Đầu tư đường Vành đai 4 Hà Nội theo hình thức BOT sẽ làm tăng mức đầu tư 2.584 tỷ đồng
Cơ quan thường trực Hội đồng Thẩm định Nhà nước cho biết, đầu tư theo phương thức BOT tại dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô sẽ làm tăng tổng mức đầu tư thêm 2.584 tỷ đồng tiền lãi vay.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Cơ quan thường trực Hội đồng Thẩm định Nhà nước đã có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội đề nghị giải trình và bổ sung hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội.
Đề nghị này được đưa ra sau khi có kết quả của cuộc họp thẩm định của Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành hôm 6/10.
Cơ quan này cần được UBND TP.Hà Nội làm rõ với siêu dự án đường bộ có tổng mức đầu tư lên tới 94.127 tỷ đồng. Đồng thời, đề nghị làm rõ nhiều nhất liên quan đến việc lựa chọn thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của TP.Hà Nội có thuyết minh về sự cần thiết đầu tư dự án, nhưng các phân tích còn chung chung, chưa làm nổi bật được thực trạng, nhu cầu cấp thiết phải đầu tư.
Được biết, tại tờ trình về việc trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, UBND TP.Hà Nội đề nghị chia dự án thành 3 dự án thành phần.
Trong đó, dự án thành phần 1 - công tác giải phóng mặt bằng có tổng mức đầu tư 24.242 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương; Dự án thành phần 2 - xây dựng đường đô thị, đường song hành có tổng mức đầu tư 9.399 tỷ đồng, dự kiến sử dụng ngân sách địa phương; Dự án thành phần 3 - đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc đi trên có tổng mức đầu tư 60.486 tỷ đồng, dự kiến đầu tư theo hình thức PPP (vốn nhà nước góp 55%, vốn tư nhân góp 45%).
Cơ quan thường trực Hội đồng Thẩm định Nhà nước đánh giá về tổng thể, dự án có vốn nhà nước đóng vai trò chủ đạo (65.487 tỷ đồng, chiếm 69,6% tổng mức đầu tư), nên lợi thế thu hút vốn tư nhân không còn nhiều.
Tuy nhiên, so với phương thức đầu tư công sử dụng 100% vốn đầu tư công, đầu tư theo phương thức PPP tại dự án sẽ làm tăng tổng mức đầu tư thêm 2.584 tỷ đồng tiền lãi vay trong thời gian xây dựng.
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cũng chưa làm rõ, nếu thực hiện theo phương thức PPP, sẽ thu hút được công nghệ và kinh nghiệm quản lý có lợi thế hơn từ khu vực tư nhân.
Bên cạnh đó, UBND TP.Hà Nội phải làm rõ là khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư tại dự án thành phần 3 - xây dựng hệ thống đường cao tốc đi trên cao.
Ngoài dự án thành phần 3 theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT còn xây dựng đường đô thị, đường song hành đi dưới thấp (dự án thành phần 2).
Việc đầu tư đường song hành dưới thấp sẽ ảnh hưởng tới việc khai thác, phân lưu luồng xe với đường BOT trên cao. Cơ quan thường trực đề nghị UBND TP.Hà Nội có tính toán chi tiết phân lưu giữa đường trên cao và đường dưới thấp để xem xét khả năng hoàn vốn và tính khả thi của dự án thành phần 3 đi trên cao.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước Nguyễn Chí Dững đã ký Quyết định số 1335/QĐ – HĐTĐNN về việc phê duyệt Kế hoạch thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội theo phương thức PPP để báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Cụ thể, có tới 19 nội dung tại Dự án đầu tư xây dựng tuyến vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội theo phương thức PPP, bao gồm:
Sự phù hợp với điều kiện lựa chọn dự án để đầu tư theo phương thức PPP, sự cần thiết đầu tư; có lợi thế so với các hình thức đầu tư khác; có khả năng bối trí vốn Nhà nước trong trường hợp có nhu cầu sử dụng vốn Nhà nước; đánh giá về mục tiêu; dự kiến quy mô, địa điểm, thời gian thực hiện dự án; nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên khác; việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư; đánh giá sơ bộ hiệu quả đầu tư, hiệu quả tài chính, hiệu quả KT- XH; cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi hỗ trợ đầu tư…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận