Đầu tư 14 triệu USD lắp điện mặt trời chưa được 2 năm đã hư hỏng
Tại các xã biên giới Tân Trạch, Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, dự án điện mặt trời trị giá gần 14 triệu USD lắp đặt tại các thôn bản vùng khó khăn, chưa có điện lưới quốc gia. Thế nhưng, hệ thống điện mặt trời này đã bị hư hỏng chỉ sau 2 năm đưa vào sử dụng.
Trước đây, nhà ông Tương ở bản Đoòng, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, là vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng nên không có điện lưới. Năm 2016, gia đình ông được lắp một trạm điện năng lượng mặt trời trong sân nhà gồm hai tấm pin, một tủ ắc quy và một số thiết bị. Một đường dây đấu nối kéo vào nhà để thắp sáng 3 bóng đèn.
Đến nay, hệ thống điện mặt trời này đã hư hỏng. Nhìn cụm pin năng lượng mặt trời trước nhà còn kiên cố nhưng không thể phát điện, ông Tương buồn bã vì trở lại tình cảnh không có điện thắp sáng. Ông Nguyễn Văn Tương cho biết, trước kia điện lúc có lúc không, cả năm nay trạm bị hỏng nên không còn sử dụng được.
“Dùng thắp sáng, không xem được tivi, điện chập chờn, lúc trời mưa thì không có điện, trời nắng thì có. Nếu hư thì báo lên xã để xã báo thợ điện tới sửa, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy đâu" - ông Tương chia sẻ.
Tương tự, cụm pin mặt trời tại các bản làng xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch cũng không phát huy được hiệu quả, nhiều trạm đã hư hỏng. Cô giáo Đinh Thị Quyên, Điểm trường bản 61, xã Thượng Trạch cho biết, điện mặt trời chỉ sử dụng được 6 tháng có nắng. Ban đêm các cô ở lại trường phải thắp đèn dầu.
“Đầu năm nay về điểm trường mới này nước sinh hoạt có đủ, nhưng điện thì không có. Tôi đang gặp khó khăn về điện, chỉ dùng bóng tích điện và bóng năng lượng mặt trời, nhưng mùa mưa thì chịu, buổi tối không có điện không làm gì được" - cô Quyên nói.
Ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch có 18 bản đều được lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời. Hiện nay, một số trạm pin năng lượng và trạm phát điện chập chờn. Các tấm pin phủ bụi, rêu mốc, bên dưới, tủ đựng bình ắc quy bị cỏ dại, cây cối phủ lấp.
Ông Trương Tấn Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, thiết bị tại các cụm phát điện còn nguyên vẹn với các tấm pin, bình ắc quy, tủ kỹ thuật, dây dẫn vào nhà dân, bảng điện.... Sau một năm rưỡi hoạt động, các trạm điện mặt trời vẫn chưa phát huy hiệu quả.
“Đang sử dụng điện năng lượng mặt trời nhưng hiệu quả chủ yếu dùng để thắp sáng và chỉ có hiệu quả vào mùa nắng. Điện này không dùng để sản xuất, xã và các ban ngành đang đề nghị các cấp quan tâm" - ông Hưng bày tỏ.
Dự án cấp điện năng lượng mặt trời các xã vùng xa chưa có điện lưới được lắp đặt tại 9 xã của 4 huyện gồm Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa, với gần 1.300 hộ dân, 78 cơ quan, dịch vụ công. Dự án triển khai từ tháng 7/2015, tổng vốn 13,7 triệu USD, trong đó 12 triệu USD là vốn vay của chính phủ Hàn Quốc, 1,7 triệu USD là phần đối ứng của Việt Nam. Khu vực hưởng thụ dự án năng lượng mặt trời có khí hậu ẩm ướt, số tháng nắng ít, thường xuyên lũ lụt. Ngoài ra, người dân sử dụng quá công suất, bảo quản không tốt, tổ quản lý trạm điện không có chuyên môn khiến các điểm phát điện nhanh hư hỏng.
Ông Nguyễn Việt Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình, kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời thừa nhận, có nhiều trạm điện mặt trời hư hỏng, không thể phát điện. Tỉnh đã giao Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thuộc Sở Công Thương thống kê các điểm hư hỏng, có phương án khắc phục, thay thế bằng các linh kiện dự phòng.
Trước mắt, Trung tâm này phải quyết toán xong sau đó khảo sát, lên phương án thay thế, sửa chữa và chờ UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt mới có thể phân bổ thiết bị dự phòng về địa phương.
“Từ năm 2019 đã bàn giao, bảo hành cho các đơn vị quản lý vận hành. Có một số điểm vẫn đang hoạt động tốt, một số điểm thì hư hỏng, UBND tỉnh, Sở Công Thương giao cho Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại lập dự án để sửa chữa, nhưng vẫn đang còn trình và chờ xin kinh phí sửa chữa" - ông Nguyễn Việt Hà cho biết.
Trong thời gian chờ quyết toán và chờ xây dựng phương án, các trạm điện năng lượng mặt trời hư hỏng đành phải bỏ hoang phế. Sắp tới, có một dự án kéo điện lưới quốc gia lên 5 bản trung tâm của 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch, tổng kinh phí 110 tỷ đồng./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận