ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Ổn định kinh tế vĩ mô, cắt giảm lãi suất nhiều hơn để hỗ trợ doanh nghiệp
Sáng nay (31/5), Quốc hội sẽ bắt đầu bước vào phiên thảo luận ở hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Tiền Phong trao đổi với đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP HCM) về những vấn đề cần quan tâm, nhất là trong điều hành chính sách tài chính - tiền tệ.
Đẩy mạnh hạ tầng giao thông, giảm chi phí logistics
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đây chính là một “điểm son”, cơ bản, trở thành nền tảng trong sự phát triển bền vững.
Về yếu tố lạm phát, trong mấy năm qua, khi lạm phát thế giới lên đến 8,8% mức bình quân chung, tăng gấp 4 lần so với bình thường, kinh tế thế giới bất ổn, nhưng trong nước luôn kiểm soát được lạm phát dưới 4% trong gần 10 năm nay.
Trong 3 năm 2020, 2021 và 2022, dù tình hình thế giới có nhiều biến động, song Chính phủ đã luôn kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, và đã làm được việc đó. Điều này sẽ tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững thời gian tới.
Chính phủ đã phản ứng rất linh hoạt, bám sát thực tiễn để ban hành các giải pháp ứng phó với tình hình. Chúng ta liên tục có kỳ họp bất thường, từ sự linh hoạt của Quốc hội, kỳ họp bất thường đầu năm 2022, chúng ta đã có Nghị quyết 43 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã kịp thời ban hành nghị quyết, sau đó Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02, 03, Chính phủ cũng có nghị định về giảm thuế… Đồng thời đưa ra những giải pháp hỗ trợ, chấn chỉnh thị trường tài chính, ví dụ như vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, hay thị trường bất động sản… Tất cả những vấn đề đó được Chính phủ đưa ra các giải pháp ứng phó, giúp kinh tế Việt Nam có sự phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Để ứng phó với tình hình có nhiều biến động hiện nay, luôn đòi hỏi hệ thống giải pháp lâu dài, trên cơ sở bám vào Nghị quyết 29 của Bộ Chính trị về công nghiệp hóa, hiện đại hoá, góp phần nâng cao tính độc lập, tự chủ về kinh tế.
Tức là chúng ta phải đầu tư nhiều hơn cho công nghiệp nền tảng như công nghiệp vật liệu, cơ khí, sinh học công nghệ cao… để chúng ta tránh sự phụ thuộc vào nguyên vật liệu nước ngoài.
Ngay cả xuất khẩu của chúng ta phần lớn là gia công, như vậy để làm chủ nguyên vật liệu đó, thì phải đầu tư công nghiệp hỗ trợ; hay như nền nông nghiệp Việt Nam là thế mạnh, nhưng chúng ta vẫn đang nhập rất nhiều, với hàng tỷ USD hàng nông sản, sản phẩm thế giới vào, cạnh tranh ngay trên thị trường Việt Nam.
Chính vì vậy, việc hiện đại hoá, công nghiệp hoá nền nông nghiệp đặt ra như thế nào, đòi hỏi phải có một sự đầu tư dài hạn.
Bên cạnh đó, chúng ta đã có một sự chuyển dịch rất tốt về kết nối hạ tầng. Nếu triển khai nhanh được hạ tầng, kết nối giao thông, sẽ giảm được chi phí logistics, chúng ta sẽ kết nối được giữa nông thôn với đô thị, lúc đó hàng hoá nông sản của Việt Nam sẽ có điều kiện cạnh tranh hiệu quả.
Có thể nói, Ngân hàng Nhà nước đã tuân thủ mục tiêu chính sách tiền tệ, ưu tiên hàng đầu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, và điều quan trọng hơn là phải đáp ứng được vấn đề tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm. Cho nên, khi lạm phát được kiểm soát tốt rồi, đã xuống 3,5% rồi, lúc đó chúng ta phải nhanh chóng hạ lãi suất.
Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần phải tiếp tục hạ lãi suất, và các ngân hàng thương mại trong thời điểm này phải chung sức với người bạn đồng hành của mình, đó chính là doanh nghiệp. Vì lẽ đó, các Ngân hàng thương mại phải hi sinh lợi nhuận của mình trong thời điểm hiện nay, để mạnh dạn cắt giảm lãi suất nhiều hơn để hỗ trợ doanh nghiệp.
Khi các quy định chưa được hoàn thiện, việc các thành viên Chính phủ xuống thực tiễn, vừa gỡ điểm nghẽn, nhưng đồng thời cũng hỗ trợ với các địa phương để giải quyết những vấn đề mà địa phương đang vướng là rất cần thiết.
Như vậy sẽ giải quyết được điểm nghẽn một cách trực tiếp thay vì giải quyết bằng văn bản, gửi đi rồi trả lại, không hiểu nhau. Nhưng về lâu dài, chúng ta phải dành thời gian nhiều hơn để rà soát hệ thống pháp luật của mình, đảm bảo có sự đồng bộ, dễ triển khai.
Điều này cần phải có sự đồng bộ, các bộ, ngành phải tích cực hơn trong việc trả lời các văn bản của các địa phương.
Ngoài ra, tôi cho rằng, lúc này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng phải vào cuộc, để giải thích rõ hơn về các nội dung của hệ thống luật pháp. Đôi lúc cũng câu từ đó, điều khoản đó nhưng có thể được diễn giải theo nhiều nghĩa khác nhau. Lúc đó Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cùng các Uỷ ban của Quốc hội phải giải thích cho rõ vấn đề này.
Cảm ơn ông !
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận