menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đoan Trang

Đây là cách Fed ấn định lãi suất và vì sao điều đó lại quan trọng

Các ngân hàng luôn cho vay tiền - với một khoản phí.

Khi chúng ta vay và sau đó trả lại kèm theo tiền lãi, đó là cách các ngân hàng kiếm tiền.

Chi phí vay, được gọi là lãi suất, có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc bạn chọn thẻ tín dụng nào hoặc bạn có quyết định xài một thẻ nào đó hay không.

Tuy nhiên, nếu ngân hàng của bạn muốn làm cho việc vay tiền trở nên đắt hơn hoặc rẻ hơn, không đơn giản chỉ đưa ra mức lãi suất mới, như một người bán tạp hóa thường làm với giá sữa. Đó là một quá trình được kiểm soát cao hơn bởi Cục Dự trữ Liên bang (Fed), hay Ngân hàng trung ương của Mỹ.

Tại sao Fed quan tâm đến lãi suất?

Năm 1977, Quốc hội Mỹ đã trao cho Fed hai nhiệm vụ chính: Giữ ổn định giá cả của những thứ mà người Mỹ mua và tạo ra những tình trạng thị trường lao động cung cấp việc làm cho tất cả những người muốn chúng.

Fed đã phát triển một bộ công cụ để đạt được mục tiêu kép này về lạm phát và việc làm tối đa. Tuy nhiên, những thay đổi về lãi suất là thu hút nhiều sự chú ý của giới truyền thông nhất, có lẽ vì chúng có tác động theo thời gian thực đối với việc phải tốn bao nhiêu để vay.

Từ Washington, Fed điều chỉnh lãi suất với hy vọng thúc đẩy tất cả các loại thay đổi khác trong nền kinh tế. Nếu muốn khuyến khích người tiêu dùng vay để việc chi tiêu có thể tăng - một hình thức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - thì họ cắt giảm lãi suất và làm cho việc vay rẻ hơn. Sau cuộc Đại suy thoái, họ giữ lãi suất gần bằng 0 để đạt được điều đó.

Để thực hiện điều ngược lại và làm giảm nhiệt nền kinh tế, họ tăng lãi suất để mọi người ít muốn có thêm một thẻ tín dụng nữa.

Fed thường điều chỉnh lãi suất để đối phó với lạm phát - sự tăng giá xảy ra khi mọi người có nhiều tiền để chi tiêu hơn so với những gì có sẵn để mua.

Tuy vậy, đối với phần lớn sự phục hồi kinh tế này, lạm phát đã không thực sự tăng, mặc dù nó hiện đang nằm trong phạm vi mục tiêu của Fed. Lâu nay, lạm phát được kỳ vọng ​​sẽ tăng tốc, đặc biệt là sau khi Chính phủ liên bang đưa ra cú hích dưới hình thức cắt giảm thuế và khi tỷ lệ thất nghiệp liên tục ở gần mức thấp nhất kể từ năm 1969.

Và vì vậy, thay vì chống lạm phát, Fed đang tìm cách duy trì đợt tăng trưởng dài kỷ lục này càng lâu càng tốt. Việc cắt giảm lãi suất vào ngày 31/07 vừa qua thể hiện cột mốc quan trọng trong nhiệm vụ đó.

Lãi suất lên xuống như thế nào?

Các ngân hàng không chỉ cho người tiêu dùng vay, họ cũng cho vay lẫn nhau.

Đó là vì vào cuối mỗi ngày, họ cần có một lượng vốn nhất định trong dự trữ. Khi những người có tài khoản ngân hàng xài tiền, số dư đó dao động, do đó, một ngân hàng có thể phải vay qua đêm để đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu.

Và giống như cách họ tính phí bạn lúc cho vay, họ tính phí lẫn nhau.

Fed cố gắng gây ảnh hưởng lên khoản phí đó, gọi là lãi suất quỹ liên bang.

Khi lãi suất quỹ liên bang giảm, các ngân hàng cũng hạ lãi suất mà họ tính cho người tiêu dùng, do đó chi phí đi vay giảm.

Sàn và trần

Sau cuộc Đại suy thoái, Fed đã mua vào lượng trái phiếu Chính phủ lớn chưa từng có để bơm tiền vào tài khoản của các ngân hàng. Gần 2 ngàn tỷ USD dự trữ vượt mức đã được Fed tích lũy (năm 2008 có chưa tới 500 tỷ USD).

Fed đã quyết định cách để giảm bớt kho dự trữ trái phiếu Chính phủ này là cho một số quỹ tương hỗ thị trường tiền tệ và các doanh nghiệp tài chính khác vay. Họ thực hiện điều này trong các giao dịch được gọi là “hoạt động mua lại ngược” (repo), liên quan đến việc bán trái phiếu Chính phủ và đồng ý mua lại vào ngày hôm sau.

Fed ấn định lãi suất "sàn" thấp hơn cho những cái gọi là “repo” này.

Sau đó, họ đưa ra mức lãi suất cao hơn, kiểm soát số tiền mà họ trả cho các ngân hàng để giữ tiền mặt, được gọi là lãi suất dự trữ vượt mức. Con số này đóng vai trò như mức “trần”, vì các ngân hàng sẽ không muốn cho nhau vay với lãi suất thấp hơn mức mà Fed đang trả cho họ - ít nhất là trên lý thuyết.

Ví dụ, khi Fed tăng lãi suất vào tháng 9 năm ngoái, họ đã ấn định lãi suất repo ở mức 2% và lãi suất dự trữ vượt mức ở mức 2.25%, khoảng cách cao nhất trong hơn một thập niên.

Lãi suất quỹ liên bang hiệu quả trên, mức mà các ngân hàng sử dụng để cho nhau vay, sau đó được thả nổi giữa 2% và 2.25%.

Khi Fed tăng lãi suất, các ngân hàng ít được khuyến khích cho vay hơn, vì họ đang kiếm được nhiều tiền hơn qua việc giữ tiền mặt trong dự trữ.

Tác động của quyết định lãi suất

Sau khi Fed tăng hoặc cắt giảm lãi suất quỹ liên bang, trách nhiệm được chuyển sang cho các ngân hàng.

Sau một đợt tăng lãi suất, các ngân hàng tăng lãi suất mà họ tính cho các khách hàng đáng tin cậy nhất - chẳng hạn như các tập đoàn lớn - được gọi là lãi suất cơ bản. Thông thường, các ngân hàng thông báo việc tăng này trong vòng vài ngày sau thông báo của Fed.

Những thứ như tiền vay mua nhà và lãi suất thẻ tín dụng sau đó được tính theo lãi suất cơ bản.

Tuy nhiên, tác động của lãi suất cao hơn hoặc thấp hơn có thể được cảm nhận từ lâu trước khi Fed hành động nếu quyết định chính sách này được xem là chắc chắn. Chẳng hạn, trong quý 2/2019, lãi suất tiền vay mua nhà thời hạn 30 năm đã giảm xuống dưới 4% do các trader suy đoán về việc cắt giảm lãi suất. Sự sụt giảm này đã gây ra sự bùng nổ trong tái cấp vốn và mua hàng, Wall Street Journal đưa tin.

Không có nhiều tin vui cho người tiết kiệm. Theo Bankrate, một số ngân hàng trực tuyến bao gồm Ally và Marcus của Goldman Sachs đã hạ lãi suất tài khoản tiết kiệm trước quyết định của Fed.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả