo kiểu tiểu nông, manh mún.

Do vậy, tôi thấy cần liên kết lại. Nông dân phải liên kết lại với nhau trong các tổ hợp tác, hợp tác xã; doanh nghiệp phải gắn kết với nhau trong các hiệp hội. Giữa nông dân và doanh nghiệp phải liên kết trong một chuỗi giá trị.

Tôi nghĩ, chúng ta phải sắp xếp một đội ngũ như thế thì mới có thể nói đến tiêu chuẩn và thương hiệu, năng lực cạnh tranh. Đây cũng là yếu tố quyết định sống còn việc chúng ta có thể đứng vững ngay thị trường trong nước hay không.

Để làm được việc đó, cần vai trò của một nhà nước kiến tạo, nhà nước đỡ đầu cho hợp tác xã, nhà nước điều chỉnh hành vi của các hiệp hội, nhà nước tạo ra môi trường để thu hút doanh nghiệp, doanh nhân tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…

Ông có nhắc đến con số chỉ 1% doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp. Vì sao lại ít như vậy?

Chúng ta đã có các nghị quyết thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhưng suốt một thời gian dài, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng không vượt lên được tỷ lệ 1%. Đặc biệt, hầu như không có doanh nghiệp FDI muốn đầu tư vào nông nghiệp. Cũng có các đại gia thành công trong lĩnh vực công nghiệp và bất động sản muốn đầu tư vào nông nghiệp, họ là những người thực sự tâm huyết, rất muốn làm, nhưng hết sức khó.

Đếm đi đếm lại trong lĩnh vực nông nghiệp cũng chỉ có một vài doanh nghiệp kiên trì nhất, dũng cảm nhất như Vinamilk, TH True Milk, Lộc Trời và một số doanh nghiệp thủy sản. Nguyên nhân của tình trạng này, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, đó là những rào cản về thủ tục. Đối với doanh nghiệp mới lập nghiệp, họ gặp khó khăn về điều kiện tham gia, những doanh nghiệp đã hoạt động thì gặp khó khăn về các đoàn đến kiểm tra, kiểm định, kiểm soát quá nhiều.

Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nông nghiệp, nhưng để tiếp cận được chính sách cực kỳ gian nan. Đó là chưa kể đến cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó là thiếu vốn, trong khi ngân hàng không mặn mà cho vay lĩnh vực này, lãi suất cũng quá cao, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn.

Ông có đề xuất gì nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp?

Muốn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trước tiên, phải xử lý vấn đề quỹ đất. Cần có chính sách để các diện tích đất đang sử dụng không hiệu quả có thể cho doanh nghiệp thuê, hoặc để nông dân liên doanh, liên kết sử dụng quỹ đất với doanh nghiệp, cốt sao doanh nghiệp có đất đầu tư kinh doanh và nông dân không mất sinh kế.

Thứ hai, như đã nói, cần đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp về đầu tư, phát triển ở các vùng, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, cần quan tâm đầu tư đường sắt và đường cao tốc.

Thứ ba, tôi phải nhắc lại là cần tạo liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân theo các hợp tác xã. Cải thiện thể chế để doanh nghiệp có thể liên kết được với nông dân

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả