Đầu tư dầu thô lãi nhiều hơn chứng khoán và USD từ đầu năm
Giá dầu thô WTI tương lai tăng khoảng 30% trong năm nay, trong khi chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới đã giảm khoảng 15%.
Giá dầu đang chứng tỏ được sự vững vàng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào suy thoái, và nếu tính từ đầu năm, “vàng đen” đã mang lại cho nhà đầu tư lợi nhuận vượt trội so với các chỉ số chứng khoán chính và đồng USD.
Nguyên nhân phía sau sự vượt trội này của dầu thô là các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến nguồn cung dầu từ Nga giảm thêm, giữa lúc nguồn cung dầu toàn cầu vốn dĩ đã thắt chặt.
Hãng tin Reuters dẫn số liệu từ Refinitiv Eikon cho biết giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London và giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York đã tăng khoảng 30% trong năm nay, trong khi chỉ số MSCI All Country World Index (MSCI ACWI) của chứng khoán thế giới đã giảm khoảng 15%.
MSCI ACWI, thước đo dựa trên thị trường chứng khoán của 47 quốc gia, đã có nửa đầu năm giảm mạnh nhất kể từ khi chỉ số ra đời vào năm 1990, trong bối cảnh lạm phát lập kỷ lục ở nhiều quốc gia và các ngân hàng trung ương khởi động cuộc đua lãi suất nhằm chống lạm phát.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đã tăng khoảng 10% từ đầu năm.
“Lượng dầu tồn kho thấp và công suất khai thác dầu dự trữ ngày càng giảm là hai trong số những nguyên nhân chính đẩy dầu thô tăng giá”, Chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng Thuỵ Sỹ UBS phát biểu.
Trong phần lớn thời gian của hai năm qua, sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga, tức liên minh OPEC+, không đạt mục tiêu sản lượng đề ra do nhiều thành viên có vấn đề về công suất khai thác dầu. Theo dữ liệu nội bộ của OPEC+ do Reuters thu thập được, phần sản lượng hao hụt so với mục tiêu của liên minh trong tháng 6 là 3 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 3% tổng nguồn cung dầu toàn cầu.
“Dự báo giá lên đối với các hàng hóa cơ bản như dầu sẽ duy trì chừng nào nhu cầu còn cao hơn nguồn cung”, ngân hàng MUFG nhận định. “Ngược lại, thị trường tài chính là những tài sản được định giá dựa trên tốc độ tăng trưởng của nhu cầu, mà tốc độ này rõ ràng đang giảm”.
Nhà phân tích Craig Erlam của Oanda nhận định thêm rằng thị trường chứng khoán toàn cầu đã chịu ảnh hưởng bất lợi từ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm diễn biến giá dầu – nhân tố tạo ra một vòng xoáy đi lên của lạm phát.
Ngân hàng JPMorgan Chase đã điều chỉnh giảm dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm nay và năm tới, cho rằng thị trường dầu còn chưa phản ánh khả năng xảy ra suy thoái kinh tế. JPMorgan Chase nói thêm rằng bằng chứng lịch sử cho thấy nhu cầu dầu được hỗ trợ chừng nào kinh tế toàn cầu còn tăng trưởng dương, còn trong tất cả các cuộc suy thoái, giá dầu thường giảm 30-40%.
Chốt phiên giao dịch ngày 1/8, giá dầu Brent giảm 3,8%, còn 100,03 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 4,8%, còn 93,89 USD/thùng.
Dầu giảm giá mạnh sau khi dữ liệu về ngành sản xuất của một số quốc gia phủ bóng lên triển vọng giá dầu, trong khi nhà đầu tư chờ cuộc họp sản lượng của OPEC+ vào ngày thứ 4 tuần này.
Số liệu được công bố cho thấy các nhà máy ở Mỹ, châu Âu và châu Á cùng mất đà trong tháng 7, khi nhu cầu toàn cầu suy yếu và các biện pháp chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc khiến sản xuất chậm lại. Những báo cáo này làm gia tăng nguy cơ rơi vào suy thoái của kinh tế toàn cầu.
Theo Nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters, việc giá dầu Brent giảm dưới ngưỡng hỗ trợ 102,68 USD/thùng có thể dẫn tới một cú sụt về vùng 99,52-101,6 USD/thùng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng giá dầu sẽ được hỗ trợ bởi nguồn cung thắt chặt. “Đang có một sự mất kết nối giữa các số liệu kinh tế và những gì chúng ta đang chứng kiến ở phía nguồn cung. Nguồn cung dầu vẫn đang rất thắt chặt”, Chuyên gia phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận