menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Mai Đặng

Đầu tư công: Không để 'đầu năm thong thả, cuối năm vất vả'

“Với rất nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ, cộng với hoạt động ngày càng hiệu quả của các tổ công tác, việc giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới được kỳ vọng sẽ “thần tốc” và đột phá hơn” - đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ với phóng viên Tiền Phong xoay quanh vấn đề giải ngân vốn đầu tư công.

Khắc phục tình trạng lo sợ, e dè

Nhìn lại 11 tháng của năm 2023, cho thấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt được cao hơn năm trước cả về tỷ lệ phần trăm cũng như số tiền giải ngân. Theo ông, kết quả đạt được như vậy do đâu?

Tại Kỳ họp thứ 6 diễn ra vừa qua, Quốc hội đánh giá rất cao sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công. So với những năm trước, năm 2023, dù chưa đạt được theo mong muốn, nhưng có thể nói đã có sự tiến bộ vượt bậc, giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả rất cao.

Cụ thể, giải ngân 11 tháng của cả nước khoảng 461 nghìn tỷ đồng, đạt 65,1%, cao hơn cùng kỳ (58,33%) và số tuyệt đối cao hơn gần 123 nghìn tỷ đồng. Đây là một tín hiệu tốt, cũng là kết quả rất đáng mừng, góp phần đưa tăng trưởng GDP lên mức cao hơn.

Đầu tư công: Không để 'đầu năm thong thả, cuối năm vất vả'
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa

“Là đại biểu Quốc hội, tôi đánh giá rất cao sự điều hành của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ trong năm qua, đặc biệt là việc thành lập tổ công tác, đi đôn đốc, nhắc nhở và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.

Để đạt được kết quả này, trước tiên có sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập và duy trì 5 Tổ công tác để kiểm tra, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng thành lập 26 đoàn công tác do các thành viên Chính phủ làm Trưởng đoàn để làm việc với các địa phương nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, trong đó có tháo gỡ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023. Các tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đã thực sự mang lại hiệu quả.

Đây là một vấn đề rất mới trong công tác chỉ đạo, điều hành về giải ngân vốn đầu tư công. Tổ công tác đã đến từng địa phương, từng bộ, ngành để kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, rồi tìm hiểu nguyên nhân vì sao tốc độ giải ngân chưa được như mong muốn; rồi thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở và tìm ra giải pháp khắc phục, để cùng các bộ, ngành ở trung ương cũng như các địa phương quyết liệt trong giải ngân đầu tư công.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số đơn vị, địa phương giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước. Vấn đề đặt ra, cùng một mặt bằng quy định chung, nhưng sao có địa phương làm tốt, có địa phương không? Có địa phương dám vượt qua nỗi sợ, e dè để giải ngân, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, còn địa phương khác sao lại rụt rè?

Vừa qua, Quốc hội cũng đã đánh giá, đề nghị Chính phủ có giải trình thật sự thuyết phục về vấn đề này. Trước tiên, chúng ta rất trân trọng, đánh giá cao những nơi nào giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao trong thời gian qua. Ngược lại, vẫn còn những bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, trong khi có cùng một mặt bằng chung với các địa phương khác, cùng các loại thủ tục, sổ sách, giấy tờ, điều kiện giải phóng mặt bằng, rồi cơ chế chính sách…

Việc này Chính phủ đã giải trình, Quốc hội cũng cho ý kiến. Thực tế này có rất nhiều nguyên nhân, trong đó chúng ta có thể thấy, ở nơi nào thủ trưởng cơ quan Trung ương, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm thì nơi đó kết quả giải ngân tốt, còn ở nơi nào chưa quan tâm đúng mức thì kết quả đạt được chưa mong muốn.

Đầu tư công: Không để 'đầu năm thong thả, cuối năm vất vả'
Song song với giải ngân tốt, phải đảm bảo chất lượng công trình theo yêu cầu đề ra

Giải ngân đến hết tháng 11/2023 đạt gần 461 nghìn tỷ (65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), cao hơn 6,77% và cao hơn 122,6 nghìn tỷ về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có những bộ, ngành, địa phương đạt kết quả giải ngân vốn đầu tư công tốt như Ngân hàng Phát triển Việt Nam (100%), Hội Nhà báo Việt Nam (100%), Hội Luật gia Việt Nam (92,76%), Văn phòng Quốc hội (83,61%), Hội Nhà văn Việt Nam (81,6%), Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (74,74%), Bình Dương (113,4%), Long An (112,7%), Bà Rịa Vũng Tàu (106,84%), Tiền Giang (101,42%), Đồng Tháp (100,82%), Hải Phòng (99,83%).

Ngoài ra, cũng có nguyên nhân được chỉ ra là tình trạng sợ trách nhiệm, e dè, chưa dám nghĩ, dám làm, người đứng đầu các bộ, ngành chưa thực sự quyết liệt. Công tác giải phóng mặt bằng vướng, dẫn đến tiền chờ công trình, tiến độ thi công chậm, vướng chỗ này, vướng chỗ kia… Việc này cần phải được nghiêm túc nhìn nhận để không lặp lại trong năm tới.

Bắt tay vào việc ngay từ đầu năm

Thời gian còn lại của năm 2023, các bộ, ngành phải làm gì để đạt được mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn được giao? Năm 2024, theo ông, các bộ ngành, địa phương cần phải làm gì để tránh tình trạng đầu năm thong thả, cuối năm vất vả?

Chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc năm 2023, trong khi đó khối lượng vốn chưa giải ngân được còn khá lớn. Mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn được giao thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, nhưng theo tôi, đây là một bài toán khó, vì thời gian cho năm 2023 đã gần hết. Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực quyết tâm cao nhất để đạt con số cao nhất có thể, tôi cho rằng vẫn phải có sự chuyển nguồn sang năm sau thì mới nhanh, mới tốt được.

Về việc này, Bộ KH&ĐT đã có đề xuất với Chính phủ, trong giải ngân năm tới, bộ ngành, địa phương nào giải ngân chậm sẽ chuyển vốn, rút vốn cho địa phương nào làm tốt. Thậm chí, nơi nào làm không tốt còn phải xem xét, kiểm điểm trách nhiệm, vì tiền có, vốn có mà không giải ngân được. Để tránh tình trạng đó, họ sẽ phải đặt sự quyết tâm rất lớn trong thời gian tới. Tôi cho rằng, đây là giải pháp rất căn cơ, cốt lõi và sẽ mang lại hiệu quả.

Với rất nhiều cơ chế thông thoáng được đưa ra, tôi tin tưởng và cũng kỳ vọng trong năm 2024 sẽ đạt kết quả cao về giải ngân đầu tư công. Muốn vậy, phải bắt tay vào việc ngay từ đầu năm, khắc phục cho được tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.

Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu, bên cạnh việc đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí?

Đương nhiên điều này rất quan trọng. Bên cạnh giải ngân nhanh thì đi kèm với đó phải yêu cầu đảm bảo chất lượng công trình, không thể vì thành tích mà làm qua loa đại khái cho xong. Điều đó không thể chấp nhận được. Điều người dân thấy phản cảm nhất là công trình không đạt chất lượng, mới làm năm trước mà năm sau đã xuống cấp, thậm chí vừa nghiệm thu đã xuống cấp, dân không chấp nhận được điều đó.

Cho nên, song song với giải ngân tốt, phải đảm bảo chất lượng công trình theo yêu cầu đề ra. Cùng với đó, cần xử lý nghiêm các vi phạm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giảm sát. Chính quyền địa phương cũng phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư và đơn vị thi công trong khâu giải phóng mặt bằng. Địa phương mà giải phóng mặt bằng chậm thì làm sao đảm bảo tiến độ công trình?

Từ năm 2024, với cao tốc Bắc – Nam, những địa phương nào có công trình đi qua thì địa phương đó làm chủ đầu tư, thậm chí giao cho một địa phương làm chủ đầu tư công trình liên tỉnh. Đây là một sáng kiến rất hay mà Quốc hội đã đồng tình theo đề xuất của Chính phủ. Như vậy tiến độ triển khai dự án sẽ đạt hiệu quả, vì địa phương sẽ không còn đổ thừa cho trung ương, và trung ương cũng không đổ thừa cho địa phương nữa.

Trân trọng cảm ơn ông !

Tại Thông báo số 511/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê bình các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023; yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan; trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp quyết liệt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
4 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại