24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Hoàng Sơn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đầu tư vào sàn tiền ảo, đa cấp trái phép: Mạo hiểm vì quá nhiều rủi ro

Hàng loạt ứng dụng đầu tư tài chính đồng loạt bị sập, hoặc biến mất trong những ngày gần đây khiến nhiều nhà đầu tư khóc ròng. Tuy nhiên, vẫn có không ít người bị mờ mắt bởi "lợi nhuận quá cao" để rồi như con thiêu thân lao vào tàn lửa.

Bài học cay đắng vì ham lợi nhuận “khủng”

Hàng trăm người tham gia đầu tư trên sàn giao dịch Coolcat, được quảng cáo là bảo hiểm 100% vốn đang “ngồi trên đống lửa” khi ứng dụng này không thể truy cập được. Những người đại diện của sàn cũng biến mất, không thể liên lạc. Cho đến nay chị Thu H. đã đầu tư vào sàn Coolcat hơn 200 triệu đồng. Vào ngày 16/4/2021, bỗng nhiên sàn có thông báo bảo trì hệ thống ngân hàng thanh toán do lượng rút tiền quá nhiều. Khách hàng tin tưởng và chờ đợi nhưng cho đến chiều tối ngày 16/4 thì hoàn toàn không truy cập vào trang này được nữa lúc đó họ mới biết mình đã bị lừa. Chị M ở Hà Nam cho biết, bố mẹ, em chồng và nhà chị đã bỏ hơn 1 tỷ đồng vào sàn Coolcat, bản thân mới nộp tiền, chưa kịp chơi thử đã trắng tay.

Sau khi sập sàn Coolcat, trong vòng chưa đến 1 tuần đã có hàng nghìn người báo bị mất tiền, ước tính sơ bộ con số thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Ngoài TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, nhiều người ở các tỉnh, thành như Bắc Kạn, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Dương, Hậu Giang... cũng tham gia. Hàng trăm đơn tố cáo bị chiếm đoạt tài sản cũng được gửi đến cơ quan chức năng. Nhưng những người đại diện của sàn cũng biến mất, không thể liên lạc.

Theo tìm hiểu, ứng dụng Coolcat đưa ra 6 gói bảo hiểm với mức phí từ 54 USD - 9.146 USD (1,26 - 210 triệu đồng). Chẳng hạn khi mua gói bảo hiểm có phí 210 triệu đồng, mỗi ngày nhà đầu tư sẽ nhận lãi từ 3,3 - 9,7 triệu đồng. Ngoài ra, sàn cũng thưởng hoa hồng cho người giới thiệu lên đến 1,8 triệu đồng, tùy thuộc vào gói bảo hiểm mà người được giới thiệu mua. Khi ứng dụng Coolcat xuất hiện, đã có rất nhiều lời cảnh báo từ chính những nhà đầu tư có kinh nghiệm về độ rủi ro của cuộc chơi đầu tư này. Rất tiếc, vẫn có nhiều người nộp tiền vào hệ thống, đến nay đối diện với nguy cơ mất trắng số tiền đầu tư.

Vẫn bất lực trước tiền ảo?

Không riêng Coolcat, hiện nhiều ứng dụng, trang… đầu tư tài chính khác được mở ra với mục đích lừa tiền người chơi. Vào cuối năm 2020, Công an TP Hồ Chí Minh cũng cảnh báo hình thức huy động vốn, tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép trên trang Wefinex.net. Một nền tảng kiếm tiền khác cũng thu hút người đầu tư, khiến không ít người "vỡ mộng", có tên Shopping Mail.

Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận được đơn tố giác của người sử dụng app mua sắm Shopping Mail (http://shop555.cc). Sàn giao dịch Emrfx (www.emrfx.com) tại tỉnh Nghệ An...). Công an TP Hà Nội cũng cảnh báo về việc sập bẫy sàn giao dịch GardenBO. Sàn này cho phép người chơi cá cược, đặt lệnh tăng (xanh) hoặc giảm (đỏ) theo tỷ giá các đồng tiền ảo. Sàn chào lợi nhuận 10 - 80%/ngày.

Các sàn giao dịch trên thường có cùng một số đặc điểm tương đồng, chủ yếu hoạt động kêu gọi đầu tư trái phép do nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước (không xác định được tư cách pháp nhân) tự lập, lôi kéo nhà đầu tư tham gia dưới nhiều hình thức như: Mua bán chứng khoán quốc tế, đồng tiền kỹ thuật số, giao dịch quyền lựa chọn nhị phân (Binary Option với hình thức dự đoán giá trị lên xuống của một tài sản (có thể là đồng tiền ảo crypto, vàng, chứng khoán, cổ phiếu, tỷ giá...).

"Nhà đầu tư sẽ được hưởng lãi suất như cam kết, nhưng chỉ là các điểm ảo được ghi nhận trên tài khoản, người chơi chỉ được quy đổi thành tiền Việt Nam một lượng rất nhỏ để tạo lòng tin, hoặc không quy đổi được. Các hội nhóm có nhà đầu tư không rút được tiền sẽ bị xóa đi và các đối tượng tiếp tục lập các hội nhóm khác để lôi kéo người mới" - Công an TP Hà Nội cho biết.

Khuyến cáo của các chuyên gia và nhà quản lý, việc đầu tư vào tiền ảo, đa cấp trái phép tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Các loại tiền ảo không phải là đồng tiền pháp định của bất cứ quốc gia nào, không được bất cứ Ngân hàng Trung ương nào đảm bảo nên các nhà đầu tư tiền ảo sẽ không được pháp luật bảo vệ mỗi khi gặp rủi ro. Giá của các tiền ảo biến động liên tục với biên độ lớn, thậm chí nhiều thời điểm giá các loại tiền ảo tăng chóng mặt, ẩn chứa nguy cơ bong bóng và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra, mỗi tháng các sàn giao dịch tiền ảo có hàng triệu USD đang là miếng mồi ngon của tội phạm mạng. Không chỉ ở Việt Nam, các sàn tiền ảo trên thế giới thời gian qua liên tục bị đánh sập. Theo báo cáo tổng hợp mới đây của các Bộ: Tư pháp, Tài chính, TT&TT, Công an và Ngân hàng Nhà nước về tình hình, kết quả thực hiện “Quyết định 1255 ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và những đề xuất, kiến nghị” thì vấn đề quản lý tiền ảo vẫn là bài toán khó đối với cơ quan quản lý.

Hiện chưa có các quy định rõ ràng về cơ chế quản lý, giám sát hoạt động giao dịch và phát hành, tiền ảo có thể bị lợi dụng trở thành một kênh để các đối tượng thực hiện các hành vi bị cấm như rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc sử dụng tiền ảo trong các hoạt động phi pháp khác. Chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng, trước mắt để ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp, kiểm soát được một cách tối đa các hoạt động liên quan đến tiền ảo và hạn chế rủi ro, Việt Nam phải kiểm soát chặt các giao dịch liên quan đến tiền ảo đối với các ví giao dịch được đăng ký và có danh tính. Cấm tuyệt đối các hoạt động liên quan đến tiền ảo ẩn danh và xa hơn, có thể áp dụng các biện pháp hành chính hoặc hình sự đối với các chủ thể thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo không đăng ký.

Mới đây, Bộ Tài chính cũng phát đi cảnh báo nêu rõ, hiện nay các sàn giao dịch tiền ảo chủ yếu hoạt động kêu gọi đầu tư trái phép, do nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước (không xác định được tư cách pháp nhân) tự lập, lôi kéo nhà đầu tư tham gia đầu tư dưới nhiều hình thức. “Việt Nam cũng chưa có quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo”- Bộ Tài chính khẳng định.

Tuy nhiên, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, những bài học của nhiều vụ lừa đảo trên sàn tiền ảo, đa cấp vẫn luôn là lời cảnh báo với những người mờ mắt vì lợi nhuận.

"Đầu tư vào tiền ảo không phải là đầu cơ mạo hiểm, mà là đầu cơ vô cùng mạo hiểm. Phần lớn mọi người đang coi đây là sản phẩm đầu cơ. Trong khi gắn với đầu cơ là câu chuyện của đa cấp với rất nhiều các cách bán khác nhau. Nếu là sản phẩm đầu cơ, vậy ai là người cuối cùng cầm cục than nóng? Khi đầu cơ quá lớn vấn đề sẽ là hậu quả về sau." - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - SSI Nguyễn Duy Hưng

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả