Đây là lúc cần nỗ lực cao nhất
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% năm nay sẽ vô cùng khó khăn, thách thức trong bối cảnh bệnh dịch virus corona (nCoV) đang diễn biến khó lường. Tuy nhiên, chưa nhất thiết và cũng không có cơ sở để phải điều chỉnh mục tiêu đã đặt ra bởi nếu điều chỉnh giả
Đây là nhận định được TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV đưa ra trong trao đổi với Thời báo Ngân hàng về tác động của dịch nCoV đối với kinh tế Việt Nam.
Xin ông cho biết một số nhận định sơ bộ về tác động của dịch nCoV đối với nền kinh tế?
Tinh thần chung là dịch bệnh này sẽ có tác động tiêu cực đối với kinh tế toàn cầu. Hiện đã có khá nhiều dự báo đánh giá kinh tế Trung Quốc có thể giảm từ 1 đến 1,5 điểm % trong quý I và quý II/2020. Trung Quốc hiện đóng góp khoảng 33% tổng tăng trưởng toàn cầu nên đương nhiên khi nước này bị như vậy, cộng với một số nền kinh tế lân cận ở châu Á cũng bị ảnh hưởng, kéo theo đó kinh tế thế giới cũng sẽ bị giảm tốc trong quý I và quý II, với dự tính kinh tế thế giới sẽ giảm ở mức khoảng 0,3-0,5 điểm %.
Với Việt Nam, ước tính của nhóm nghiên cứu chúng tôi thì có thể thậm chí bị giảm ở mức cao hơn, có thể từ 0,5-0,7 điểm %. Các kênh, lĩnh vực chịu tác động chủ yếu bao gồm: Y tế (do chi phí cho y tế bị tăng lên); Du lịch; Thương mại; Giao thông - Vận tải, nhất là đường hàng không; Sản xuất công nghiệp; Dịch vụ bán lẻ; Đầu tư trực tiếp và gián tiếp; Dịch vụ tài chính.
Theo ông, lĩnh vực nào sẽ chịu tác động mạnh nhất?
Lĩnh vực chịu tác động mạnh và trực tiếp nhất hiện nay là du lịch, bởi vì khách Trung Quốc chiếm lượng rất lớn trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, như năm ngoái chiếm khoảng 40% và trong năm nay thì hết tháng 1 năm nay chiếm khoảng 32%. Du lịch và hàng không rất liên quan đến nhau nên đương nhiên đây sẽ là hai lĩnh vực chịu tác động mạnh và sau đó đến thương mại.
Tuy nhiên, du lịch sẽ bị ngấm sâu và lâu hơn so với thương mại. Với thương mại, vì dịch bệnh hiện nay nên có thể hoạt động xuất - nhập khẩu sẽ khó khăn trong một thời gian. Nhưng sau đó Trung Quốc sẽ phải tìm cách để nhập khẩu hàng hóa vì nếu như không nhập thì họ sẽ thiếu hàng hóa để cung ứng ra thị trường, đặc biệt là lương thực, thực phẩm mà người dân của họ thì có thể giảm đi du lịch chứ không thể nhịn ăn uống được.
Nhóm nghiên cứu chúng tôi cũng đang phân tích thêm về chu kỳ phục hồi trở lại. Trước mắt, chúng tôi dự báo trong quý I dịch bệnh sẽ gây ảnh hưởng khá tiêu cực, nhưng từ quý III, quý IV, với giả định dịch bệnh bắt đầu lắng xuống, được kiểm soát tốt và tạm thời dứt điểm trong quý II, sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ. Diễn biến với thị trường chứng khoán và các hoạt động kinh tế - xã hội khác cũng sẽ như thế và điều này thì đã được kiểm nghiệm qua các đợt dịch bệnh như SARS, hay MERS xảy ra trong quá khứ.
Những giải pháp cần thiết trong lúc này là gì, thưa ông?
Ưu tiên số một bây giờ vẫn phải là phòng chống dịch. Theo đó, bây giờ phải thực hiện rất nghiêm túc những chỉ thị, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan.
Bên cạnh đó, từng bộ, ngành, địa phương phải theo dõi, có đánh giá và phải có biện pháp, giải pháp đối với lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách. Như mới đây, NHNN đã yêu cầu các TCTD nghiên cứu để có những biện pháp hỗ trợ đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn vì dịch bệnh… Những công việc như vậy theo tôi rất cần được nghiên cứu, cụ thể hóa để thực hiện. Cùng với đó, việc phối kết hợp giữa các bộ, ngành và địa phương phải cực kỳ chặt chẽ và tốt bởi vì đây là vấn đề mang tính liên ngành, đa ngành nên không phối hợp tốt thì không giải quyết được.
Một điểm quan trọng khác là các hoạt động hợp tác quốc tế. Hợp tác quốc tế trong lúc này là vô cùng quan trọng. Hợp tác ở đây bao hàm rất nhiều vấn đề từ y tế, giáo dục, du lịch, hàng không… Ví dụ trong giáo dục thì vấn đề du học sinh giải quyết thế nào; trong hàng không với các nước có hạn chế du lịch, đi lại hay không, ở mức độ nào… đều cần bàn để đưa ra giải pháp với các nước đối tác.
Một vấn đề nữa là Chính phủ cũng có thể bắt đầu phải tính toán ngay từ bây giờ về các biện pháp hỗ trợ một số ngành nghề, lĩnh vực chịu tác động mạnh của dịch bệnh để các doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua giai đoạn này, như hỗ trợ giảm khó khăn với xuất khẩu, nông nghiệp, du lịch… Đây là phương án cần tính đến nếu tình hình trở nên khó khăn hơn. Tất nhiên là phương án phải được tính trên cơ sở đánh giá thực tiễn, chứ không phải cho không hay bao cấp.
Vậy ông dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ ở mức nào?
Như đã nói ở trên, sơ bộ Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu BIDV chúng tôi dự báo, tác động của dịch bệnh này có thể làm giảm 0,5 đến 0,7 điểm % tăng trưởng trong quý I và quý II. Tuy nhiên, từ lịch sử các đợt dịch bệnh dịch bệnh trước đây chúng tôi cũng nhận định, sẽ có sự hồi phục tương đối mạnh mẽ trong quý III, quý IV và điều này sẽ hỗ trợ kéo lại đà tăng trưởng cho cả năm nay. Tuy nhiên, nhìn chung, mục tiêu kinh tế 6,8% năm nay là vô cùng khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, chưa nhất thiết và cũng không có cơ sở để phải điều chỉnh mục tiêu đã đặt ra, mà trước hết chúng ta phải phấn đấu, nỗ lực cao nhất. Nếu bây giờ điều chỉnh sẽ tạo ra hai rủi ro: Một là rủi ro tạo ra tính thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; Hai là tạo ra tâm lý ỷ lại, mà như vậy là cực kỳ nguy hiểm trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Nói cách khác, nếu điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng lúc này thì chúng ta có thể sẽ chịu thất bại kép.
Xin cảm ơn ông!
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận